3.000 cán bộ khí tượng thủy văn “đếm gió, đo mưa” khắp cả nước

An Nhiên|03/10/2020 14:37
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ngành khí tượng thủy văn hiện có 3.000 cán bộ, viên chức trên khắp cả nước. Từ núi cao, rừng sâu cho đến chốn trùng khơi, họ thầm lặng “đếm gió, đo mưa” phục vụ dự báo hiệu quả, góp phần phòng, chống thiên tai.

Ngày truyền thống ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam (KTTV) năm nay được tổ chức với chủ đề “Khí tượng Thủy văn Việt Nam – 75 năm phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc”. Đây là sự kiện quan trọng đối với ngành KTTV Việt Nam, một lĩnh vực quan trọng luôn nỗ lực hoạt động góp phần phục vụ hiệu quả cho công tác phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

Năm nay là năm đầu tiên Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức kỷ niệm ngày Truyền thống ngành KTTV Việt Nam nhằm tôn vinh, ghi nhận đóng góp của ngành, đồng thời phát huy, động viên phong trào thi đua lao động, công tác, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, tuân thủ luật pháp, vai trò trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành khí tượng thủy văn Việt Nam trên khắp mọi miền Đất nước.

Hoạt động kỷ niệm sẽ gắn với việc tuyên truyền, lồng ghép công tác truyền thông về bảo vệ môi trường với vai trò của công tác khí tượng thủy văn chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao kiến thức khí tượng thủy văn gắn với phát triển bền vững, bảo vệ môi trường tại địa phương. Đồng thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng, động viên kịp thời tập thể, cá nhân, có thành tích tiêu biểu trong hoạt động khí tượng thủy văn gắn với việc lồng ghép các giải pháp, sáng kiến góp phần giảm thiểu tác động của thiên nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Đài khí tượng thủy văn khu vực Đông Bắc là công trình khí tượng được xây dựng sớm nhất Đông Dương

Nhân dịp này, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã gửi thư chúc mừng, tới thăm và động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ngành KTTV trên khắp mọi miền đất nước; đồng thời bày tỏ mong muốn ngành KTTV sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng để cung cấp kịp thời thông tin dữ liệu khí tượng, thủy văn đảm bảo tính thống nhất, chính xác, liên tục, tin cậy, kịp thời phục vụ đắc lực cho các ngành, lĩnh vực kinh tế xã hội của đất nước.

Giáo sư Petteri Taalas – Tổng thư ký tổ chức Khí tượng Thế giới; ngài Abdulla Al Mandos – Chủ tịch Hiệp hội Khí tượng khu vực 2 châu Á – Thái Bình Dương (RAII); bà Liu Yaming – Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Trung Quốc; ông Kim JongSeok – Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Hàn Quốc; bà Sarah Tajbakhsh Mosalman – Giám đốc cơ quan Khí tượng Cộng hòa Iran và đại diện các cơ quan khí tượng ở khu vực và thế giới đã trực tiếp gửi lời chúc mừng 75 năm Ngành KTTV Việt Nam qua video và thư chúc mừng.

Đại diện các tổ chức quốc tế và cơ quan khí tượng các nước đã ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc chủ động đề xuất, thực hiện chương trình hoạt động của WMO, RA II hay các hoạt động hợp tác song phương đồng thời mong muốn sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trên mọi phương diện nhằm nâng cao vai trò hiệu quả phục vụ trong nước và đóng góp cho các hoạt động KTTV ở tầm quốc tế.

Cùng với đó, diễn ra nhiều chuỗi sự kiện như giao lưu thể thao chào mừng, tổ chức các hội thảo khoa học công nghệ, triển lãm về công nghệ KTTV như: Hội thảo khoa học “Công nghệ quan trắc Khí tượng Thủy văn phục vụ dự báo, cảnh báo thiên tai thời công nghệ số” và “Tham vấn về thông tin khí tượng thủy văn phục vụ công bố rủi do thiên tai”; trưng bày và giới thiệu “Thành tựu khoa học ứng dụng KTTV trong dự báo, cảnh báo phục vụ phát triển KTXH”; …

Đặc biệt, chương trình kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành KTTV Việt Nam diễn ra tại Tổng cục Khí tượng Thủy văn từ 14h ngày 3/10/2020 với sự tham dự của hơn 200 đại biểu, đại diện cho các thế hệ cán bộ viên chức người lao động tiêu biểu của Ngành KTTV và kết nối trực tuyến với các Đài, trạm trên hệ thống chuyên ngành, đặc biệt có các trạm quan trắc tại các đảo tiền tiêu như: Trường Sa, Bạch Long Vỹ…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Hồng Hà đã tới dự lễ kỷ niệm.

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành khí tượng thủy văn Việt Nam qua các thời kỳ những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta có thể khẳng định rằng ở đâu có vùng trời, vùng biển và lãnh thổ của Việt Nam thì ở đó có hoạt động khí tượng thủy văn và sự hiện diện của cán bộ, nhân viên ngành khí tượng thủy văn Việt Nam”.

Theo Thủ tướng, trong suốt 75 năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc xây dựng và phát triển ngành khí tượng thủy văn Việt Nam. Kể từ tháng 10-1945 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh thành lập Nha khí tượng, là tổ chức tiền thân của ngành khí tượng thủy văn Việt Nam.

Đến nay, ngành khí tượng thủy văn nước nhà đang có sự phát triển lớn mạnh. Nổi bật nhất là chất lượng dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai ngày càng được nâng lên, dần tiệm cận với trình độ của các nước phát triển và ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến của thế giới.

Hiện nay, đất nước ta đang chịu tác động to lớn bởi biến đổi khí hậu, nhiều quy luật khí hậu bị phá vỡ khiến công tác khí tượng thủy văn gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đưa ra những dự báo, cảnh báo. Mặt khác yêu cầu về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và sự phát triển kinh tế xã hội ngày càng đòi hỏi khả năng dự báo chính xác hơn trước sự vận động của thiên nhiên.

Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh ngành khí tượng thủy văn phải tiếp tục làm tốt nhiệm vụ theo dõi, quan trắc mọi diễn biến thời tiết thủy văn trên cả nước.

“Ngành khí tượng thủy văn phải tập trung nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo hơn nữa, đặc biệt là các hiện tượng thời tiết thủy văn, hải văn nguy hiểm trên đất liền và trên cả vùng biển rộng lớn của Tổ quốc để phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đặc biệt là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Song song với đó, người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị ngành khí tượng thủy văn cần tập trung nhiều biện pháp để phát triển ngành đồng bộ theo hướng hiện đại hóa trên cơ sở kế thừa và phát huy tối đa nguồn lực hiện có.

Đồng thời tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn quốc gia; hiện đại hóa hệ thống thông tin chuyên ngành, thu thập, khai thác các thông tin từ vệ tinh, đáp ứng yêu cầu theo dõi từ xa các diễn biến thời tiết trên phạm vi rộng và dự báo thời tiết, nhất là dự báo bão, áp thấp nhiệt đới gió mùa.

“Thực hiện đầu tư cho ngành khí tượng thủy văn cần đi trước một bước để cung cấp kịp thời, chính xác thông tin và luận cứ khoa học về khí tượng thủy văn, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh thiên tai ngày càng khắc nghiệt và gia tăng biến đổi khí hậu” – Thủ tướng nêu rõ.

Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng Tổng cục Khí tượng Thủy văn.

\GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, khẳng định trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, ngành Khí tượng thủy văn luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát và động viên kịp thời của Đảng, Nhà nước, Chính phủ.

Ông Trần Hồng Thái cho biết, từ một mạng lưới thưa thớt và ít ỏi, đến nay, với sự đầu tư của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ TN-MT, ngành Khí tượng thủy văn đã có một mạng lưới quan trắc khí tượng thủy quốc gia với 1.719 trạm, công trình, phương tiện đo khí tượng thủy văn.

Trong đó, nhiều trạm được tự động hóa với tỷ lệ 100% như trạm bức xạ, trạm đo mưa độc lập, trạm khí tượng cao không đạt; trạm hải văn đạt 77,8%; trạm đo mực nước tự động đạt 53%.

Cũng theo người đứng đầu Tổng cục Khí tượng thủy văn, toàn ngành hiện có đội ngũ với 3.000 cán bộ, viên chức; trong đó gần 60% có trình độ đại học, trên đại học hiện đang công tác ở khắp các vùng miền trên cả nước.

“Đội ngũ những người làm khí tượng thủy văn dù công tác trong bất cứ giai đoạn nào luôn nêu cao tinh thần yêu nước, dũng cảm chiến đấu trên mặt trận bảo vệ Tổ quốc, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, từ núi cao, rừng sâu đến chốn trùng khơi thầm lặng đo từng con sóng, dõi từng con nước, đếm từng tia chớp phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng và an ninh của đất nước”, ông Thái nói.

Cũng trong dịp này, Tổng cục KTTV tổ chức khánh thành giai đoạn I Phòng Truyền thống ngành KTTV Việt Nam. Phòng Truyền thống là nơi lưu giữ trưng bày trang thiết bị, máy đo, các hiện vật gắn với lịch sử hình thành và phát triển của Ngành KTTV Việt Nam trong các giai đoạn lịch sử, đồng thời là nơi để các thế hệ sau này đặc biệt là các em học sinh, sinh viên sẽ đến thăm quan, học hỏi và tìm hiểu về ngành khoa học KTTV góp phần giáo dục nâng cao kiến thức cho cộng đồng xã hội, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Phòng Truyền thống Ngành KTTV đã thu thập và trưng bày gần 300 hiện vật về hoạt động KTTV qua các thời kỳ. Được thể hiện trên nền tảng thiết kế hiện đại và sẽ được bổ sung liên tục trong tương lai.

Việc tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam mang ý nghĩa thiết thực nhằm tôn vinh những nỗ lực đóng góp của các thế hệ cán bộ, viên chức người lao động Ngành KTTV qua các thời kỳ, những người chiến sỹ thầm lặng đã và đang ngày đêm gắn bó với nghề quan trắc, dự báo KTTV phục vụ vì sự bình yên cho đất nước.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia (người đứng ngoài cùng bên trái) báo cáo giới thiệu với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về Trung tâm điều hành tác nghiệp KTTV

Dự báo thời tiết cùng lúc ở 700 địa điểm

Công tác dự báo khí tượng thủy văn liên tục có những bước phát triển vượt bậc, hiện nay công nghệ dự báo số đã được triển khai ứng dụng nghiệp vụ trong toàn ngành. Các mô hình khu vực phân giải cao như mô hình HRM của Đức, WRF của Mỹ, ECMWF của châu Âu… cùng với các hệ thống dự báo tổ hợp hạn ngắn và hạn vừa đã và đang được vận hành hiệu quả tại các đơn vị tác nghiệp; đã tiến hành dự báo tới khoảng 700 địa điểm cụ thể như thị trấn, thị xã, thành phố.

Đáng chú ý, ngành cũng tăng cường các bản tin dự báo khí tượng thủy văn biển, đặc biệt là thời tiết biển khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước và phục vụ hiệu quả việc phát triển kinh tế biển.

Cũng theo ông Thái, ngành khí tượng thủy văn không ngừng mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế, góp phần đáng kể cho việc tăng cường về kỹ thuật, tài chính, trao đổi thông tin, đào tạo cán bộ và đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước.

“Nhìn lại chặng đường 75 năm xây dựng và trưởng thành, những người làm công tác khí tượng thủy văn vô cùng phấn khởi, tự hào, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới. Với sự quan tâm chỉ đạo, chăm lo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, phát huy truyền thống tốt đẹp trong suốt 75 năm qua, chắc chắn ngành sẽ vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”, ông Thái bày tỏ.

An Nhiên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
3.000 cán bộ khí tượng thủy văn “đếm gió, đo mưa” khắp cả nước