An Giang: Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Minh Trang|10/05/2023 12:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nắng nóng kéo dài, dự báo cấp độ cháy rừng đang là cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm). Để chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy trong cao điểm mùa khô năm 2023, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra. UBND tỉnh An Giang có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn.

Hiện nay, toàn tỉnh An Giang, diện tích đất có rừng của tỉnh gần 13.907ha. Do nắng nóng kéo dài nên dự báo cấp độ cháy rừng trên địa bàn tỉnh là cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm), nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.

Rừng tự nhiên và tái tạo ở địa phương này tập trung trên vùng Bảy Núi gồm huyện Tri Tôn, thị xã Tịnh Biên với nhiều đồi núi, dốc cao nên khi xảy ra cháy rừng việc chữa cháy rất vất vả. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang, tổng diện tích vùng trọng điểm cháy là 7.368,6ha. Trong đó, huyện Tịnh Biên 2.912ha gồm rừng tràm Trà Sư, rừng tràm Nhơn Hưng, khu vực núi Phú Cường, núi Cấm; huyện Tri Tôn có hơn 4.406ha thuộc vùng trọng điểm cháy gồm khu vực núi Dài lớn, núi Tượng, núi Cô Tô…

chua-chay-rung.jpg
Ảnh minh họa

Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh An Giang xảy ra 12 vụ cháy rừng với diện tích 5,79ha. Vừa qua, trên vùng Bảy Núi đã có nhiều cơn mưa lớn giải nhiệt nhưng nguy cơ cháy rừng vẫn luôn tiềm ẩn trong thời tiết khô hạn.

Để chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu lực lượng Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng Phòng hộ và đặc dụng tỉnh bảo đảm việc bố trí lực lượng, phương tiện, dụng cụ phòng cháy ở các khu vực trọng điểm; triển khai đồng bộ các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm "4 tại chỗ"; thực hiện tốt việc ứng trực phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định và cả trong các ngày nghỉ lễ.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có rừng trong tỉnh thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong suốt thời kỳ cao điểm về cháy rừng; kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Chỉ đạo các đơn vị, chủ rừng chủ động rà soát các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng đã xây dựng, chủ động xử lý thực bì, làm giảm vật liệu cháy ở các khu rừng có nguy cơ cháy cao; xác định cụ thể những vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao để bố trí nguồn nhân lực, vật lực sẵn sàng ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ cháy rừng. Tổ chức lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô hanh.

Khi có cháy rừng xảy ra, khẩn trương chỉ đạo huy động lực lượng để xử lý tình huống cháy rừng, không để cháy lan, cháy lớn. Sau cháy rừng cần khẩn trương điều tra xác định rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm và có phương án phục hồi rừng.

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp các cơ quan truyền thông trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong thực hiện các quy định về quản lý và bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; luôn chủ động tốt phương châm "4 tại chỗ" trong công tác chữa cháy rừng.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng yêu cầu Công an tỉnh chủ trì, phối hợp lực lượng Kiểm lâm điều tra làm rõ nguyên nhân cháy rừng, đối tượng gây cháy để kịp thời xử lý vi phạm, nhất là với những vụ cháy rừng lớn...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
An Giang: Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng