Vượt khó trong dịch bệnh, Bắc Giang xuất khẩu lô vải thiều đầu tiên của mùa vụ năm 2021 sang Nhật Bản

Hải Ngân|26/05/2021 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Sáng 26/5, lô vải thiều khoảng 15 tấn của huyện Tân Yên (Bắc Giang) được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản có chất lượng vượt trội, an toàn về thực phẩm và an toàn về Covid-19. Đây cũng là lô vải thiều đầu tiên của Bắc Giang xuất khẩu sang Nhật trong mùa vải năm nay.

Tỉnh Bắc Giang đã chủ động xây dựng kế hoạch về sản xuất vải thiều an toàn dịch bệnh với với nhiều biện pháp đồng bộ.

Thiết lập “Vùng vải an toàn dịch bệnh”

Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), các lô hàng đầu tiên xuất khẩu sang Nhật Bản sẽ được xử lý xông hơi khử trùng bằng Methyl Bromide theo yêu cầu của phía Nhật tại cơ sở xử lý xông hơi của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (Công ty Toàn Cầu, xã Phượng Sơn, Lục Ngạn, Bắc Giang). Đây là cơ sở xông hơi khử trùng đã được Cục BVTV cũng như cơ quan kiểm dịch thực vật của Nhật kiểm tra, công nhận đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của phía Nhật.

Cũng theo Cục BVTV, do điều kiện dịch bệnh Covid-19, nhất là tại Bắc Giang đang hết sức phức tạp, nên Cục BVTV và cơ quan kiểm dịch của Nhật Bản đã sớm làm việc, thống nhất một quy trình ủy quyền tạm thời cho phía Việt Nam thực hiện quá trình giám sát, xử lý các thủ tục về kiểm dịch.

Nhằm đảm bảo để vải thiều xuất khẩu thuận lợi nhất trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Cục BVTV sẽ triển khai bố trí nhân lực và thiết bị phục vụ việc giám sát, lấy mẫu kiểm tra và kiểm dịch thực vật, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch ngay tại chỗ.

Hiện có 5 doanh nghiệp đã tiến hành khảo sát vùng trồng, đang chuẩn bị các điều kiện đàm phán, ký kết hợp đồng thu mua vải với nông dân thuộc các mã số vùng trồng để xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật.

Ông Lê Ánh Dương – Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Bắc Giang đã chủ động xây dựng kế hoạch về sản xuất vải thiều an toàn dịch bệnh với với nhiều biện pháp đồng bộ.

Tỉnh Bắc Giang đưa cách ly tất cả các đối tượng F1 ra ngoài vùng vải thiều tập trung của các huyện; tuyên truyền, vận động người dân trong vùng vải thiều không đi ra khỏi địa bàn, tập trung cho sản xuất, tiêu thụ vải thiều; lập các Tổ chốt kiểm soát phòng dịch Covid 19 đối với người, phương tiện vào vùng vải thiều tập trung; kiểm tra y tế các mã vùng trồng, chủ vườn trồng vải thiều, các cơ sở đóng gói, sơ chế, lái xe và phương tiện vận chuyển, người lao động tham gia thu hái, đóng gói, vận chuyển vải thiều, bảo đảm an toàn, không bị ảnh hưởng Covid 19…

Do đó có thể khẳng định, vải thiều Bắc Giang có chất lượng vượt trội, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, được trồng trọt, chăm sóc ở “Vùng vải an toàn dịch bệnh”, không bị tác động Covid-19 nên người tiêu dùng trong và ngoài nước hoàn toàn có thể yên tâm tin dùng.

Bắc Giang đưa ra 3 kịch bản tiêu thụ vải trong tình hình Covid-19 phức tạp

Với kịch bản 1, dịch được kiểm soát, vải dự kiến được tiêu thụ 50% trong nước, 50% xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 95%, tương đương 85.500 tấn, còn lại 4.500 tấn xuất sang các thị trường khác như Nhật, Australia, EU, Mỹ, Thái Lan, Singapore…

Kịch bản 2, dịch diễn biến phức tạp nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, vải thiều được tiêu thụ trong nước 70%, xuất khẩu 30%, trong đó Trung Quốc chiếm 95% sản lượng xuất khẩu.

Còn kịch bản 3, xuất khẩu bị đóng, vải thiều được tiêu thụ 100% nội địa, Sở Công Thương Bắc Giang lên kế hoạch đưa đến các chợ đầu mối 80.000 tấn, hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị 30.000 tấn. Lượng còn lại chia cho các chợ truyền thống, tiểu thương, sàn thương mại điện tử và chế biến sấy.

Báo cáo của tỉnh Bắc Giang cho thấy, năm 2021, diện tích vải thiều toàn tỉnh là 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020), trong đó vải chín sớm là 6.050 ha, sản lượng ước 45.000 tấn; vải thiều chính vụ diện tích 22.050ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn.

Diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 15.200 ha (chiếm 54% tổng diện tích toàn tỉnh), sản lượng ước đạt 125.000 tấn (chiếm 69,4% tổng sản lượng vải); vải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP 82 ha; vùng sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Australia… diện tích 218 ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn; vùng sản xuất vải thiều sang thị trường Nhật Bản 219 ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn. Thời gian thu hoạch vải chín sớm sẽ tập trung từ ngày 20/5-10/6; vải chính vụ sẽ thu hoạch rộ từ 10/6 – 20/7.

Hải Ngân

Bài liên quan
  • Hà Tĩnh: Nắng nóng như đổ lửa, người dân ra đồng gặt lúa đêm
    Moitruong.net.vn – Những ngày qua tại Hà Tĩnh thời tiết diễn ra hết sức nắng nóng, nhiệt độ vào ban ngày tăng cao có khi lên đến 40 độ C, đây cũng là thời điểm người nông dân ở các địa phương trong tỉnh bước vào kỳ thu hoạch lúa vụ Đông – Xuân. Nắng nóng đã khiến bà con nông dân hết sức vất vả, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và năng suất lao động. Để tránh cái nắng nóng như thiêu như đốt, người nông dân Hà Tĩnh đã chọn cách thay vì gặt lúa ban ngày, họ lại ra đồng thu hoạch lúa vào ban đêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Vượt khó trong dịch bệnh, Bắc Giang xuất khẩu lô vải thiều đầu tiên của mùa vụ năm 2021 sang Nhật Bản
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.