Bắc Giang chủ động phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi

Hoàng Linh|19/12/2023 16:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Miền Bắc đang bước vào đợt rét đậm, đêm và sáng nhiệt độ xuống thấp, có thời điểm từ 10-12 độ C. Để tránh những thiệt hại gây ra, nông dân các địa phương trong tỉnh Bắc Giang đã thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi.

Gia đình ông Hà Văn Dũng, thôn Sen, xã Thái Đào (Lạng Giang) trồng 5 sào hoa ly với gần 30 nghìn cây. Hiện thân cây đang vươn cao chừng 20-35 cm, do ảnh hưởng của đợt rét khiến phần lá, ngọn bị táp rũ, úa vàng. Với kinh nghiệm gần 30 năm trồng hoa, ông Dũng làm cọc, giăng lưới cước làm giàn cho cây có điểm tựa, chống đổ gãy, đồng thời bổ sung phân bón cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng.

chong-ret.jpg
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân di chuyển đàn gia súc ra khỏi khu vực núi cao, gia súc thả rông về nơi nuôi nhốt an toàn để tránh rét

Gia đình bà Nguyễn Thị Quyên, tổ dân phố Chung (thị trấn Tân An (Yên Dũng) trồng 3 sào ngô, 2 sào khoai tây. Hiện nay, ngô chuẩn bị cho thu hoạch song những cây ở đầu bờ ruộng bị xô nghiêng, gần bật gốc khiến bà phải vun đất, làm giàn cho cây.

Ông Nguyễn Văn Đậu, tổ dân phố Thượng, thị trấn Tân An đang cắt cỏ voi về làm thức ăn dự trữ cho cặp bò nái.

Ông Hoàng Văn Tư, thôn Trại Một, xã Biên Sơn (Lục Ngạn) có đàn dê gần 40 con. Ông cho biết, gia đình thường chăn thả tự nhiên nhưng mấy hôm nay trời rét đậm nên nhốt vật nuôi tại chuồng, có che chắn bạt và bổ sung cỏ tươi, cám giúp dê tăng khả năng chống chịu rét.

Các hộ chăn nuôi ở huyện miền núi, vùng cao như: Lục Nam, Yên Thế, Lục Ngạn, Sơn Động cũng chủ động bảo vệ vật nuôi bằng cách quây cót, rải trấu dưới nền, thắp điện, đèn sưởi cho lợn, gà.

Ông Âu Văn Đạt, Chủ tịch UBND xã Sa Lý (Lục Ngạn) thông tin: Trong những ngày rét đậm này, để bảo vệ đàn vật nuôi, đa số người dân trên địa bàn xã đã kịp thời di chuyển trâu, bò thả rông từ trên rừng, ngoài bãi về chuồng trại gần nhà; tiến hành che chắn, sưởi ấm, chuẩn bị đầy đủ thức ăn cho gia súc trong những ngày giá rét. Với một số hộ vẫn thả rông trâu, bò trên rừng, UBND xã tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con đưa vật nuôi về nhà để tránh thiệt hại.

chong-ret-1.jpg
Người dân xã Cẩm Lý (Lục Nam) chăn thả dê ngoài đồng, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho vật nuôi

Theo Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Bắc Giang, trong những ngày tới, thời tiết miền Bắc tiếp tục có rét đậm. Để chủ động phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất, ông Lương Đức Kiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT) khuyến cáo, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần thường xuyên cập nhật, theo dõi sát diễn biến tình hình thời tiết, dịch bệnh để chủ động trong công tác chỉ đạo phòng, chống, khắc phục hậu quả đói rét, dịch bệnh xảy ra đối với vật nuôi.

Chỉ đạo cơ quan chuyên môn từ huyện đến xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; chủ động phòng, chống đói rét, dịch bệnh như:

Củng cố chuồng trại chăn nuôi bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh và phòng, chống đói, rét. Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, vật tư (bạt che chắn, thiết bị sưởi, than, củi…) để sưởi ấm cho vật nuôi khi rét đậm, rét hại xảy ra. Trong quá trình sưởi ấm cần bảo đảm an toàn cháy nổ, tránh gây bỏng, ngạt, bí khí cho vật nuôi.

Cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống, điện giải, vitamin… để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi. Đối với gia súc ăn cỏ (trâu, bò, ngựa, dê…), nông dân cần chủ động trồng cỏ, ngô dày trên diện tích đất không trồng cây vụ đông, đất hoang; có kế hoạch dự trữ đủ thức ăn thô, xanh, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp chế biến để làm thức ăn cho gia súc.

Kịp thời di chuyển đàn gia súc ra khỏi khu vực núi cao, gia súc thả rông về nơi nuôi nhốt an toàn để tránh rét. Không cho trâu bò làm việc, chăn thả tự do khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C, nhất là thời điểm rét đậm, rét hại có mưa phùn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bắc Giang chủ động phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.