Theo báo cáo của một số tổ chức quốc tế, ở Việt Nam, túi ni lông chiếm khối lượng khá lớn trong chất thải nhựa do được cung cấp miễn phí từ các cửa hàng, với mức sử dụng trung bình là 35 túi/hộ gia đình/tuần, mỗi ngày, có hàng chục triệu túi ni lông được sử dụng và thải ra môi trường nhưng chỉ có 27% trong số đó được thu gom, xử lý và tái chế. Như vậy, một lượng lớn rác thải nhựa bị cuốn vào hệ thống sông ngòi, kênh rạch trôi ra biển.
Bên cạnh đó, việc thải bỏ hoặc làm mất ngư cụ trong hoạt động khai thác thủy sản, thải bỏ rác thải nhựa trong các hoạt động kinh tế – xã hội khác diễn ra trên biển cũng chưa được quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Thực tế thời gian qua, việc quản lý rác thải nhựa tại các hải đảo, các khu du lịch biển, nhất là các bãi biển còn hạn chế. Việc xả rác thải nhựa bừa bãi cùng với một lượng lớn rác thải từ đại dương dạt vào các đảo, bãi tắm, đặc biệt trong mùa du lịch đang là vấn đề đáng báo động ở vùng ven biển và các hải đảo.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Để giải quyết vấn nạn này, Kế hoạch hành động đưa ra các mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025 phải tạo được sự đột phá trong nhận thức của toàn xã hội về sử dụng các sản phẩm nhựa, thải bỏ chất thải nhựa ra môi trường và tác hại của rác thải nhựa đại dương tới tài nguyên, môi trường, các hệ sinh thái biển và sức khỏe con người.
Bà Phạm Thu Hằng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chia sẻ nhóm giải pháp mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra, đó là xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phục vụ quản lý rác thải nhựa đại dương.
Xây dựng, tổ chức thực hiện các phong trào, nội dung giáo dục và đào tạo, tuyên truyền, phổ biến cụ thể nhằm tạo đột phá trong nhận thức của toàn xã hội về sử dụng các sản phẩm nhựa, thải bỏ chất thải nhựa ra môi trường và tác hại của rác thải nhựa đại dương tới tài nguyên, môi trường, các hệ sinh thái biển và sức khỏe con người.
Thực hiện việc quan trắc hằng năm và định kỳ 5 năm một lần đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại một số cửa sông thuộc 5 lưu vực sông chính tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ và tại các đảo tiền tiêu, có tiềm năng phát triển du lịch thuộc 6 huyện đảo.
Thực hiện các nghiên cứu khoa học chuyên sâu về tác động của rác thải nhựa đại dương, đặc biệt là vi nhựa – đến tài nguyên, môi trường, các hệ sinh thái biển và sức khỏe con người.
Xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương. Thiết lập, vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành về rác thải nhựa đại dương, tích hợp, chia sẻ với khu vực và quốc tế.
Xây dựng và thí điểm thực hiện cơ chế tăng cường trách nhiệm của nhà sản xuất trong lĩnh vực sản xuất bao bì, ngư cụ và đóng gói sản phẩm có liên quan đến nhựa. Thí điểm triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế, hợp tác khu vực và tham gia chủ động, trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề về rác thải nhựa đại dương.
Hà Anh (T/h)