Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định, hướng dẫn của Trung ương về công tác PCCC&CNCH, nhất là Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/5/2015, Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ,... nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PCCC&CNCH trong quá trình phát triển KT-XH; những tác hại, hậu quả do cháy, nổ gây ra và việc bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân... Qua đó huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong quá trình tổ chức thực hiện.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên việc thực hiện công tác PCCC&CNCH, trong đó phải đổi mới về tư duy, nhận thức, phương pháp, cách thức tiếp cận và tổ chức thực hiện bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là đối với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở. Xác định PCCC&CNCH là nhiệm vụ quan trọng cần đặc biệt quan tâm trong quá trình phát triển KT-XH. Lấy việc chủ động phòng ngừa là “cơ bản - chiến lược - lâu dài”; thường xuyên rà soát, cảnh báo những nơi có nguy cơ cháy, nổ cao gắn với tổ chức tập huấn, diễn tập, thực tập các phương án, tình huống xử lý sự cố cháy, nổ và CNCH để chủ động đối phó kịp thời, hiệu quả khi xảy ra cháy, nổ, sự cố tai nạn theo phương châm “4 tại chỗ”.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện các chỉ đạo, quy định của Trung ương, của tỉnh về công tác PCCC&CNCH; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; xử lý nghiêm các trường hợp thiếu trách nhiệm hoặc buông lỏng quản lý về công tác PCCC, để xảy ra cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng. Đưa kết quả thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC là tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động, bình xét thi đua của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, hội viên, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động.
Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức tự trang bị hệ thống PCCC&CNCH trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục và trong từng hộ gia đình, nhất là các thiết bị báo cháy, dụng cụ thoát hiểm, phòng độc, cửa thoát hiểm,... Chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác ưu điểm của phương thức truyền thông hiện đại, Internet, mạng xã hội và phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên, thành viên, hội viên của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể,... nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về các kỹ năng thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Thực hiện lồng ghép việc phổ biến, học tập kiến thức và kỹ năng về PCCC&CNCH vào chương trình học tập, hoạt động ngoại khóa trong các nhà trường, cơ sở giáo dục. Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia PCCC&CNCH; xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình trong phong trào toàn dân PCCC.
Tăng cường xã hội hóa phục vụ công tác PCCC&CNCH phù hợp với thực tế của từng địa phương, đơn vị; nghiên cứu cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác PCCC (giao thông, nguồn nước, thông tin liên lạc...); huy động tối đa các nguồn lực xã hội đầu tư về cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ thực hiện công tác PCCC&CNCH.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC&CNCH. Thực hiện quyết liệt, nghiêm túc khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác PCCC, nhất là ở những địa bàn, cơ sở trọng điểm (khu, cụm công nghiệp; nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh, nhà trọ, chợ, trung tâm thương mại, địa bàn rừng có nguy cơ cháy cao, các công trình, cơ sở vi phạm về trật tự xây dựng, an toàn điện, không bảo đảm an toàn PCCC đang hoạt động, kinh doanh,...), bảo đảm vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, vừa bảo đảm an toàn về PCCC&CNCH.
Kiện toàn, củng cố về nhân lực, cơ sở vật chất cho các lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành, bảo đảm hoạt động hiệu quả, thực chất. Xây dựng cơ chế phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa lực lượng Công an, Quân đội và các lực lượng khác trong thực hiện nhiệm vụ PCCC&CNCH.