Bắc Kạn: Cao Sơn mùa thiếu nước, người dân ngóng mưa từng ngày

Minh Trang|06/12/2023 15:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nguồn nước ít, thiếu công trình thủy lợi, những cánh đồng ở xã Cao Sơn (huyện Bạch Thông, Bắc Kạn) nứt nẻ, bà con ngóng nước mưa từng ngày.

Từ trung tâm huyện Bạch Thông, vượt qua khoảng 30km đường đèo, xã Cao Sơn hiện lên như vùng đất bán hoang mạc. Dọc tuyến đường qua trung tâm xã, ruộng đồng nứt nẻ, xa xa lác đác một vài nông dân đang làm đất.

Một năm có vài tháng mùa khô, anh Bàn Hữu Phú (thôn Thôm Phụ) đã quen với cảnh thiếu nước triền miên.

Vừa rồi tích cóp mãi mới mua được vài trăm mét vòi dẫn nước về sinh hoạt, còn nước sản xuất chỉ chờ trời mưa. Nhà có gần 1.000m2 ruộng, nhưng chỉ trồng lúa được một vụ, còn một vụ trồng ngô. Năm nào cũng vậy, từ chuyện thiếu nước sản xuất rồi đến thiếu ăn, cuộc sống quẩn quanh đói nghèo.

Năm vừa rồi, thiếu đất sản xuất, cuộc sống khó khăn, người con trai đã đi làm công ty dưới miền xuô.

thieu-nuoc.jpg
Những cánh đồng khô khốc ở xã Cao Sơn (Bạch Thông). Ảnh: Ngọc Tú

Anh Phú nhẩm tính, với gần 1.000m2 ruộng, thường xuyên thiếu nước, một vụ chỉ thu được 10 bao thóc, với 3 nhân khẩu, chắc chỉ đủ ăn nửa năm. Không có vụ ngô hỗ trợ, chuyện ra chợ mua gạo, hay sang nhà anh em vay mượn khó tránh khỏi.

Đã gần tháng nay, lâu lâu mới có cơn mưa nhỏ, nước mưa chưa đủ thấm đất, khó mà sản xuất được gì, anh Phú thở dài.

Sống ở xã Cao Sơn từ nhỏ, bà Bàn Thị Hàm năm nào cũng chứng kiến cảnh bà con tấp nập đi canh nước (đắp nước từ khe vào ruộng). Đến vụ làm đất trồng lúa, khe nước dọc cánh đồng thôn Thôm Phụ nhộn nhịp ngày cũng như đêm. Ngày chưa đủ, tối tiếp tục mang đuốc, đèn pin đi canh nước, ruộng phía trên lấy nước xong mình phải lấy ngay không thì không có nước.

Bà Hàm kể chuyện, nhiều lúc mình đến lấy nước vào ruộng rồi về, mình vừa về người khác họ lại tháo đi lấy nước vào ruộng của họ. Chuyện đi canh nước không khác gì đi trực chiến.

“Nhà chỉ có hơn 1 bung (1.000m2) ruộng, cả cánh đồng của thôn chỉ có một khe nước nhỏ, mùa khô cạn, đợi mùa mưa mới có nước. Mấy năm gần đây gia đình phải tận dụng diện tích đất soi bãi ven chân núi để trồng cây dong riềng, chứ chờ vào ruộng lúa không đủ ăn”, bà Hàm cho biết.

Xã Cao Sơn có diện tích tự nhiên hơn 6.357ha, toàn xã có 223 hộ, dân số hơn 900 người. Năm 2022, toàn xã còn 56 hộ nghèo, 43 hộ cận nghèo. Năm 2023, sau khi rà soát sơ bộ, số hộ nghèo còn 42 hộ, cận nghèo 39 hộ.

Cả xã chỉ có suối Nà Cáy có nước quanh năm, nhưng vào mùa khô lưu lượng nước ít, một số khe suối nhỏ chỉ có nước vào mùa mưa. Toàn xã có hơn 61ha đất sản xuất nông nghiệp thì chỉ có hơn 3ha ở thôn Nà Cáy chủ động nước, còn lại chờ nước mưa. Sau khi thu hoạch vụ mùa, gần như toàn bộ đất nông nghiệp bỏ hoang, không thể sản xuất.

Ngoài đất sản xuất nông nghiệp ít thì đất lâm nghiệp của xã không nhiều, chủ yếu là đất rừng phòng hộ, rừng thuộc vùng đệm khu rừng đặc dụng. Xã Cao Sơn có 3 thôn thuộc vùng lõi, 2 thôn vùng đệm Khu Dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ. Đa số đất lâm nghiệp thuộc khu vực này không thể trồng rừng nên người dân thiếu sinh kế phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Bà Đặng Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho biết, nguồn nước mặt trên địa bàn xã rất ít, xã cũng chưa có công trình hồ đập lớn chứa nước nên đất canh tác chủ yếu phụ thuộc nước mưa. Một số thôn có làm phai, đập tạm nhưng về mùa khô không có nước. Do điều kiện tự nhiên bất lợi, đến nay Cao Sơn vẫn là xã khó khăn nhất của huyện Bạch Thông.

Ngoài việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tình trạng hạn hán, thiếu nước, xã cũng mong muốn được đầu tư công trình thủy lợi để tích nước vào mùa khô. Nếu có công trình thủy lợi quy mô phù hợp có thể vừa cung cấp nước cho sản xuất vừa có nước sinh hoạt cho người dân.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắc Kạn: Cao Sơn mùa thiếu nước, người dân ngóng mưa từng ngày