Xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị trung tâm vùng, mang tầm vóc châu Á

Minh Châu|03/09/2020 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Đây là một trong những trọng tâm trong Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Sau gần 5 năm triển khai quy hoạch với nhiều bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt với những điều chỉnh, bổ sung theo những góp ý, phản biện tại Hội nghị thẩm định mới đây, dự kiến đồ án sẽ được Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 9/2020.

Theo Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố Đà Nẵng được chia thành 3 vùng đặc trưng là vùng ven mặt nước, vùng lõi xanh, vùng sườn đồi và vùng sinh thái. Thể hiện rõ nét việc hình thành cấu trúc mới cho đô thị với các điểm nhấn như đô thị sân bay, đô thị đại học, đô thị cảng biển.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng thẩm định đã đánh giá đồ án được nghiên cứu, xây dựng một cách công phu, chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về phát triển đô thị; bám sát định hướng lãnh đạo của các cấp có thẩm quyền; tiếp thu rất nhiều các ý kiến đóng góp, tham gia của các Hộ, ngành, các Hội nghề nghiệp, các chuyên gia và ý kiến cộng đồng.

Sẽ xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị trung tâm vùng, mang tầm vóc châu Á. Ảnh: PLO

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP, cho hay định vị chiến lược thúc đẩy sự phát triển Đà Nẵng đến năm 2030 gồm: TP là một phần của mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu; cổng vào của hành lang kinh tế Đông – Tây; tham gia mạng lưới TP thông minh ASEAN; điểm đến phong cách sống toàn cầu; trung tâm du lịch, dịch vụ và kinh tế biển.

Cấu trúc cảnh quan đô thị Đà Nẵng sẽ bao gồm: Vùng ven mặt nước, vùng lõi xanh, vùng sườn đồi và một vùng sinh thái.

Đà Nẵng cũng sẽ thiết lập hai vành đai kinh tế gồm: Vành đai phía bắc – vành đai công nghiệp công nghệ cao và cảng biển – logistics; vành đai phía nam – vành đai đổi mới sáng tạo và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Về định hướng hạ tầng kỹ thuật, TP phải tiếp tục nâng cấp, mở rộng sân bay Đà Nẵng đạt công suất 30 triệu hành khách/năm.

Đồ án quy hoạch chung lần này cũng bổ sung hầm chui xuyên qua sân bay Đà Nẵng, hầm qua sông Hàn, cầu đường bộ nối đường 29 Tháng 3 với đường Bùi Tá Hán.

Đà Nẵng cũng định hướng hình thành mới bến xe phía bắc, bến xe phía tây (cửa ngõ lên Tây Nguyên), đồng thời tiếp tục phát triển bến xe phía nam.

Bến xe Trung tâm hiện tại sẽ được chuyển đổi phục vụ giao thông công cộng. Một đường hầm xuyên qua ga đường sắt mới và đường cao tốc kết nối về phía tây cũng được đưa vào đồ án lần này.

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành liên quan thống nhất, đánh giá cao đồ án và cho rằng đã đủ điều kiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Một số ý kiến đề nghị tư vấn Singapore bổ sung, làm rõ sự cần thiết của các dự án lớn trong tương lai, xem xét kỹ lưỡng quy hoạch sử dụng đất (nhất là đất giao thông đô thị).

Bà Lương Thị Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị – Bộ KH&ĐT, đề nghị phía tư vấn đánh giá kỹ hơn hiện trạng của Đà Nẵng trong liên kết vùng.

Bà hạnh cho rằng TP cần cụ thể hóa danh mục đầu tư, có định hướng hạ tầng kỹ thuật ưu tiên, phù hợp với nguồn lực đầu tư trong từng giai đoạn.

Minh Châu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị trung tâm vùng, mang tầm vóc châu Á