Cụ thể, đó là Thông tư ban hành quy trình kỹ thuật hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và Thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Hai thông tư này được kỳ vọng sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực cho hoạt động quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên cả nước trong thời gian tới.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã gửi công văn đến các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Tài chính, Tư pháp, Xây dựng; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cùng 73 đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Nội dung công văn nêu rõ, thực hiện trách nhiệm được giao tại Khoản 5 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị và chuyên gia xây dựng Dự thảo Thông tư ban hành quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Dự thảo Thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 101 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời để đảm bảo tính khả thi và hoàn thiện Dự thảo Thông tư ban hành quy trình kỹ thuật và Thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, góp ý kiến đối với Dự thảo 2 Thông tư, được gửi kèm theo Công văn của Bộ.
Từ đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các văn bản góp ý kiến của cơ quan, đơn vị gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường (qua Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường) trong 20 ngày kể từ ngày ban hành văn bản để Bộ tổng hợp, hoàn thiện.