Giải toả cơn khát nước sạch (Bài 1): Một nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống

Tuấn Phong|27/09/2023 20:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nước là nguồn tài nguyên quý giá có vai trò vô cùng quan trọng đối với con người hay bất kì sinh vật sống nào trên trái đất. Nước vừa là môi trường cũng chính là nguồn sống, một nhu cầu thiết yếu.

Vai trò của nước sạch

Nước sạch đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe và cuộc sống của con người. Nước sạch giúp cho con người duy trì cuộc sống hàng ngày bởi con người sử dụng nước sạch để cung cấp cho các nhu cầu ăn uống, hoặc sử dụng cho các hoạt động sinh hoạt như tắm rửa, giặt giũ, rửa rau, vo gạo... Để thỏa mãn các nhu cầu vệ sinh cá nhân và sinh hoạt, mỗi người cần tới khoảng 120 lít nước/ngày. Nước sạch không chỉ không màu, không mùi, không vị mà còn phải an toàn đối với sức khỏe của người sử dụng. Nếu sử dụng nước không sạch thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, vì nước là môi trường trung gian chuyển tải các chất hóa học và các loại vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng gây bệnh mà mắt thường không nhìn thấy được.

Các hóa chất thường gặp trong nước như sắt, chì, mangan, asen, thủy ngân, nitrit, nitrat, amoni, hóa chất bảo vệ thực vật, các sản phẩm dầu, mỡ và các hóa chất dùng trong công nghiệp… Nếu hàm lượng của các chất này trong nước vượt quá tiêu chuẩn cho phép sẽ gây hại đối với sức khỏe như ngộ độc kim loại nặng (asen, thủy ngân, chì, hóa chất bảo vệ thực vật). Nếu hàm lượng hóa chất thấp hơn, có thể chưa ảnh hưởng ngay đến sức khỏe, nhưng các hóa chất có khả năng tích tụ trong các mô của cơ thể, về lâu dài có thể gây nên các bệnh nhiễm độc mãn tính hoặc ung thư.

nuoc-sach.png
Nước là nguồn tài nguyên hữu hạn và quý hiếm

Việc sử dụng nước bị nhiễm bẩn các yếu tố vi sinh vật cũng là nguyên nhân gây nên các bệnh hoặc các vụ dịch đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn. Nước cũng như thực phẩm rất dễ bị nhiễm các loại vi khuẩn E. Coli, Salmonella gây bệnh tiêu chảy, phẩy khuẩn tả gây bệnh tả… Nhiều người dùng chung một nguồn nước bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh có thể gây bùng phát các vụ dịch trong cộng đồng và nếu phân hoặc chất thải của những người này không được quản lý tốt, gây ô nhiễm môi trường thì dịch bệnh lại càng có nguy cơ lan rộng hơn. Ở Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện mỗi năm, có khoảng 9.000 người tử vong do nguồn nước và vệ sinh kém, gần 250.000 người nhập viện vì bị tiêu chảy cấp bởi nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, khoảng 200.000 người mắc bệnh ung thư mỗi năm mà một trong những nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước.

Một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam, đã đưa ra cảnh báo, hiện có khoảng 44% trẻ em bị nhiễm giun và 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng mà nguyên nhân chính là do thiếu nước sạch và kém vệ sinh. Bên cạnh đó, có khoảng 21% dân số đang sử dụng nguồn nước bị nhiễm Asen. Điều rất đáng lo ngại là, trên thực tế vẫn còn một bộ phận dân cư bất chấp những con số báo động đỏ này.

Hơn nữa, theo một báo cáo gần đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra rằng vẫn có đến 30% dân số chưa nhận thức được tầm quan trọng của sử dụng nước an toàn, 80% các bệnh truyền nhiễm ở nước ta liên quan đến nguồn nước. Vì những lý do đó, WHO xếp Việt Nam vào số những nước có tình trạng an ninh nguồn nước đáng báo động, nhất là ở khu vực nông thôn.

nuoc-sach.jpg
Nước sạch đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người và các sinh vật

Nước sạch là nguồn tài nguyên quý hiếm

Theo như dự đoán của những nhà phân tích thì trong tương lai nước sạch sẽ là một nguồn tài nguyên vô cùng quý hiếm, không khác gì dầu mỏ ở những thập kỷ trước nhưng nước có tầm quan trọng hơn rất nhiều. Vì dầu mỏ còn có thể được thay thế bằng khí đốt và những nguồn nhiên liệu khác. Còn nước thì không. Trong những tháng mùa hè nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng nước sạch tăng cao. Câu chuyện về bảo đảm nhu cầu nước sạch cho người dân lại càng được đặt ra cấp thiết hơn. Ngoài nhiệm vụ của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ, khai thác nguồn nước, lên phương án phân bổ, điều tiết nhằm bảo đảm nguồn cung nước, hoàn thiện thị trường dịch vụ nước sạch và thu hút đầu tư tư nhân để mở rộng nguồn cung nước sạch, đảm bảo được quyền tiếp cận nước sạch cho người dân… để giải bài toán “cơn khát” nước sạch còn cần mỗi người sử dụng nước một cách phù hợp tránh lãng phí và có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, tránh làm ô nhiễm nguồn nước.

Cần phân biệt nguồn nước tài nguyên và nguồn nước dùng để ăn uống, sinh hoạt. Nước tài nguyên là nguồn nước sông, suối, ao, hồ, nước ngầm hoặc nước mưa. Còn nước dùng để ăn uống, sinh hoạt là nước phải đảm bảo an toàn đối với sức khỏe của con người, tức là nước sạch. Một số nguồn nước tài nguyên, trong một số trường hợp, có thể sử dụng trực tiếp cho sinh hoạt như nước ngầm sâu, nước mưa, còn lại đa số các nguồn nước cần phải được xử lý mới có thể trở thành nước sạch để sử dụng. Hiện nay, tuy tài nguyên nước bề mặt của nước ta tương đối dồi dào, nhưng đó không phải là nước sạch để dùng cho ăn uống, sinh hoạt vì nước sông, suối, ao hồ đều đang bị ô nhiễm nặng. Kể cả nước ngầm nhiều nơi hiện nay cũng đang trở nên ô nhiễm và thiếu do bị khai thác quá mức. Nước mưa cũng có nguy cơ bị ô nhiễm do một số nguyên nhân như không khí ô nhiễm, việc thu hứng để lấy nước mưa không đảm bảo, ví dụ như dùng mái lợp fibro xi măng để hứng nước mưa.

Hiện nay, nguồn nước bị thất thoát đã giảm đáng kể, nhưng tình trạng sử dụng nước không hợp lý, sử dụng lãng phí nguồn nước ở nhiều nơi, nhiều lúc vẫn xảy ra đang làm cho trữ lượng nước bị giảm mạnh. Ở vùng nông thôn, tình trạng người dân khoan, đóng giếng tùy tiện không đúng kỹ thuật để phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu trong nông nghiệp đã gián tiếp gây ô nhiễm và giảm trữ lượng nước ngầm, ảnh hưởng lớn đến việc khai thác có mục đích như xây dựng các công trình cung cấp nước sạch cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng cao.

Theo thống kê của Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đến hết năm 2022, nước ta có khoảng 92,5% người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, khoảng 54% sử dụng nước đạt quy chuẩn Việt Nam.

Cả nước đã đầu tư xây dựng khoảng 18.000 công trình cấp nước nông thôn tập trung, cấp nước cho khoảng 33 triệu người (52% số dân nông thôn).

Khoảng 30 triệu người dân sử dụng nước sinh hoạt từ công trình cấp nước hộ gia đình (48% dân số nông thôn) với loại hình đa dạng: Giếng khoan (55%); giếng đào (30%); lu, bể chứa nước mưa (8%); thu, trữ và xử lý nước mặt (7%).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải toả cơn khát nước sạch (Bài 1): Một nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống