Ô nhiễm môi trường

Vùng phát thải thấp không phải "cây đũa thần" giải quyết triệt để ô nhiễm không khí tại Hà Nội

Thanh Thanh 21:03 21/01/2025

Đó là nhận định của Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam trước việc Hà Nội thí điểm vùng phát thải thấp tại hai quận Ba Đình và Hoàn Kiếm từ đầu năm 2025.

Để giảm thiểu ô nhiễm không khí từ nguồn giao thông, tại Kỳ họp lần thứ 20, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy định thực hiện vùng phát thải thấp trên địa bàn TP Hà Nội, có hiệu lực từ 1/1/2025. Trước mắt, thực hiện thí điểm vùng phát thải thấp tại hai quận Ba Đình và Hoàn Kiếm.

Tại tọa đàm "Giải pháp triển khai vùng phát thải thấp tại Hà Nội" do báo Tiền phong tổ chức sáng 21/1, bà Lưu Thị Thanh Chi - Phó trưởng phòng Quản lý Môi trường, Sở TN&MT Hà Nội cho biết, vùng phát thải thấp được đưa ra trong Luật Thủ đô sẽ được triển khai trong năm 2025. Vùng phát thải thấp tập trung vào các phương tiện giao thông, cụ thể khi lưu thông vào vùng phát thải thấp sẽ khuyến khích các phương tiện giao thông xanh, cấm các phương tiện xe không đạt tiêu chí về lượng phát thải, gây ô nhiễm không khí.

Hai quận Ba Đình và Hoàn Kiếm đang thực hiện thí điểm vùng phát thải thấp trong năm 2025. Trong đó, có cơ chế đặc thù về thuế phí, khoanh vùng khu vực làm vùng phát thải thấp, hạ tầng giao thông, kết nối giao thông công cộng và giao thông cá nhân, hệ thống camera giám sát và lực lượng giám sát…; dán tem cho các phương tiện sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch.

image.png
Hai quận Ba Đình và Hoàn Kiếm đang thực hiện thí điểm vùng phát thải thấp trong năm 2025

Bà Trịnh Thị Minh Phương, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), cho rằng khó khăn và thuận lợi khi triển khai vùng phát thải thấp của quận Hoàn Kiếm và Ba Đình là tương đồng nhau. Quận Hoàn Kiếm đang khảo sát các giải pháp và mong muốn sớm nhận được hướng dẫn từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

Quá trình thực hiện, theo bà Phương, sẽ gặp một số khó khăn liên quan phần lớn đến ý thức người dân. "Do cơ sở hạ tầng giao thông tại Hà Nội chưa được kết nối đồng nhất nên gây khó khăn cho quá trình thực hiện vùng phát thải thấp. Quận Hoàn Kiếm đang đề xuất mở rộng phố đi bộ để giảm thiểu phương tiện giao thông cá nhân; mở rộng hệ thống xe điện chạy xuyên toàn quận để góp phần cải thiện chất lượng không khí", bà Phương cho hay.

Còn ông Nguyễn Cương Quyết, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Ba Đình, cho rằng cần kiên trì nâng cao nhận thức của người dân, nếu chỉ có lý thuyết thì rất khó.

Theo ông Quyết, quận Ba Đình đã đề xuất lập đề án thực hiện, tránh loay hoay không biết bắt đầu từ đâu. Trong đó, dự kiến sẽ lựa chọn các phố đi bộ ở đảo ngọc Ngũ Xã, hồ Ngọc Khánh, Phạm Huy Thông để thí điểm...

Chia sẻ về giải pháp để triển khai thành công vùng phát thải thấp, TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, vùng phát thải thấp không phải "cây đũa thần", chỉ là một trong những biện pháp góp phần cải thiện ô nhiễm không khí TP Hà Nội. Tuy nhiên, hiệu quả của vùng phát thải thấp đã được chứng minh ở rất nhiều nước, ví dụ tại châu Âu đã có hơn 300 vùng phát thải thấp.

screenshot-2025-01-21-210105.png
TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (Ảnh: Tiền Phong)

Qua nghiên cứu tài liệu và kinh nghiệm tại các thành phố trên thế giới, kết quả của việc thực hiện các vùng phát thải thấp phụ thuộc rất nhiều vào cách triển khai. Nhưng phải nhấn mạnh rằng việc thiết kế vùng phát thải thấp rất khó khăn, đòi hỏi phải có nhận thức đúng, thiết kế đúng và hành động đúng. Không có mô hình nào chung cho việc thực hiện các vùng phát thải thấp, mặc dù đều có mục đích chung là giảm thiểu ô nhiễm.

Đúc rút bài học kinh nghiệm từ các thành phố trên thế giới, để đảm bảo thực hiện vùng phát thải thấp thành công thì cần phải đảm bảo các điều kiện sau: có định nghĩa rõ ràng về mục tiêu; cần có tầm nhìn về giao thông; phải có truyền thông sâu rộng về vùng phát thải thấp; có chiến lược thực hiện hiệu quả và công bằng; có chương trình giám sát; chương trình hỗ trợ các đối tượng bị tổn thương; có biện pháp bổ sung các phương tiện giao thông công cộng xanh.

Bên cạnh thách thức thì cơ hội trong cuộc chiến chống giặc ô nhiễm không khí cũng rất nhiều. Bởi lẽ việc này đã được sự chung tay vào cuộc của lãnh đạo Đảng, Chính phủ và thành phố Hà Nội thông qua Luật Thủ đô 2024. Đây là cơ hội để thí điểm các cơ chế, chính sách vượt trội và đặc thù cho Hà Nội.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Vùng phát thải thấp không phải "cây đũa thần" giải quyết triệt để ô nhiễm không khí tại Hà Nội
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.