TP.HCM: Xuất hiện nhiều ca mắc bệnh viêm não Nhật Bản nặng

T.Sơn (TH)|27/06/2017 23:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Từ cuối tháng 5 đến nay, tại TP.HCM xuất hiện nhiều ca mắc bệnh viêm não Nhật Bản nặng. Đây được xem là thời điểm bắt đầu vào mùa dịch bệnh viêm não Nhật Bản kéo dài từ tháng 5 – 10 hàng năm.

viêm não nhật bảnXuất hiện nhiều ca mắc bệnh viêm não Nhật Bản nặng. Ảnh minh họa

Tại Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận 25 ca viêm não Nhật Bản, chiếm 50% tổng số ca mắc các bệnh viêm não, viêm màng não. Hiện có sáu bệnh nhi điều trị trong tình trạng bệnh nặng và phải thở máy.

Theo bác sỹ Trưởng khoa Trương Hữu Khanh, có những hôm bệnh nhi nhập viện quá đông khiến Khoa không còn giường, không còn máy thở buộc phải chuyển bệnh nhi xuống Khoa Cấp cứu nằm tạm. Bác sỹ Trương Hữu Khanh nhận định năm nay, số lượng trẻ mắc viêm não Nhật Bản nhiều hơn và tình trạng bệnh cũng nặng hơn so với cùng kỳ năm 2016.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2, những ngày qua đã tiếp nhận một số ca bệnh viêm não Nhật Bản. Thống kê từ đầu năm đến nay, Bệnh viện này điều trị cho bảy trường hợp trẻ em mắc viêm não Nhật Bản và đa phần cũng đều ở tình trạng bệnh nặng.

Hiện viêm não Nhật Bản chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như phương pháp điều trị tối ưu. Việc điều trị chủ yếu vẫn là sử dụng máy thở hỗ trợ suy hô hấp, sử dụng thuốc chống co giật…, nên mới chỉ giảm được tỷ lệ tử vong chứ chưa giảm được di chứng.

Thống kê cho thấy 60% số trẻ mắc viêm não Nhật Bản sẽ hồi phục, 30% sẽ có di chứng và khoảng 10% có thể tử vong. Mặc dù vậy, công tác phát hiện bệnh viêm não Nhật Bản hiện vẫn khá khó khăn, bởi chỉ khi nào trẻ mất tri giác, rơi vào hôn mê thì mới xác định được mắc viêm não Nhật Bản.

Trong giai đoạn đầu của bệnh, các bác sĩ tuyến dưới dễ nhầm lẫn với sốt siêu vi do cùng có các triệu chứng như sốt, nhức đầu, nôn ói…

“Muốn phát hiện bệnh sớm, các bác sĩ phải khám đi khám lại nhiều lần, quan sát kỹ tình trạng bệnh nhân. Khi bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu mất tri giác thì cần được can thiệp kịp thời, bởi viêm não diễn tiến nhanh, chỉ trong vòng 2 – 3 ngày, thậm chí chỉ 1 ngày là đã chuyển sang co giật, hôn mê”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.

Để phòng bệnh hiệu quả cho trẻ, cần tiêm phòng vắcxin và thường xuyên diệt muỗi, giữ môi trường sống trong sạch. Đối với việc tiêm vắcxin, cần tiêm phòng đủ tối thiểu ba mũi vắcxin viêm não Nhật Bản, sau đó mỗi ba năm có thể tiêm nhắc lại một lần để đảm bảo tính phòng ngừa.

T.Sơn (TH)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Xuất hiện nhiều ca mắc bệnh viêm não Nhật Bản nặng