WHO đang xem xét đánh giá rủi ro toàn cầu dựa trên tình hình mới nhất ở Campuchia. Lần cuối cùng cơ quan y tế Liên Hợp Quốc xem xét nguy cơ lây nhiễm ở người là vào đầu tháng này.
Theo Tiến sĩ Briand, tình hình lây lan virus H5N1 trên thế giới hiện nay "đáng lo ngại" khi gần đây gia tăng số trường hợp lây nhiễm ở chim và động vật có vú, trong đó có con người. Bà cho biết WHO coi rủi ro từ loại virus này là nghiêm trọng và kêu gọi các nước nâng cao cảnh giác. Quan chức này cũng cho biết hiện vẫn chưa có báo cáo về trường hợp lây nhiễm H5N1 từ người sang người.
Trước đó cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia xác nhận ca nhiễm virus cúm gia cầm H5N1 thứ hai ở người, sau khi ghi nhận một bé gái 11 tuổi tử vong ngày 22/2 do nhiễm chủng virus này. Ca thứ hai là bố của bé gái trên, 49 tuổi, ở tỉnh Prey Veng. Người đàn ông này có kết quả xét nghiệm dương tính với virus H5N1 ngày 24/2. Cho đến nay, ca bệnh này chưa biểu hiện triệu chứng rõ rệt nào. Đây là trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm H5N1 thứ hai ở người tại Campuchia trong tháng này, sau 9 năm không ghi nhận ca nhiễm virus H5N1 nào trên người.
Sau khi ghi nhận bé gái 11 tuổi tử vong, Campuchia đã lấy mẫu xét nghiệm 12 trường hợp nghi nhiễm virus cúm gia cầm H5N1.
Theo Bộ Y tế Campuchia, từ năm 2005 đến nay, có 58 ca nhiễm virus cúm gia cầm H5N1 ở người tại nước này, trong đó 38 trường hợp tử vong.
WHO cho biết tổ chức đang đẩy mạnh nỗ lực chuẩn bị ứng phó với căn bệnh. Hiện thế giới đã có sẵn thuốc kháng virus H5N1 cũng như 20 loại vaccine được cấp phép. Dù vậy, có thể chúng cần được điều chỉnh để phù hợp hơn với chủng bệnh đang lưu hành.
Richard Webby, giám đốc Trung tâm Hợp tác Nghiên cứu về Hệ sinh thái của Cúm ở Động vật và Chim tại Bệnh viện Nhi đồng St. Jude, cho biết quá trình này có thể kéo dài từ 4 đến 5 tháng.
Các phòng thí nghiệm trực thuộc WHO đã phân lập được hai chủng cúm liên quan chặt chẽ với virus đang lưu hành. Các nhà khoa học có thể sử dụng nó để phát triển loại vaccine mới nếu cần.