32 vị trí sạt lở bờ sông nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm ở TP Hồ Chí Minh

Minh Trang|15/12/2023 12:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ngày 14/12, UBND TP Hồ Chí Minh công bố danh mục 32 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm trên địa bàn thành phố năm 2023.

So với năm 2022, trong năm 2023, thành phố đã xử lý khắc phục giảm được 4 vị trí sạt lở, nhưng lại phát sinh 4 vị trí sạt lở mới nên tổng số các điểm sạt lở không thay đổi. Trong số 32 vị trí sạt lở được công bố, có 9 vị trí được thành phố đánh giá mức độ đặc biệt nguy hiểm và 23 vị trí mức độ nguy hiểm, làm ảnh hưởng đến 1.178 hộ dân.

Thành phố Thủ Đức và huyện Nhà Bè là 2 địa phương có nhiều điểm sạt lở nhất cùng có 7 vị trí, kế đến là huyện Cần Giờ và quận Bình Thạnh cùng 5 vị trí, còn lại các vị trí sạt lở nằm rải rác ở các quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh.

sat-lo-bo-song.jpg
Vị trí sạt lở bờ sông đặc biệt nguy hiểm tại khu vực rạch Giồng Ông Tố, TP Thủ Đức. Ảnh: Phương Ngân

Hiện nay vẫn còn 8 trong số 32 vị trí sạt lở đã công bố vẫn chưa có chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở, chủ yếu nằm trên địa bàn huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ và Quận 12, do đó UBND giao các địa phương phối hợp Sở Giao thông vận tải lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở.

Đối với các vị trí sạt lở còn lại đã có chủ trương hoặc dự án triển khai đầu tư xây dựng kè chống sạt lở với tổng chiều dài bờ kè khoảng 16.398m, có tổng vốn đầu tư khoảng 3.000 tỉ đồng.

Trên cơ sở danh mục vị trí sạt lở được công bố, UBND TPHCM yêu cầu các địa phương liên quan tuyên truyền cho người dân khu vực biết và chủ động phòng tránh, ứng phó. Với những khu vực đã xảy ra sạt lở, tiến hành rào chắn, khoanh vùng ngăn không cho phương tiện và người dân vào khu vực sạt lở để đảm bảo an toàn; bố trí cán bộ thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, hỗ trợ người dân di dời tài sản đến nơi tạm cư an toàn. Đồng thời, xây dựng và triển khai phương án ứng phó, xử lý cấp bách khu vực sạt lở đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng nhân dân.

Bên cạnh đó, UBND TPHCM giao Công an thành phố chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan và các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm tra và xử lý triệt để các chủ phương tiện khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông trái phép, không phép trên tuyến sông Sài Gòn (khu vực huyện Củ Chi), sông Đồng Nai (khu vực thành phố Thủ Đức), sông Lòng Tàu, sông Soài Rạp và vùng biển huyện Cần Giờ…

Trước đó, năm 2022, UBND TP HCM yêu cầu những đơn vị chủ đầu tư đang triển khai các dự án kè chống sạt lở, gồm: Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tâng đô thị thành phố, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng khu vực TP Thủ Đức, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ khẩn trương đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai thi công các dự án kè phòng, chống sạt lở.

UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên cân đối, bố trí vốn đầu tư cho các dự án công trình kè chống sạt lở để các địa phương, đơn vị thực hiện kịp tiến độ, đạt hiệu quả, bảo vệ an toàn khu dân cư.



Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
32 vị trí sạt lở bờ sông nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm ở TP Hồ Chí Minh