Sởi là bệnh nhiễm virus cấp tính đặc trưng ở giai đoạn cuối bằng ban dạng dát-sẩn xuất hiện tuần tự từ cổ, mặt, ngực, thân, chân tay kèm theo sốt cao. Bệnh dễ lây nhiễm qua tiếp xúc nước mũi, nước bọt người bệnh. Bệnh sởi có thể gây mất thính lực, rối loạn chức năng não ở trẻ em và thậm chí có thể gây tử vong cho người bệnh.
Dựa trên dữ liệu y tế công cộng từ WHO, CDC và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, số ca tử vong do bệnh sởi trong năm 2018 đã tăng 30.000 ca so với số liệu năm 2017. Mặc dù số ca mắc sởi và tử vong trên toàn cầu đã giảm trong hai thập kỷ qua, nhưng virus gây bệnh vẫn không có dấu hiệu bị tiêu diệt.
Ảnh minh họa
“Tôi không quá ngạc nhiên hay thất vọng trước báo cáo này. Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh sởi lây lan là tiêm vaccine phòng ngừa, nhưng mức độ bao phủ vaccine gần đây đã suy giảm trên phạm vi toàn cầu”, Tiến sĩ Robin Nandy, cố vấn chính và trưởng phòng tiêm chủng tại UNICEF, cho biết.
“Chúng ta không nên có thêm nhiều ca tử vong trong năm 2019 khi đã có một loại vaccine an toàn và rẻ tiền trong nhiều thập kỷ”, ông Nandy nói. “Chúng ta đang chứng kiến sự bùng phát dịch sởi ở nhiều quốc gia cả phát triển và đang phát triển”. Sởi là một bệnh mang tính truyền nhiễm rất cao, có thể lây lan qua không khí khi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi hoặc nếu ai đó tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Các triệu chứng bệnh sởi có thể bao gồm sốt cao, ho, sổ mũi, chảy nước mắt và nổi mẩn đỏ.
Kế hoạch hành động về vaccine toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới, mà Hội đồng Y tế Thế giới đã thông qua vào năm 2012, kêu gọi loại bỏ bệnh sởi vào năm 2020 tại ít nhất 5 trong số 6 khu vực trên thế giới: châu Phi, châu Mỹ, Đông Nam Á, châu Âu, Đông Địa Trung Hải và Tây Thái Bình Dương.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreysus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, nói: “Việc bất kỳ đứa trẻ nào chết vì một căn bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine như bệnh sởi thực sự là một sự phẫn nộ và thất bại tập thể”. Để cứu những đứa trẻ, chúng ta phải đảm bảo mọi người đều có thể hưởng lợi từ vaccine – có nghĩa là đầu tư vào tiêm chủng và chăm sóc sức khỏe chất lượng là quyền của tất cả mọi người.
Báo cáo ước tính rằng trong giai đoạn 2000 đến 2018, tiêm phòng sởi đã giúp ngăn chặn khoảng 23,2 triệu ca tử vong. Ngoài ra, số ca tử vong do sởi ước tính giảm 73% trên toàn cầu, từ 535.600 vào năm 2000 xuống còn 142.300 ca tử vong vào năm 2018. Báo cáo cũng cho thấy, trong cùng khoảng thời gian đó, số ca mắc sởi được báo cáo đã giảm 59%, từ 853.479 xuống còn 353.236 trường hợp và tỷ lệ mắc sởi giảm 66%.
Tuy nhiên, chỉ trong vài năm qua, giữa năm 2016 và 2018, số ca mắc và tỷ lệ mắc bệnh đã thực sự tăng. So với năm 2016, số ca mắc sởi tăng 167% trên toàn cầu, theo báo cáo. Báo cáo cho biết, các trường hợp mắc sởi và bùng phát trong vài năm qua xảy ra chủ yếu ở những đối tượng chưa được tiêm chủng, bao gồm cả trẻ em trong độ tuổi đến trường và thanh niên.
Các cách phòng chống bệnh sởi
Chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện. Trường hợp mắc sởi nhẹ được cho cách ly tại nhà, trẻ cần phải nghỉ học, không tham gia các hoạt động tập thể và đến những nơi tập trung đông người ít nhất 7 ngày kể từ ngày phát ban sởi để tránh lây lan ra trường học và những người xung quanh. Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ. Người lớn chưa tiêm vắc xin sởi cần chủ động đi tiêm vắc xin sởi (vắc xin sởi, MR, MMR) tại các cơ sở y tế để tránh bị mắc sởi.
Minh Anh (t/h)