Xã biển Cảnh Dương (Quảng Bình) với vấn đề rác thải

Nguyễn Tiến Nên|12/11/2018 07:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Xã Cảnh Dương thuộc huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) nằm giữa ba bề sông biển. Tổng diện tích 152 ha, dân số hơn 2300 hộ, phân bố tại 9 thôn, với gần 8700 nhân khẩu. Kinh tế chủ yếu là khai thác, chế biến hải sản và các loại hình kinh doanh, dịch vụ. Đến nay toàn xã có trên 700 phương tiện đánh bắt hải sản, 70% đánh bắt xa bờ, trong đó có gần 200 tàu đánh bắt ở vùng biển xa. Tại đây còn có chợ Cảnh Dương, trung tâm thương mại vùng Roòn, cùng hàng trăm cơ sở sản xuất, công ty, doanh nghiệp đã tách khỏi khu dân cự, phần lớn tập trung tại Làng nghề và khu vực ven sông.

>>>Việt Nam chiến thắng ngoạn mục với 2 giải thưởng lớn tại World Luxury Awards 2018

>>>Lâm Đồng: Một gia đình thoát chết sau vụ sạt lở gây sập nhà

Tổ thu gom rác thải xã Cảnh Dương đang làm việc

Đây là điều kiện thuận lợi để nhân dân phát triển kinh tế nhưng cũng đặt ra cho công tác vệ sinh môi trường những thách thức không nhỏ. Ngoài lượng rác thải sinh hoạt, rác thải từ khu vực sản xuất, còn có một lượng rác tự nhiên từ biển dạt vào theo các đợt thủy triều. Đặc biệt vào mùa mưa lũ, bão tố, mức độ gia tăng các loại rác nhất là khu vực ven biển, ven sông trở nên nghiêm trọng. Để giải quyết tình trạng này, ngay từ năm 2000 UBND xã Cảnh Dương đã thành lập Ban vệ sinh môi trường xã, ban hành quy chế, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân triển khai mô hình thu gom rác thải bằng xe cơ giới. Các hộ tự giác tập kết rác vào bao bì để sẵn, hàng ngày tổ thu gom sẽ chuyển lên xe đưa đến vị trí tập kết xử lý, mỗi hộ chỉ đóng góp 3000 đồng/tháng. Sau một tháng thực hiện, xã tổ chức họp rút kinh nghiệm, qua hàng năm đều tổng kết, đánh giá, điều chỉnh quy chế để áp dụng lâu dài. Từ đó đến nay công tác quản lý, thu gom vận chuyển rác thải trên địa bàn xã ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực. Các ban ngành đoàn thể, các thôn đã thật sự vào cuộc, ý thức của mỗi gia đình ngày càng nâng cao, từ chợ đến bờ sông, bãi biển, đường thôn, ngõ xóm phong quang sạch đẹp. Những năm sau, theo tình hình thực tế định mức có điều chỉnh lên 7000 đồng, 10.000 đồng và điều chỉnh sau cùng là 18.000 đồng/hộ/tháng. Từ những chuyển biến tích cực về môi trường, xã có điều kiện thúc đẩy các hoạt động, phấn đấu thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, được UBND tỉnh Quảng Bình ra quyết định công nhận đạt chuẩn năm 2014, là xã đầu tiên về đích ở huyện Quảng Trạch. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình hình môi trường cho thấy nhiều bất cập, bãi rác tạm của xã nằm giáp ranh địa bàn xã Quảng Hưng, việc tiếp tục tập kết rác thải tiềm ẩn nhiều khả năng gây ô nhiễm môi trường, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân xã Cảnh Dương mà còn đối với các xã lân cận.

Năm 2017, trước yêu cầu xử lý rác thải tập trung toàn huyện, nhằm cải thiện môi trường cuộc sống ngày càng bền vững. Để tiếp tục nâng cao nhận thức cho cộng đồng về thu gom vận chuyển rác thải, quản lý chất thải trên địa bàn xã, tạo môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp. UBND xã đã xây dựng Đề án “Thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải tại bãi rác của UBND huyện thuộc địa bàn xã Quảng Tiến”. Đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, phân công cụ thể các ban ngành, đoàn thể cấp xã, các thôn và các hộ gia đình để cùng nhau thực hiện. Đề án được thông qua nhân dân 9 thôn tại các hội nghị tiếp xúc cử tri. Qua nắm bắt người dân đều thấy, nội dung Đề án phát huy hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển rác thải một cách triệt để, hạn chế việc chôn lấp làm ảnh hưởng quỹ đất và gây ô nhiễm môi trường. Đề án có nhiều khả năng xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực, mọi thành phần đầu tư vào công tác thu gom xử lý rác thải theo mô hình dịch vụ chuyên nghiệp. Điều đặc biệt, tính chất chặt chẽ của Đề án đã quy định rõ: Rác thải sinh hoạt sẽ được các hộ gia đình thu gom, phân loại để tái sử dụng một phần như giấy loại, túi nilon, bao bì, đồ nhựa, chai lọ…, lượng rác còn lại sẽ được cho vào bao bì để thu gom quy định. Rác thải trường học, cơ quan, chợ và các cơ sở sản xuất kinh doanh sẽ được phân loại và hợp đồng với Tổ thu gom để vận chuyển. Rác thải xây dựng và các loại rác thải khác do các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chủ động hợp đồng với Tổ thu gom.

Về trách nhiệm đóng góp kinh phí, Đề án phân tích, toàn xã có hơn 2300 hộ nhưng trên thực tế chỉ có 1650 nóc nhà: Gồm 209 nóc nhà có 02 khẩu trở xuống và 1441 nóc nhà có từ 03 khẩu trở lên. Xuất phát từ đặc điểm trên, xã đã áp dụng phương án không thu phí theo hộ mà thu theo nóc nhà có sự phân biệt: Đối với nhà 02 khẩu trở xuống mức thu 25.000 đồng/tháng, đối với hộ 3 khẩu trở lên 40.000 đồng/tháng. Mức phí này đã áp dụng từ đầu năm 2018, hàng tháng bà con tự giác đến Nhà văn hóa thôn nộp kết hợp cùng tiền điện, tiền nước sạch. Không chỉ dựa vào hiệu quả của Đề án, xã thường xuyên vận dụng các giải pháp, như phát động các khu dân cư, đoàn viên thanh niên, học sinh và các đơn vị trên địa bàn phối hợp thu gom rác trôi nổi; ra quân làm tổng vệ sinh bờ sông bãi biển, kịp thời giải quyết lượng rác do bão tố và sóng biển dạt vào…

Một khu dân cư ở xã Cảnh Dương hiện nay

Bước vào năm 2018, xã được Sở Du lịch Quảng Bình xây dựng Đề án phát triển “Làng văn hóa du lịch Cảnh Dương”. Có thể nói, việc khắc phục tốt “nỗi lo rác thải” rất phù hợp với thực tiễn và chắc chắn sẽ đưa lại hiệu quả cao. Vừa hạn chế triệt để ô nhiễm môi trường và giải quyết một phần việc làm cho các lao động dôi dư tại địa bàn, vừa tạo không khí trong lành cho cuộc sống người dân, thân thiện cho cảnh quan khi xã trở thành điểm đến của du khách. Các tổ chức, thôn xóm, hộ gia đình… vừa tuyên truyền, nhắc nhỡ các thành viên có trách nhiệm và ý thức bảo vệ môi trường. Vệ sinh khu vực nhà ở, đường làng đảm bảo sạch từ trong nhà ra ngõ, phân loại và tập kết rác đúng nơi quy định, thuận tiện cho việc thu gom vận chuyển, tham gia giám sát các hoạt động của Tổ thu gom rác thải. Bên cạnh đó, xã bố trí 25 thùng rác “Vì môi trường xanh” tại các điểm công cộng, chợ và cung đường bích họa, trong đó có 9 thùng đặt tại các Nhà văn hóa thôn để người dân và du khách ứng xử tốt với môi trường.

Ông Trương Đình Châu, Chủ tịch UBMT xã cho biết, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6 hàng năm, UBMT xã Cảnh Dương khảo sát chọn các khu dân cư để tổ chức phát động, kêu gọi nhân dân và các chủ tàu thuyền ký cam kết, tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường bờ biển và đường làng ngõ xóm. Tập kết rác thải đúng nơi quy định, không xả nước thải, rác thải bừa bãi, cùng chính quyền giám sát các hoạt động của các tổ chức, cá nhân vi phạm làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, đồng thời là những “tuyên truyền viên” giúp mọi người đề cao tinh thần trách nhiệm về bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh. Theo ông Cao Quý Hà, Phó Chủ tịch UBND xã, trước tình hình rác thải trôi nổi bề bộn như hiện nay, xã mong muốn các cấp cần có kế hoạch hỗ trợ, giúp địa phương có điều kiện thực hiện tốt Đề án thu gom vận chuyển rác thải năm 2017, giải quyết tốt hơn tổng thể về vệ sinh môi trường trên địa bàn.

Nguyễn Tiến Nên 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Xã biển Cảnh Dương (Quảng Bình) với vấn đề rác thải
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.