Ba Đình (Hà Nội): Người dân bức xúc về Dự án Cải tạo, bổ sung phòng chức năng, nhà ăn trường tiểu học Đại Yên thi công gây ảnh hưởng về môi trường, làm lún nứt nhà dân

Thu Thủy - Hà Anh|29/08/2023 09:24
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Mỗi dự án xây dựng đều có những ảnh hưởng và tác động trực tiếp tới môi trường xung quanh, bao gồm: Không khí bụi bặm, tiếng ồn, nguồn nước…. Bụi từ quá trình khoan đục phá dỡ tường, thi công xây dựng dự án gây ra tình trạng ô nhiễm không khí. Nước thải sinh hoạt của công nhân trong quá trình ăn ở sinh hoạt tại công trường nếu không có biện pháp thu gom xử lý phù hợp cũng sẽ là mầm mống của dịch bệnh lây lan, bốc mùi hôi thối ảnh hưởng tới môi trường.

VIDEO: Ba Đình (Hà Nội): Người dân bức xúc về Dự án Cải tạo, bổ sung phòng chức năng, nhà ăn trường tiểu học Đại Yên thi công gây ảnh hưởng về môi trường, lún nứt nhà dân

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định rõ trong quá trình thi công xây dựng các công trình, chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng phải tuân thủ nghiêm ngặt nhiều quy định bắt buộc để đảm bảo vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế, tại những dự án đầu tư xây dựng công trình công còn không ít những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý cũng như việc thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường gây ảnh hưởng đến môi trường và đời sống dân cư.

Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế những ảnh hưởng và tác động trực tiếp tới môi trường xung quanh trong quá trình xây dựng, Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống đã tìm hiểu, khảo sát, thu thập thông tin để thực hiện chuyên đề “Những ảnh hưởng của các dự án đầu tư xây dựng đến môi trường xung quanh”. Với mục đích đưa ra những đánh giá về tình hình thực tế đang diễn ra, đề xuất những giải pháp quản lý trong công tác bảo vệ môi trường đảm bảo đúng luật, góp phần phòng ngừa những ảnh hưởng tới môi trường sống của người dân.

W_dai-yen.jpg
Công trình “Cải tạo, bổ sung phòng chức năng, nhà ăn trường Tiểu học Đại Yên” trong quá trình thi công đã gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình lân cận; ảnh hưởng đến môi trường, cộng đồng dân cư.

Trong quá trình triển khai chuyên đề, phóng viên (PV) Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống - Moitruong.net.vn đã nhận được nhiều ý kiến ​​của người dân ngách 179/44 phố Đội Cấn, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội về việc công trình “Cải tạo, bổ sung phòng chức năng, nhà ăn trường Tiểu học Đại Yên” trong quá trình thi công đã gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình lân cận; ảnh hưởng đến môi trường, cộng đồng dân cư.

Nhiều hộ dân khổ vì công trình thi công

Công trình “Cải tạo, bổ sung phòng chức năng, nhà ăn trường Tiểu học Đại Yên” tại ngõ 167 Đội Cấn, phường Đội Cấn (quận Ba Đình – Thành phố Hà Nội) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Văn hóa và Đô thị là đơn vị thi công. Công trình này thuộc dự án Nhóm B; Công trình giáo dục, cấp II với tổng mức đầu tư dự kiến là: 49.795.709.000 đồng (Bốn mươi chín tỷ, bảy trăm chín mươi năm triệu, bảy trăm linh chín nghìn đồng). 

Trong quá trình triển khai, chủ đầu tư và nhà thầu đã bộc lộ nhiều dấu hiệu tồn tại trong công tác quản lý và thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường và gây ảnh hưởng tới cuộc sống của các hộ dân sống xung quanh công trình.

W_truong-tieu-hoc-dai-yen-12-.jpg
Quá trình thi công, công trình gây ồn ào, bụi bặm, làm lún nứt, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống, sức khỏe của nhiều người dân

Theo ý kiến của gần chục hộ dân sinh sống tại ngách 179/44 phố Đội Cấn, thời gian qua trong quá trình thi công công trình “Cải tạo, bổ sung phòng chức năng, nhà ăn trường Tiểu học Đại Yên” gây ồn ào, bụi bặm, làm lún nứt, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống, sức khỏe của nhiều người dân, đặc biệt là người già.

Chia sẻ với PV, bà Đinh Thị Ngoan - người dân ngách 179/44 phố Đội Cấn bức xúc cho biết: Trường Tiểu học Đại Yên đang xây dựng khối nhà 7 tầng, trong thời gian thi công khi đổ bê tông các tầng đơn vị thi công cũng không thông báo cho các hộ dân xung quanh để biết. Trong qua trình thi công rất ồn, nhiều hôm làm thông đêm, có hôm 5h sáng đã bắt đầu làm rồi khiến người dân chúng tôi rất mệt mỏi, gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Bụi bặm rất là nhiều. Nhiều hôm đổ bê tông làm bắn hết cả bê tông sang mái nhà tôi. Đặc biệt, quá trình thi công khiến nhà tôi nhiều chỗ bị rạn nứt.

Hiện tại các hộ dân chúng tôi đã làm đơn gửi phường và các cấp chính quyền nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc để bảo vệ quyền lợi cho người dân, bà Ngoan cho biết thêm

W_truong-tieu-hoc-dai-yen-6-.jpg
Nhúng vết nứt được PV ghi nhận tại nhà bà Đinh Thị Ngoan ngách 179/44 phố Đội Cấn

Cùng chung nỗi bức xúc, cô Yến – nhà số 8, ngách 179/44 phố Đội Cấn cho biết: Nhà tôi ở sát vách với trường Tiểu học Đại Yên, trong quá trình trường Tiểu học Đại Yên phá dỡ xong thi công làm ảnh hưởng đến gia đình tôi như lún nứt, dột nát. Hiện nay, 5 hộ dân liền kề với trường Tiểu học Đại Yên cũng đã làm đơn ra phường kiến nghị nhưng đến nay chưa được giải quyết. Chúng tôi mong UBND phường nhanh chóng vào cuộc giải quyết dứt điểm để các hộ yên tâm, có giấc ngủ ngon.

W_truong-tieu-hoc-dai-yen-5-.jpg
Nhúng vết nứt được PV ghi nhận tại nhà số 8, ngách 179/44 phố Đội Cấn

Theo anh Tiến – người dân nhà số 10, ngách 179/44 phố Đội Cấn cho hay: Theo chúng tôi được biết, công trình trường Tiểu học Đại Yên được khởi công vào khoảng giữa tháng 11. Chúng tôi có hình ảnh họ phá dỡ từ ngày 19/11/2022 nhưng đến ngày 25/11/2022 thì đơn vị thi công mới sang khảo sát các hộ dân. Riêng hộ nhà số 10 thì họ khảo sát ngày 28/12/2022. Việc đơn vị thi công, Ban Quản lý dự án không khảo sát trước khi thi công và không đảm bảo an toàn cho các công trình lân cận là sai quy trình, sai luật. Cùng với đó, trong quá trình thi công, đơn vị thi công và Ban Quản lý dự án không đảm bảo về môi trường như việc lưới chắn bụi.

Chúng tôi cũng đã nhiều lần có ý kiến với phường và đơn vị thi công để thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật. Nhưng có lẽ càng nhắc họ lại càng làm. Có nhiều hôm đơn vị thi công làm xuyên đêm. Khi đổ bê tông ban đêm họ không thông báo với chúng tôi. Ngoài ra, trong quá trình thi công, người dân phát hiện đơn vị thi công đổ phế thải trực tiếp từ trên tầng cao xuống dưới và cũng chưa có các biện pháp bảo vệ công trình nhà dân xung quanh rất nguy hiểm.

Chúng tôi mong muốn được giải quyết dứt điểm vấn đề lún nứt và khắc phục nhanh nhất những vấn đề môi trường còn tồn tại. Đặc biệt, các đơn vị thanh tra nhanh chóng vào cuộc thanh tra, kiểm tra đơn vị thi công về các vấn đề môi trường, xây dựng đã đúng theo các quy định của pháp luật hay không? anh Tiến cho biết thêm.

W_truong-tieu-hoc-dai-yen-11-.jpg
W_truong-tieu-hoc-dai-yen-10-.jpg
W_truong-tieu-hoc-dai-yen-9-.jpg
Người dân bức xúc khi công trình trường học gây nứt nhà

Nhằm tìm hiểu, thu thập làm rõ thông tin liên quan đến việc người dân có ý kiến về công trình “Cải tạo, bổ sung phòng chức năng, nhà ăn trường Tiểu học Đại Yên” trong quá trình thi công gây ồn ào, bụi bặm, làm lún nứt nhà, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống, sức khỏe của nhiều người dân. Ngày 10/8/2023, PV Moitruong.net.vn đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND phường Đội Cấn.

W_truong-tieu-hoc-dai-yen-3-.jpg
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND phường Đội Cấn tại buổi trao đổi với PV Moitruong.net.vn

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND phường Đội Cấn xác nhận: Thời điểm thực hiện dự án, UBND phường có nhận được một số nội dung thông tin về quá trình thi công công trình “Cải tạo, bổ sung phòng chức năng, nhà ăn trường Tiểu học Đại Yên”. UBND phường cũng đã nhiều lần mời chủ đầu tư, nhà thầu thi công lên để có những nhắc nhở.

Phản ánh của người dân thì phường cũng trực tiếp kiểm tra theo dõi. Thời gian thực hiện thì họ cũng hơi quá giờ một chút thì phường cũng nhắc nhở. Và quá trình thi công mà mất vệ sinh môi trường, an toàn lao động thì UB phường cũng có nhiều lần làm việc với chủ đầu tư và nhà thầu.

Hiện nay phường nhận được đơn của 06 hộ dân kiến nghị về lún nứt liên quan đến quá trình thực hiện dự án trường tiểu học Đại Yên. UBND phường cũng có những buổi làm việc trực tiếp với các hộ dân, nhà thầu. Đối với hộ gia đình nhà ông Tiến, lãnh đạo UBND phường đã có 04 buổi mời ra làm việc cùng nhà thầu thi công, cùng thỏa thuận phương án lựa chọn đơn vị kiểm định độc lập để đánh giá mức độ ảnh hưởng, thiệt hại, phương án bồi thường hoặc khắc phục. Tuy nhiên, cả 2 bên chưa đưa ra được phương án giải quyết cụ thể vì chưa thống nhất lựa chọn đơn vị kiểm định. Sắp tới, UBND phường sẽ tiếp tục tổ chức họp và mời các hộ dân bị ảnh hưởng lên để có phương án giải quyết dứt điểm.

Khi được hỏi về việc công trình thi công như vậy thì dự án đã có Giấy phép môi trường hay chưa? thì ông Tuấn cho biết rằng phường đang yêu cầu họ cung cấp.

Lãnh đạo Ban quản lý nói có Hồ sơ về môi trường, cán bộ nói không – đâu là sự thật?

Tiếp tục tìm hiểu, thu thập thông tin liên quan đến việc công trình “Cải tạo, bổ sung phòng chức năng, nhà ăn trường Tiểu học Đại Yên” thi công có dấu hiệu ô nhiễm môi trường, làm lún nứt nhà dân, PV đã đặt lịch làm việc với UBND quận Ba Đình và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận.

Theo đó, ngày 18/8/2023, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình đã có buổi làm việc với phóng viên Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn. Tại buổi làm việc có ông Lê Trí Dũng – Phó Giám đốc Ban, ông Hà Thanh Bình – Phó phòng phụ trách dự án, bà Ngô Thu Hường – Cán bộ phụ trách dự án.

W_truong-tieu-hoc-dai-yen-4-.jpg
Ông Lê Trí Dũng – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình trao đổi với PV Moitruong.net.vn

Trao đổi với PV, ông Lê Trí Dũng cho biết, thông báo khởi công của công trình được gửi đi là vào cuối năm 2022. Nhưng không thể căn cứ vào thông báo khởi công để nói rằng việc khảo sát là trước hay sau thông báo khởi công được. Bởi thông báo khởi công là văn bản thông tin tới chính quyền địa phương và các tổ chức, gia đình xung quanh là có sự việc đấy xảy ra, có công trình đấy thực hiện. Không thể lấy thông báo khởi công làm cái mốc để tính về thời gian bắt đầu thực hiện xây dựng công trình. Đấy là theo quy định.

Sau khi có thông báo khởi công thì bên nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn giám sát đã phối hợp cùng cán bộ cơ sở của phường Đội Cấn đi thực hiện khảo sát các hộ liền kề ghi nhận hiện trạng theo quy định. Việc thông báo khởi công là quy định và chúng tôi thực hiện theo quy trình gửi tới chính quyền địa phương để thực hiện xây dựng cải tạo công trình và sau đó tiến hành các bước.

Việc khảo sát các hộ liền kề là sau khi có thông báo khởi công và chúng tôi đã tiến hành phối hợp cùng cán bộ cơ sở đi khảo sát các hộ liền kề. Trong quá trình khảo sát, một số hộ vắng mặt nên đã phải đi nhiều lần mới tổ chức thực hiện khảo sát được.

Khi phát sinh ra những nội dung đơn thư khiếu nại, chúng tôi đều phối hợp với UBND phường để thực hiện việc khảo sát và giải quyết đơn thư theo quy trình, trình tự. Kế hoạch của chúng tôi là trong tuần tới sẽ tiếp tục phối hợp với UBND phường Đội Cấn để làm việc với các hộ dân.

Tuy nhiên, theo hồ sơ thì ngày 7/11/2022, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình có thông báo khởi công gửi UBND phường Đội Cấn và ngày 18/12/2022 mới có biên bản khảo sát hiện trạng nhà số 10, ngách 179/44 phố Đội Cấn liền kề công trình. Đồng thời theo tư liệu hình ảnh do người dân cung cấp thì ngày 19/11/2022 công trình khối nhà 1 tầng đang được phá dỡ. Vậy, việc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình khảo sát nhà các hộ dân sống liền kề công trình sau khi có thông báo khởi công đã đúng với các quy định của Luật. Câu hỏi này xin gửi đến lãnh đạo UBND Tp. Hà Nội và các cơ quan chức năng có liên quan.

W_truong-tieu-hoc-dai-yen-1-.jpg
Theo hồ sơ thì ngày 7/11/2022, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình có thông báo khởi công gửi UBND phường Đội Cấn và ngày 18/12/2022 mới có biên bản khảo sát hiện trạng nhà số 10, ngách 179/44 phố Đội Cấn liền kề công trình. Đồng thời theo tư liệu hình ảnh do người dân cung cấp thì ngày 19/11/2022 công trình khối nhà 1 tầng đang được phá dỡ

Tiếp tục trao đổi về việc thực hiện các quy định của Luật bảo vệ môi trường trong quá trình thi công công trình thì ông Dũng cho hay: Về môi trường thì chúng tôi có kế hoạch bảo vệ môi trường nên chúng tôi không có Giấy phép môi trường. Theo chị, căn cứ điều nào, khoản nào mà chúng tôi phải làm Giấy phép môi trường thì chị cũng cung cấp thông tin cho chúng tôi. Còn theo tất cả nội dung có liên quan thì chúng tôi có kế hoạch bảo vệ môi trường trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Tuy nhiên, khi PV trao đổi về việc theo quy định của Luật bảo vệ môi trường 2020 thì hiện nay không còn giấy phép gọi là kế hoạch bảo vệ môi trường cho dự án mà chỉ có Giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường thì ông Dũng vẫn một mực khẳng định, kế hoạch bảo vệ môi trường chúng tôi có và được cơ quan có trách nhiệm thẩm định cấp. Lát nữa đồng chí cán bộ của Ban sẽ cung cấp cho báo chí.

Khi PV đề nghị cung cấp kế hoạch bảo vệ môi trường của công trình như ông Dũng – Phó Giám đốc Ban khẳng định thì ông Bình – Phó phòng phụ trách dự án không cung cấp được và cho hay: Theo Luật bảo vệ môi trường 2020, thì dự án này không thuộc đối tượng phải làm Giấy phép môi trường.

Lý giải về việc này bà Hường cho hay, từ trước bên Ban vẫn rất tuân thủ về việc lập kế hoạch bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, sau khi có luật mới thì đến bây giờ các quy trình để thực hiện như thế nào thì chưa có hướng dẫn.

Bọn chị cũng nghiên cứu rất nhiều, nếu mà cấp Giấy phép môi trường thì phải có hướng dẫn rất cụ thể là lập cái đấy phải có chi phí đầu mục. Mà để có chi phí thì phải có hướng dẫn của Bộ Tài chính, chứ không phải bọn chị tự lấy chi phí ra để đi thuê được. Hiện tại tụi chị cũng chưa có đầu mục chi phí để lập kế hoạch thực hiện Giấy phép môi trường. Bọn chị chưa có cái hướng dẫn đấy, bà Hường nói.

Vậy, việc đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình cho rằng công trình “Cải tạo, bổ sung phòng chức năng, nhà ăn trường Tiểu học Đại Yên” không phải làm giấy phép môi trường hay đăng ký môi trường và phải có hướng dẫn của Bộ Tài chính về chi phí để lập kế hoạch thực hiện Giấy phép môi trường vào đầu mục nào có đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản liên quan? Câu hỏi này xin được gửi tới lãnh đạo UBND Tp. Hà Nội và Sở Tài nguyên và Môi trường để có câu trả lời tới người dân và dư luận.

W_truong-tieu-hoc-dai-yen-13-.jpg
Hàng chục công nhân ăn ở, sinh hoạt ngay tại công trình.
W_truong-tieu-hoc-dai-yen-14-.jpg
Nước thải, rác thải trong quá trình ăn uống sinh hoạt của công nhân không được thu gom, xử lý mà xả thải trực tiếp ra môi trường bốc mùi khó chịu

Theo ghi nhận của PV Moitruong.net.vn, trong quá trình thi công cải tạo, mở rộng dự án, nhà thầu đã tận dụng một phần hạng mục góc phía bên trong của trường để cho hàng chục công nhân ăn ở, sinh hoạt. Nước thải, rác thải trong quá trình ăn uống sinh hoạt của công nhân không được thu gom, xử lý mà xả thải trực tiếp ra môi trường bốc mùi khó chịu, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh, không đảm bảo phòng chống cháy nổ ảnh hưởng lớn đến môi trường.

Đặc biệt, theo người dân quá trình thi công công trình nhiều công nhân không được trang bị bảo hộ lao động mà vẫn làm việc trên cao, thiếu quy định về đảm bảo an toàn lao động mà không vướng phải sự giám sát của đơn vị thi công, đơn vị giám sát cùng các lực lượng chức năng và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình.

W_truong-tieu-hoc-dai-yen-7-.jpg
W_truong-tieu-hoc-dai-yen-8-.jpg
Công nhân không được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động tại công trình và thi công đổ trực tiếp phế thải xây dựng từ tầng cao xuống đất. Hình ảnh do người dân cung cấp

Theo tìm hiểu của PV, công trình “Cải tạo, bổ sung phòng chức năng, nhà ăn trường Tiểu học Đại Yên” là công trình cấp II, thuộc nhóm B nên dự án thuộc phần 2 Mục I, Phụ lục IV Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 danh mục các dự án đầu tư nhóm II có nguy cơ tác động xấu đến môi trường quy định tại khoản 4 điều 28 Luật Bảo vệ môi trường. Căn cứ vào mục 1 Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định về đối tượng phải có giấy phép môi trường như sau: Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II, nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức.

Vậy, căn cứ vào những quy định trên, Công trình “Cải tạo, bổ sung phòng chức năng, nhà ăn trường Tiểu học Đại Yên” có phải làm Giấy phép môi trường hay không?.

Để đảm bảo sức khỏe cũng như sự an toàn tính mạng của các hộ dân đang sống cạnh dự án Cải tạo, bổ sung phòng chức năng, nhà ăn trường Tiểu học Đại Yên. Kính đề nghị UBND TP. Hà Nội sớm chỉ đạo các sở ban ngành, UBND quận Ba Đình nhanh chóng vào cuộc thanh kiểm tra, xử lý những dấu hiệu tồn tại của Chủ đầu tư và nhà thầu thi công về việc thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường trong quá trình thi công xây dựng dự án.

Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư và nhà thầu phải tiến hành ngay các biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình nhà dân bị lún nứt, hoàn tất các thủ tục cần thiết về thoả thuận, bồi thường, đền bù những tổn thất về tinh thần và vật chất gây ra cho những hộ dân sống xung quanh do quá trình thi công Dự án Cải tạo, bổ sung phòng chức năng, nhà ăn trường Tiểu học Đại Yên gây ra.

Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Khoản 5 Điều 64 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định Bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng như sau:

Việc thi công xây dựng, cải tạo, sửa chữa, phá dỡ công trình xây dựng phải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau đây:

a) Có biện pháp không phát tán bụi, nhiệt, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

b) Việc vận chuyển vật liệu, chất thải trong hoạt động xây dựng phải được thực hiện bằng phương tiện phù hợp, bảo đảm không làm rò rỉ, rơi vãi, gây ô nhiễm môi trường;

c) Nước thải phải được thu gom, xử lý, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;

d) Chất thải rắn, phế liệu còn giá trị sử dụng được tái chế, tái sử dụng theo quy định; đất, đá, chất thải rắn từ hoạt động xây dựng được tái sử dụng làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng theo quy định;

đ) Đất, bùn thải từ hoạt động đào đất, nạo vét lớp đất mặt, đào móng cọc được sử dụng để bồi đắp cho đất trồng cây hoặc các khu vực đất phù hợp;

e) Bùn thải phát sinh từ bể phốt, hầm cầu phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường;g) Chất thải rắn và các loại chất thải khác phải được thu gom, lưu giữ, vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định về quản lý chất thải.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Ba Đình (Hà Nội): Người dân bức xúc về Dự án Cải tạo, bổ sung phòng chức năng, nhà ăn trường tiểu học Đại Yên thi công gây ảnh hưởng về môi trường, làm lún nứt nhà dân