Nhằm đảm bảo các nhu cầu sử dụng nước ở hạ du trong thời gian còn lại của mùa cạn năm 2023, mới đây, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có công văn số 355/TNN-NTB gửi các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn - Hà Thanh và Ba về việc vận hành các hồ chứa theo Quy trình vận hành liên hồ chứa.
Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, qua theo dõi, giám sát thông tin, số liệu vận hành các hồ của các đơn vị quản lý, vận hành cung cấp trong thời gian qua (trên hệ thống https://quanly.dwrm.gov.vn), Cục Quản lý tài nguyên nước thấy rằng, trong thời gian từ đầu mùa cạn (16/12/2023) đến nay về cơ bản các hồ đã vận hành đảm bảo quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa cạn.
Tuy nhiên, để đảm bảo các nhu cầu sử dụng nước ở hạ du trong thời gian còn lại của mùa cạn năm 2023 và có đầy đủ thông tin, số liệu vận hành của các hồ chứa phục vụ công tác theo dõi, giám sát, chỉ đạo vận hành các hồ chứa, Cục Quản lý tài nguyên nước đề nghị các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn - Hà Thanh và Ba phối hợp triển khai các nhiệm vụ như sau:
Một là, theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến khí tượng thủy văn, thực hiện chế độ quan trắc, dự báo, tính toán, xây dựng các kịch bản vận hành, điều tiết hồ và cung cấp thông tin, số liệu theo quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa; vận hành hồ với lưu lượng, thời gian xả theo đúng quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa; bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và bảo đảm cấp nước an toàn đến cuối mùa cạn, đầu mùa lũ.
Hai là, thực hiện nghiêm túc việc cung cấp thông tin, số liệu vận hành hồ lên Hệ thống quản lý dữ liệu vận hành hồ của Cục Quản lý tài nguyên nước (https://quanly.dwrm.gov.vn/hoc...) với chế độ như sau: trong điều kiện thời tiết bình thường, thực hiện cung cấp số liệu vận hành hàng giờ vào các thời điểm 01 giờ, 07 giờ, 13 giờ và 19 giờ; khi có dự báo, cảnh báo bão khẩn cấp, áp thấp nhiệt đới gần bờ hoặc các hình thế thời tiết khác gây mưa lũ thực hiện cung cấp số liệu vận hành tối thiểu 1 giờ/1 lần.
Năm 2020 trên địa bàn cả nước có 429 công trình thủy điện đã được đưa vào vận hành khai thác (trong đó có 18 hồ chứa thủy điện quan trọng đặc biệt, 158 hồ lớn, 253 hồ vừa và nhỏ).
Các hồ chứa thủy điện với tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3 chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa trên địa bàn cả nước đã góp phần quan trọng vào việc: Cắt/giảm/làm chậm lũ cho hạ du góp phần vào việc làm giảm thiểu thiệt hại do lũ gây ra; Cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất... trong mùa cạn góp phần vào việc bảo đảm an ninh lương thực; trật tự, an toàn xã hội... khu vực hạ du hồ chứa. Các hồ chứa thủy điện có tổng công suất lắp đặt của các nhà máy thủy điện trong hệ thống điện quốc gia 20.568 MW, chiếm tỷ trọng khoảng 37% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện quốc gia.
Hồ chứa thủy điện ngoài nhiệm vụ là phát điện đảm bảo an ninh cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, còn phải đảm bảo hài hòa các lợi ích về kinh tế - môi trường - xã hội khác như đảm bảo dòng chảy tối thiểu, phối hợp với các hồ chứa thủy lợi cấp nước cho nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt, nông nghiệp và sản xuất của nhân dân vùng hạ du trong mùa kiệt, đảm bảo an toàn công trình và góp phần giảm lũ cho hạ du trong thời kỳ mùa lũ.