Xử lý rác thải từ F0 điều trị tại nhà (Bài 2): Sự chủ quan trong việc phân loại tồn tại những mối nguy?

Minh Hoàng|02/03/2022 04:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Khi số ca mắc Covid-19 tăng, việc xử lý rác thải có nguy cơ lây nhiễm cần được chú trọng phân loại ngay tại nhà người dân có F0 để được xử lý an toàn, tránh nguy cơ lây nhiễm.

Nhân viên vệ sinh thu gom rác thải tại các hộ gia đình đang điều trị cách ly F0, F1.

Lo lắng rác thải là nguồn lây lan dịch

Việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải y tế phát sinh do dịch nếu không được thực hiện đúng cách, đúng quy trình có thể là nguồn lây lan dịch bệnh. Chính vì vậy, nhiều người dân rất lo lắng bởi hiện nay tại Hà Nội có quá nhiều trường hợp F1, F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà.

Các gia đình có người cách ly tại nhà đều được cán bộ y tế, Tổ Covid cộng đồng tuyên truyền để phân loại rác thải lây nhiễm, rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, còn nhiều hộ chưa nhận thức rõ nguy cơ lây nhiễm từ khẩu trang, khăn lau mũi, miệng, dụng cụ test nhanh…nên chưa phân loại rác đúng quy định. Nhiều hộ tự xử lý rác thải bằng phương pháp thủ công như chôn lấp, đốt tại vườn nhà.

Việc chưa phân loại rác thải tại nguồn đối với những gia đình có người cách ly y tế không chỉ tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh mà còn rất khó khăn trong khâu vận chuyển, xử lý rác thải.

Theo quy định, công tác vận chuyển, xử lý rác thải lây nhiễm tại các khu dân cư có người cách ly y tế tại nhà phải được bố trí phương tiện vận chuyển chuyên dụng, khép kín và phải được ưu tiên xử lý ngay trong ngày, tránh nguy cơ phát tán mầm bệnh ra cộng đồng.

Tuy nhiên, phần lớn các địa phương hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu đó. Việc thu gom, vận chuyển rác thải vẫn bằng phương pháp thủ công, rác thải lây nhiễm thường được gom chung với rác thải thông thường. Điều này gây nhiều lo ngại về nguy cơ phát tán mầm bệnh.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là các trường hợp cách ly y tế tại nhà nằm rải rác tại nhiều thôn dân cư nên công tác thu gom, xử lý gặp khó khăn. Trong khi lực lượng làm công tác này rất mỏng, chưa được đầu tư xe chuyên dụng chuyên chở rác thải lây nhiễm, kinh phí dành cho việc thu gom, xử lý rác thải tại các địa phương còn hạn hẹp.

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì việc hạn chế, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch là việc rất cần thiết và cấp bách, trong đó rác thải là thứ có nguy cơ lây bệnh cao. Theo các chuyên gia y tế, việc xử lý rác thải phát sinh tại những nơi có người thực hiện cách ly y tế cần phải được thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ hơn, bắt đầu ngay từ ý thức của mỗi người dân và sự vào cuộc của chính quyền cơ sở.

Ảnh hưởng tới môi trường

Đối với môi trường, khi chất thải y tế không được xử lý đúng cách (chôn lấp, thiêu đốt không đúng quy định, tiêu chuẩn) thì sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí và sự ô nhiễm này sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe con người, hệ sinh thái.

Để tránh được sự nguy hại của chất thải y tế đối với sức khỏe và môi trường, và bảo vệ những người thường xuyên tiếp xúc với chất thải y tế thì ngành y tế phải quan tâm đầu tư hơn nữa cho công tác xử lý chất thải y tế. Người đứng đầu các cơ sở y tế cần lập kế hoạch quản lý chất thải y tế và xây dựng đề án đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho quản lý chất thải y tế của đơn vị, mua và cung cấp đủ các phương tiện chuyên dụng, phối hợp với các cơ quan môi trường, các cơ sở xử lý chất thải địa phương để xử lý tiêu hủy chất thải y tế đúng qui định. Các nhân viên y tế cần thực hiện tốt việc thu gom, phân loại chất thải ngay tại nơi phát sinh chất thải và lưu giữ đúng quy định. Người bệnh khi đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế cần có ý thức giữ gìn vệ sinh chung như không vứt rác, khạc nhổ bừa bãi.

Như vậy, nếu việc thu gom, phân loại và xử lý các chất thải y tế không đảm bảo đó sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và nhất là của những người trực tiếp tiếp xúc với chất thải.

Hướng dẫn kịp thời

Bộ Y tế đã có hướng dẫn về phân loại chất thải của F0 cách ly tại nhà, chất thải sinh hoạt phát sinh từ phòng cách ly của người F0 đang được quản lý tại nhà (bao gồm cả đồ vải, quần áo thải bỏ) và khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người chăm sóc khi tiếp xúc với F0 thải bỏ được coi là chất thải lây nhiễm. Đồng thời, phải được bỏ vào túi hoặc thùng có lót túi, bên ngoài túi, thùng đựng chất thải có chữ “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2”.

Các loại chất thải sinh hoạt phát sinh từ các khu vực khác của nhà có người F0 thì phân loại theo hướng dẫn của địa phương để đưa đi xử lý theo quy định.

Về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải: Bố trí người thu gom các túi, thùng đựng chất thải lây nhiễm của các trường hợp F0 được quản lý tại nhà để đưa đến nơi lưu giữ, chuyển giao cho đơn vị có chức năng phù hợp do địa phương lựa chọn để xử lý theo quy định.

Trong quá trình thu gom, túi đựng chất thải phải được buộc kín miệng túi, thùng đựng chất thải phải đậy nắp kín, đảm bảo không bị rơi, rò rỉ chất thải làm phát tán mầm bệnh ra bên ngoài.

Minh Hoàng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Xử lý rác thải từ F0 điều trị tại nhà (Bài 2): Sự chủ quan trong việc phân loại tồn tại những mối nguy?
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.