Dịch sốt xuất huyết đã hạ nhiệt, số ca mắc bệnh Đông Xuân đang gia tăng

02/11/2017 22:41
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Vừa qua, đồng chí Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, dịch bệnh mùa Đông Xuân trên địa bàn Thành phố.

Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý chỉ đạo tại hội nghị

96,3% ổ dịch sốt xuất huyết được khống chế

Báo cáo tại hội nghị, Sở Y tế cho biết: Luỹ tích từ ngày 1/1/2017 đến nay, toàn Thành phố ghi nhận 35.457 trường hợp mắc SXH, trong đó, 7 trường hợp tử vong. Cụ thể, trong tuần 43, ghi nhận 789 trường hợp mắc bệnh, giảm 73 trường hợp so với tuần 42 và giảm 2.780 trường hợp (78%) so với tuần 32. Số bệnh nhân đã khỏi đạt 34.900 trường hợp, tương đương 98,4%, còn 557 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện. Các ổ dịch được khống chế đạt 96,3%, tương đương 5.081/5.277 ổ dịch qua 14 ngày không xuất hiện thêm bệnh nhân mới. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 196 ổ dịch đang hoạt động.

Có 20/30 quận, huyện có số mắc giảm; 8/30 quận, huyện có số mắc tăng là: Hai Bà Trưng, Hà Đông, Long Biên, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Thanh Oai, Phúc Thọ, Ứng Hoà; 2 huyện có số mắc không tăng không giảm. Báo cáo nguyên nhân số ca mắc SXH tăng cao trong tuần vừa qua, quận Hai Bà Trưng cho biết: Do địa bàn quận khá phức tạp với đông sinh viên ngoại tỉnh và người lao động tự do tạm trú nên việc phòng bệnh hết sức khó khăn. Quận đã cho tăng cường kiểm tra, giám sát, thực hiện vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, phun thuốc; chỉ đạo đội xung kích tổ chức ngày thứ 7 xanh triển khai xuống 20 phường. Quận cũng cam kết không để tăng thêm số ca mắc trong tuần 44 tới.

Mặc dù ca mắc SXH liên tục giảm trong 11 tuần gần đây, đặc biệt, tuần vừa qua giảm nhiều so với tuần trước và so với tuần cao điểm của tháng 8 nhưng tốc độ giảm còn chậm. Đồng thời, hàng năm, thường ghi nhận đỉnh dịch vào đầu tháng 11 nên nguy cơ vẫn có thể tiếp tục ghi nhận những ca mắc mới trong thời gian tới.

Xuất hiện thêm ca mắc sởi, ho gà

Ngoài bệnh SXH, các dịch bệnh đông xuân khác cũng được ghi nhận trong thời gian qua như: sởi, ho gà, chân tay miệng, liên cầu lợn… Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay đã có 43 ca mắc sởi, 119 trường hợp ho gà, trong đó, 2 trường hợp tử vong (1 ca sởi và 1 ca ho gà). Số ca mắc sởi tăng 41 trường hợp so với cùng kỳ năm 2016, trong khi đó ho gà tăng 57 trường hợp, gấp 2,1 lần. Các ca mắc phân bố ở các khắp các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.

Theo quận Hà Đông, hiện, trên địa bàn quận có 4 ca mắc sởi và 8 ca mắc ho gà. Các trường hợp mắc bệnh đều là trẻ chưa tiêm phòng do ốm hoặc mắc bệnh bẩm sinh nên chưa thể tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi. Tương tự quận Hà Đông, số ca mắc sởi và ho gà tại quận Long Biên cũng đa phần rơi vào trẻ chưa tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ mũi do những lý do chủ quan và khách quan. Quận Long Biên đã đặt kế hoạch, hàng năm rà soát tỷ lệ trẻ trong độ tuổi tiêm phòng; tuyên truyền, vận động người dân đưa trẻ đi tiêm đúng thời điểm, phấn đấu đến hết năm 2017, tỷ lệ trẻ tiêm phòng đạt 99%.

Thời gian tới, vào mùa Đông Xuân sẽ thuận lợi cho sự lây lan dịch bệnh đường hô hấp như bệnh sởi và ho gà. Có thể thấy, hiện các ca mắc sởi và ho gà đang có dấu hiệu gia tăng trên địa bàn Thành phố, thể hiện bằng số ca mắc cao hơn so với cùng kỳ năm 2016. Dự báo, số mắc có thể tiếp tục gia tăng trong các tháng tiếp theo nếu không có những biện pháp phòng, chống quyết liệt, đặc biệt là công tác tiêm chủng phòng bệnh.

Tiếp tục tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh

Theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền, nhờ sự có những kế hoạch cụ thể, dịch SXH nay đã giảm sâu. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn là một trong những địa phương đứng đầu của dịch. Ngành Y tế đã hợp cùng các đơn vị liên quan và xác định phải duy trì các biện pháp vệ sinh môi trường như diệt bọ gậy, loăng quăng, phun thuốc diện rộng. Giám sát chặt chẽ, phun thuốc ngay tại địa phương có người mắc sốt khi chưa rõ nguyên nhân. Đặc biệt, tập trung cao với khu vực có đông các nhà trọ cho sinh viên hay người lao động. Ngoài ra, nguồn nhân lực y tế ở các trung tâm y tế địa phương cũng như các đội xung kích cũng được tăng cường công tác chuyên môn. Thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị, máy móc.

Đối với các dịch bệnh khác, nguyên nhân chủ yếu là do chưa tiêm phòng đầy đủ. Do đó, ngành Y tế chỉ đạo các đơn vị quận, huyện, thị xã vận động người dân tham gia tiêm chủng mở rộng hoặc tiêm chủng dịch vụ. Đồng thời, ngành chỉ đạo các nhà cung cấp tiêm chủng dịch vụ bổ sung nguồn thuốc chất lượng đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Khuyến cáo phụ nữ mang thai thăm khám, phát hiện sớm bệnh để tiêm chủng phòng ngừa từ mẹ…

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đánh giá cao sự vào cuộc của Sở Y tế, các ngành, quận, huyện, thị xã trong thời gian vừa qua đã tích cực thực hiện chỉ đạo của Thành phố, triển khai các biện pháp và có những kế hoạch cụ thể trong công tác phòng, chống dịch bệnh SXH, dịch bệnh mùa Đông Xuân. Song, để tháng 11, dịch bệnh SXH chỉ còn ở tình trạng bệnh lưu hành và giảm các dịch bệnh mùa Đông Xuân thì ngành Y tế cũng như các đơn vị liên quan và các quận, huyện, thị xã vẫn cần tăng cường nỗ lực hơn nữa.

Cụ thể, tiếp tục làm tốt công tác vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, loăng quăng, phun thuốc diệt muỗi ở các hộ gia đình. Khoanh vùng, dập dịch ở các khu vực phát hiện ổ dịch mới nhất là các địa bàn phức tạp. Phát huy sức mạnh đội xung kích, đội ngũ y tế địa phường. Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó cung cấp thông tin phát sóng giờ vàng trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Tập trung làm tốt công tác tiêm chủng nhằm ngăn chặn sự gia tăng các ca mắc mới sởi, ho gà và các bệnh mùa Đông Xuân khác…

Theo HNP


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dịch sốt xuất huyết đã hạ nhiệt, số ca mắc bệnh Đông Xuân đang gia tăng