Xử lý rác thải có nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 như rác y tế nguy hại

Minh Anh|06/06/2021 06:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chủng virus mới và các biến chủng của SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm nhanh hơn, việc xử lý rác thải sinh hoạt tại khu vực có người nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 cần được xem xét, có giải pháp phù hợp, đảm bảo an toàn.

Việc thu gom và xử lý rác thải đối với khu vực này cần tuân thủ nghiêm các quy định nhằm đảm bảo an toàn. Cụ thể, trước khi rác thải này được đưa ra khỏi hộ gia đình và khu dân cư bị cách ly cần phải được phun khử khuẩn. Đồng thời, phương tiện vận chuyển cũng phải khép kín, tránh nguy cơ phát tán mầm bệnh ra cộng đồng, nhất là chủng virus corona Ấn Độ có thể lây truyền qua đường không khí.

Đối với TP Hồ Chí Minh hiện nay, toàn bộ rác thải y tế tại các bệnh viện, trung tâm và phòng khám đa khoa đều do công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP Hồ Chí Minh thu gom và xử lý theo quy trình nghiêm ngặt của chất thải nguy hại (ước tính khoảng 23 tấn/ngày). Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, khi dịch COVID-19 bùng phát, công ty được UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo phụ trách thu gom rác thải sinh hoạt tại khu vực cách ly tập trung do COVID-19.

Chuyển các thùng sau khi đã vệ sinh, khử trùng, diệt khuẩn lên xe

Về quy trình thu gom và xử lý, đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP Hồ Chí Minh cho biết, toàn bộ rác thải y tế và rác thải từ khu vực cách ly tập trung có nguy cơ bị nhiễm virus SARS-CoV-2 đều được thực hiện theo tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt. Đó là, toàn bộ rác thải ở khu vực này phải được bọc kín trong thùng chứa hoặc túi chuyên dụng màu vàng, dán nhãn cảnh báo nguy cơ nhiễm bệnh. Công nhân thu gom của công ty được trang bị đồ bảo hộ an toàn. Rác trước khi thu gom để đưa lên xe vận chuyển chuyên dụng (thùng kín) phải thực hiện phun xịt khử khuẩn. Rác thải khi vận chuyển về Công trường xử lý rác Đông Thạnh tiếp tục phun xịt khử khuẩn một lần nữa trước khi đưa vào xử lý bằng công nghệ đốt ở nhiệt độ cao. Thậm chí, tro chất thải sau khi đốt xong phải được hoá rắn và chôn lấp tại bãi chôn lấp an toàn dành riêng cho chất thải nguy hại.

Tuy nhiên, hiện nay Công ty chỉ thu gom rác thải y tế và rác thải sinh hoạt tại khu vực do Thành phố thực hiện cách ly người nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 tập trung. Còn đối với rác thải phát sinh từ quận huyện, những khu vực dân cư bị phong toả do có người nghi nhiễm hoặc nhiễm COVID thì Công ty không phụ trách thu gom.

Đồng thời, để chủ động, sẵn sàng trước nguy cơ dịch bệnh còn khá phức tạp như hiện nay, thành phố cần có cơ chế đặc thù để Công ty có thể triển khai kịp thời việc xây thêm lò đốt. Bởi hiện nay, công suất tiếp nhận và xử lý rác thải y tế, rác thải từ khu vực cách ly tập trung đã đạt trên 35 tấn/ngày trong khi công suất xử lý tối đa của Công ty là 42 tấn/ngày. Do đó, nếu tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và lượng rác có nguy cơ tăng mạnh sẽ vượt quá khả năng xử lý của Công ty.

Bên cạnh đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên trung tâm y tế, nhân viên trung tâm kiểm soát bênh tật, lực lượng vũ trang… thì công nhân làm nhiệm vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác COVID–19 tại các khu cách ly, bệnh viên cũng là lực lượng hàng ngày phải đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm cao. Công ty đã đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh hỗ trợ tiêm ngừa vắc – xin cho lực lượng này nhưng cho đến nay các công nhân vệ sinh môi trường vẫn chưa tiếp cận được nguồn vaccin phòng chống dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng có văn bản yêu cầu tăng cường quản lý chất thải trong phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, chỉ đạo và đảm bảo kinh phí cho các cơ sở y tế, các cơ sở cách ly tập trung thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện nghiêm việc phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải, đặc biệt là xử lý chất thải lây nhiễm, nước thải, đảm bảo không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường.

Đồng thời, chỉ đạo cơ quan, đơn vị quản lý môi trường của địa phương chịu trách nhiệm vận chuyển, xử lý chất thải rắn tại các cơ sở y tế, cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn, đảm bảo kịp thời hàng ngày và khi cần. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan của địa phương tăng cường truyền thông, hướng dẫn người dân sử dụng và thải bỏ khẩu trang đúng quy định; không sử dụng lại đối với khẩu trang sử dụng một lần. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế, các cơ sở cách ly tập trung thuộc thẩm quyền quản lý trong việc thực hiện quản lý, xử lý chất thải.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Y tế, thực hiện nghiêm việc phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải y tế, đặc biệt là xử lý chất thải lây nhiễm, nước thải y tế, đảm bảo không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường. Tăng cường giám sát vận hành hệ thống xử lý nước thải y tế và khử khuẩn nước thải y tế, đảm bảo đạt yêu cầu trước khi thải ra môi trường.

Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thu gom, lưu giữ, chuyển giao chất thải y tế, đặc biệt là đối với khẩu trang y tế, các phương tiện phòng hộ cá nhân đã qua sử dụng thải bỏ.

Minh Anh 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý rác thải có nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 như rác y tế nguy hại