Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân suy thận

K.Tâm|31/05/2017 01:36
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Bệnh nhân suy thận không được chăm sóc đúng cách sẽ tiến triển sang giai đoạn nặng

(Moitruong.net.vn) – Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở bệnh nhân suy thận khá cao, chiếm khoảng 40%. Do đó, cần xây dựng chế độ ăn cho người bị suy thận với đủ lượng đạm, acid min có nguồn gốc động vật để bệnh tình ổn định, tăng cường thể trạng.

Người bị suy thận có biểu hiện gì?

Suy thận là hội chứng lâm sàng và sinh hóa tiến triển qua thời gian làm giảm sút mức lọc cầu thận dẫn đến ure và creatinin máu tăng cao. Và khi thận bị tổn thương hay bị bệnh các chức năng và cơ chế trên bị rối loạn, ảnh hưởng đến vai trò sinh lý bình thường của thận và khi không còn đủ sức bù trừ để duy trì sự ổn định các chỉ tiêu sinh học ở mức bình thường thì bị coi là thận đã bị suy.

Có 2 dạng suy thận là suy thận cấp và suy thận mạn. Trong đó, suy thận cấp là hội chứng xuất hiện cấp tính do chức năng thận suy sụp nhanh chóng, biểu hiện bởi: Mức lọc cầu thận giảm sút nhanh chóng, bệnh nhân đái ít ( nước tiểu dưới 500ml/24h), có thể vô niệu và dẫn tới nguy kịch vì kali máu tăng hoặc vì hội chứng tăng ure huyết… Còn suy thận mạn là một hội chứng giảm sút từ từ mức lọc cầu thận do xơ hoá và giảm dần số lượng các nephron chức năng dẫn đến ure và creatinin máu tăng cao, biểu hiện cả trên lâm sàng và xét nghiệm. Suy thận mạn là một quả trình tiến triển từ nhẹ đến nặng, tăng dần theo thời gian.

Bệnh suy thận làm cho chức năng thận bị suy giảm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các cơ quan khác trong cơ thể và khiến chất lượng cuộc sống bị giảm sút. Với những người bị suy thận nhẹ sẽ gặp phải những triệu chứng không rõ rệt như chán ăn, đau tức hai bên sườn, mệt mỏi, thiếu máu nhẹ… Và bệnh thường được phát hiện khi đi kiểm tra, khám sức khỏe định kỳ. Mặc dù người bệnh bị suy thận ở mức độ nhẹ nhưng vẫn phải được điều trị càng sớm càng tốt để khỏi bệnh nhanh hơn và không bị tiến triển sang giai đoạn nặng.

Nếu người bị suy thận không được thăm khám và điều trị kịp thời, bệnh sẽ diễn tiến nặng hơn và để lại những biến chứng nặng nề. Nguy hiểm nhất là những biến chứng ở giai đoạn suy thận mạn, với những biểu hiện như tăng huyết áp, thiếu máu, rối loạn điện giải, buồn nôn, nôn mửa, cơ thể mệt mỏi, phù chân tay, ngứa da, rối loạn hệ tiêu hóa… Thậm chí, ở giai đoạn nặng hơn, bệnh nhân suy thận sẽ đối diện với nguy cơ tử vong cao. Mà nguyên nhân tử vong ở bệnh nhân suy thận chính là do chức năng thận suy giảm gây biến chứng tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim.

dinh dưỡng cho bệnh nhân suy thậnChế độ ăn cho bệnh nhân suy thận phải tăng cường đạm động vật để ngăn ngừa tình trạng suy dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân suy thận như thế nào?

Theo bác sĩ CKII Dương Thị Kim Loan, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) thì một chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp bảo tồn chức năng thận, kéo dài thời gian vào chạy thận. Đồng thời, dinh dưỡng hợp lý cũng giúp hạn chế biến chứng của bệnh suy thận mạn hay đợt cấp suy thận mạn và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chậm diễn tiến đến suy thận mãn giai đoạn cuối.

Các nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở bệnh nhân suy thận khá cao, chiếm khoảng 40%. Nguyên nhân dẫn đến dinh dưỡng ở bệnh nhân suy thận là do ăn vào không đủ, tình trạng chán ăn, nôn ói, kiêng khem, hạn chế protein, acid amin vào cơ thể. Ngoài ra, hiện tượng rối loạn chuyển hóa, toan chuyển hóa, nhiễm độc urê, hội chứng viêm, rối loạn hormon như tăng cortisol, giảm hoạt tính insulin, bệnh đường tiêu hóa… cũng là nguyên do làm bệnh nhân suy thận bị suy dinh dưỡng.

Do đó, một chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học, với đủ lượng đạm, acid amin có nguồn gốc động vật sẽ giúp người bệnh phòng ngừa và điều trị suy dinh dưỡng, điều chỉnh rối loạn chuyển hóa, cải thiện chất lượng cuộc sống và làm chậm diễn tiến của bệnh.

Trong đó, nguyên tắc xây dựng chế độ ăn cho người suy thận cần đảm bảo cung cấp ít chất đạm (người bình thường 1g đạm/kg thể trọng/ngày, người suy thận 0,8 – 0,2g đạm/kg thể trọng, tùy thuộc mức độ bệnh). Đặc biệt, cần ưu tiên sử dụng các loại đạm có giá trị sinh học cao, có đủ các acid amin cơ bản như đạm của các loại cá nước ngọt. Nên hạn chế đạm có nguồn gốc thực vật vì sẽ đẩy nhanh quá trình xơ hoá cầu thận và suy thận, gây tăng ure máu. Ngược lại, nếu ăn ít chất đạm quá sẽ gây ra hiện tượng tự tiêu đạm và ure máu vẫn cứ tăng.

Bên cạnh đó, bệnh nhân suy thận cần ăn đủ calo, với một lượng khoảng 35 – 40 kcal/kg thể trọng/ngày. Bởi, nếu không ăn đủ năng lượng, quá trình tự tiêu  huỷ protein trong cơ thể sẽ tăng lên và ure máu cũng sẽ tăng. Chế độ ăn cần đủ calo nhưng lại phải bảo đảm ít đạm thực vật hoặc đạm có giá trị sinh học thấp có nghĩa là phải hạn chế ăn gạo, rau có nhiều đạm như rau muống, rau ngót, thay vào đó nên ăn nhiều miến dong, khoai củ có nhiều tinh bột nhưng ít chất đạm hơn. Nên ăn nhiều dầu thực vật và để có đậm độ calo nên tăng cường ăn các món cá nấu, cá rán…

Ngoài ra, người bệnh cần hạn chế ăn muối, chỉ dùng trong khoảng dưới 2 – 4g muối mỗi ngày, tuỳ theo mức độ của bệnh. Để giảm muối hiệu quả, cần lựa chọn những thực phẩm có hàm lượng natri thấp, tránh ăn những thực phẩm có hàm lượng natri cao như hải sản tươi, khô hoặc đã qua chế biến, bảo quản. Các loại hải thuỷ sản khô, đông lạnh, đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn như batê, xúc xích, lạp xường, giò chả, bánh mỳ, dưa, cà muối, bánh đa nem… là những thứ có hàm lượng muối khá cao và người bị suy thận không nên sử dụng trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày.

K.Tâm


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân suy thận