35 quốc gia cam kết cắt giảm 30% khí metan vào năm 2030

Thùy Trang|27/10/2021 02:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – 35 nước tham gia một thỏa thuận do Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu dẫn đầu nhằm hạn chế phát thải khí metan. Cam kết được thông báo chính thức dự kiến ​​diễn ra vào những ngày đầu của hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP 26) tại Glasgow.

Lượng khí thải metan trên toàn cầu trong thời gian gần đây đã đạt mức cao nhất trong lịch sử. (Ảnh minh họa)

Lượng khí thải metan trên toàn cầu trong thời gian gần đây đã đạt mức cao nhất trong lịch sử. Sự gia tăng ở mức báo động bắt nguồn từ sự tăng trưởng của khí thải khai thác than, sản xuất dầu và khí đốt tự nhiên, từ các bãi rác và chăn nuôi gia súc. Từ năm 2000 đến 2017, khí hậu nóng dần lên, nhiệt độ tăng trung bình từ 3-4 độ C.

Đây là ngưỡng nhiệt độ nguy hiểm, được các nhà khoa học cảnh báo là nguyên do dẫn đến các thảm họa tự nhiên như cháy rừng, hạn hán và lũ lụt, gây ra gián đoạn xã hội như nạn đói và di cư hàng loạt trên thế giới.

Hơn một nửa lượng khí thải metan hiện nay đến từ các hoạt động của con người. Với con số tăng nhảy vọt 9% hàng năm, tương đương với 50 triệu tấn khí thải metan mỗi năm.

Phát thải khí metan tăng mạnh nhất ở châu Phi, Trung Đông; Trung Quốc; Nam Á và châu Đại Dương, bao gồm Úc và nhiều đảo Thái Bình Dương. Mỗi khu vực đã tăng lượng khí thải lên khoảng 10 đến 15 triệu tấn mỗi năm. Hoa Kỳ theo sát phía sau, tăng phát thải khí metan lên 4,5 triệu tấn, chủ yếu là do phân phối và tiêu thụ khí đốt tự nhiên.

“Cam kết kiềm chế sản lượng khí nhà kính mạnh đã được các quốc gia bao gồm Anh, Canada và Đức ủng hộ”, Bloomberg dẫn lời một quan chức giấu tên cho biết. “Hoa Kỳ và EU có thể sẽ tiết lộ thêm các bên ký kết tại hội nghị thượng đỉnh COP 26 vào ngày 2/11”. Các quốc gia nhìn thấy triển vọng cắt giảm khí metan “đến từ ngành công nghiệp dầu mỏ, nông nghiệp và chất thải, trong số các nguồn khác”, và các nước ký kết cho đến nay đại diện cho gần 1/3 lượng khí thải metan toàn cầu.

Metan là một loại khí nhà kính mạnh, giữ nhiệt trong khí quyển hiệu quả hơn khoảng 80 lần so với carbon dioxide, và lượng khí thải đang tăng lên trong những năm gần đây. Sản xuất khí đốt tự nhiên và nấu nướng, sản xuất thực phẩm và các hình thức nông nghiệp khác là một trong những nguồn phát thải chính.

Thùy Trang

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
35 quốc gia cam kết cắt giảm 30% khí metan vào năm 2030