Những thách thức trong đảm bảo an ninh nguồn nước

Hảo Tâm|01/08/2023 12:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Cùng với quá trình phát triển mạnh mẽ của kinh tế-xã hội, sự gia tăng ngày càng lớn về nhu cầu sử dụng nước cùng với tác động nặng nề của biến đổi khí hậu… đã và đang đặt ra nhiều thách thức trong quản lý, bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên nước quốc gia.

Các quốc gia trên thế giới đang ngày càng coi trọng việc bảo đảm an ninh nguồn nước, vì đây là loại hình an ninh phi truyền thống và tài nguyên nước được xác định là tài nguyên chiến lược thứ hai, sau con người. Ở nước ta, trong những năm gần đây, nguồn tài nguyên nước và bảo đảm an ninh nguồn nước đang đối mặt với nhiều thách thức.

Nền tảng tài nguyên nước của Việt Nam hiện đang đứng trước nhiều rủi ro do quá trình phát triển kinh tế, quá trình đô thị hóa nhanh chóng và công nghiệp hóa, những thay đổi trong sử dụng tài nguyên nước, bao gồm những thay đổi ở các nước láng giềng ở thượng nguồn, tất cả đều đặt ra những áp lực đối với nguồn nước, gây nên những căng thẳng về kinh tế, xã hội và môi trường. Cùng với đó, biến đổi khí hậu cũng là một nhân tố quan trọng làm gia tăng rủi ro, đe dọa những thành quả đã đạt được và những công trình đầu tư đã thực hiện.

giai_phap_nuoc_sach_3baa1959554d4c1c9968892d987efaf8.jpg
Trong những năm gần đây, nguồn tài nguyên nước và bảo đảm an ninh nguồn nước ở Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức

Đề cập một số thách thức chính trong ngành nước Việt Nam hiện nay, nhiều lưu vực sông đã ở mức cạn kiệt (đã có tình trạng thiếu nước cục bộ và theo mùa), năng suất sử dụng nước trong nông nghiệp còn thấp, chưa hiệu quả; chất lượng nước ngày càng xấu đi và tải trọng ô nhiễm ngày càng gia tăng; rủi ro liên quan tới nguồn nước ngày càng cao và mức độ chống chịu thấp. Ngoài ra, các thách thức về khung thể chế pháp lý còn chưa đầy đủ, thống nhất; hạ tầng ngành nước ngày càng xuống cấp;…

Trong những năm gần đây, ô nhiễm môi trường nước ở Việt Nam trở thành một vấn đề nghiêm trọng và cấp thiết. Tuy nhiên thực tế cho thấy, việc giải quyết vấn đề này vẫn còn nhiều bất cập.

Tại các vùng nông thôn, do người dân không được phổ biến nhiều về sự nghiêm trọng và cách xử lý nước thải đúng đắn, tình trạng ô nhiễm nước vẫn còn khá phức tạp. Một trong những nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm nước ở Việt Nam chính là việc xả rác xuống sông một cách vô ý thức.

Hàng năm có đến 9.000 ca ghi nhận là tử vong do nhiễm độc nguồn nước. Bên cạnh đó, các biến chứng về bệnh ung thư có liên quan đến việc sử dụng nước không an toàn cũng ngày một tăng. Những hệ quả này khiến cho việc xử lý nước sạch lại càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trong khi đó, rủi ro mất an toàn đập, hồ chứa nước gia tăng do mưa lũ diễn biến cực đoan dưới tác động của biến đổi khí hậu, sự suy giảm rừng đầu nguồn, thảm phủ thực vật trên lưu vực hồ chứa đang có chiều hướng gia tăng.

Với đặc thù là quốc gia đang phát triển chịu tác động rất lớn từ hạn hán, xâm nhập mặn, bão, lũ, ngập lụt có xu thế ngày càng cực đoan, nhất là với khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn sử dụng hơn 80% tổng lượng nước, Việt Nam dễ bị tổn thương trước tác động của thiên tai liên quan đến nước.

Được biết, những tháng mùa khô, các tỉnh ở Nam Trung Bộ có lượng mưa rất thấp; thậm chí có nơi không có mưa. Thống kê cho thấy tổng lượng mưa ở những khu vực này đang thấp hơn trung bình của cả nước từ 20 - 40%; lượng dòng chảy thiếu hụt từ 40 - 70%, một số sông nhỏ đã tắt dòng… Nắng nóng, mưa ít đã xảy ra những đợt hạn hán nghiêm trọng, nhiều hồ chứa nước trong khu vực xấp xỉ ở mực nước chết, có hồ cạn trơ đáy.

Bên cạnh hạn hán, Việt Nam là một trong năm ổ bão của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, mỗi năm phải hứng chịu hơn 10 cơn bão, kèm theo đó là mưa lũ, lụt lội. Mưa lũ gây ngập úng trên diện rộng, làm sạt lở đất kinh hoàng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người và tài sản ở nhiều tỉnh miền Trung.

Không chỉ nguồn nước mặt, gần đây chất lượng nguồn nước ngầm tại một số vùng đang bị suy giảm do nhiễm mặn và ô nhiễm, phổ biến ở các khu vực đồng bằng ven biển Bắc Bộ và Nam Bộ. Hiện tượng ô nhiễm kim loại nặng và amoni trong nước ngầm được ghi nhận ở hầu hết các địa phương có khai thác, sử dụng nước dưới đất lớn. Ô nhiễm các dòng sông do sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu trong nông nghiệp một thời gian dài cũng làm ô nhiễm nguồn nước ngầm ngày càng trầm trọng.

Bên cạnh đó, nguồn nước mặt sản sinh trong lãnh thổ nước ta chỉ chiếm 37% tổng lượng nước mặt của quốc gia. Nguồn nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ chảy vào chiếm tới 63% và nguồn nước ngoại sinh này nằm ngoài khả năng quản lý trực tiếp của chúng ta. Nhiều năm gần đây, các quốc gia đầu nguồn đã tăng cường đầu tư, khai thác nguồn nước cho các mục đích phát triển thủy điện, cấp nước cho sản xuất, dân sinh... Cùng với những tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, điều này cũng trực tiếp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh nguồn nước của nước ta, nhất là tại Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng.

30-1630853582-an-ninh-nguon-nuoc-ha-noi.jpg
Việt Nam phải có những giải pháp cấp bách và hành động cụ thể, để bảo đảm an ninh nguồn nước

Ở nước ta, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các bộ, ngành xây dựng đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hiện tại, nhiều vùng, địa bàn đã không cân đối được nguồn nước cấp cho sinh hoạt và các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Nội hàm của an ninh nguồn nước bao trùm lên nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, do vậy cần phải có sự chung tay của toàn xã hội, phải được giải quyết có trọng tâm, trọng điểm, có giải pháp đồng bộ trước mắt và lâu dài.

Đánh giá về thách thức đối với an ninh nguồn nước ở Việt Nam, có thể thấy sự phụ thuộc lượng nước sản sinh bên ngoài lãnh thổ nước ta với những dẫn chứng trên một số sông lớn. Cụ thể, nguồn nước sản sinh từ các quốc gia thượng nguồn lưu vực sông Mê Kông chiếm 90,1%, sông Hồng chiếm 38,5%, sông Cả chiếm 18,4% và sông Mã chiếm 27,1% tổng lượng nước chảy trên các con sông này.

Tài nguyên nước ở nước ta phân bố không đều theo cả không gian và thời gian. Trong khoảng từ 7 đến 9 tháng mùa khô, dòng chảy trên các hệ thống sông bị suy giảm với tổng lượng nước cả mùa chỉ bằng khoảng 20-30% lượng nước cả năm, trong khi nhu cầu tưới tiêu của bà con nông dân thời gian này rất lớn. Phần lãnh thổ từ phía Bắc đến TP. Hồ Chí Minh chiếm 80% dân số, 90% hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng chỉ có gần 40% lượng nước của cả nước. 60% lượng nước còn lại tập trung ở vùng ĐBSCL.

Trước những thách thức nêu trên, đòi hỏi Việt Nam phải có những giải pháp cấp bách và hành động cụ thể, để bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trên cơ sở tôn trọng quy luật tự nhiên, thích ứng biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, lấy tài nguyên nước là cốt lõi, kết hợp hài hòa giải pháp công trình và phi công trình, trong đó kết cấu hạ tầng về nước giữ vai trò quan trọng đặc biệt; gắn liền với cơ cấu lại nền kinh tế, kết hợp hài hòa lợi ích, bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm công bằng, hợp lý.

Song song đó, đẩy mạnh ngoại giao về nước với các quốc gia có chung nguồn nước với Việt Nam và các đối tác quốc tế khác thông qua đổi mới sáng tạo, sáng kiến trong cách tiếp cận quản lý, sử dụng và khai thác bền vững nguồn nước xuyên biên giới. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ mới, thực hiện chuyển đổi số để chủ động ứng phó thiên tai liên quan đến nước và thích ứng biến đổi khí hậu nhằm bảo đảm và đáp ứng các yêu cầu về nước cho con người, cho phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững; xây dựng tầm nhìn, kịch bản phát triển, giải quyết các tác động cực đoan liên quan đến nước.

Bài liên quan
  • Lào Cai: Tạm dừng cấp nước một số khu vực do nước suối quá đục
    Công ty Cổ phần cấp nước tỉnh Lào Cai vừa thông báo dừng cấp nước sinh hoạt cho phường Kim Tân và toàn bộ các phường phía nam thành phố Lào Cai do mưa lũ làm nguồn nước suối Ngòi Đum đục ngầu.Công ty Cổ phần cấp nước tỉnh Lào Cai vừa thông báo dừng cấp nước sinh hoạt cho phường Kim Tân và toàn bộ các phường phía nam thành phố Lào Cai do mưa lũ làm nguồn nước suối Ngòi Đum đục ngầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những thách thức trong đảm bảo an ninh nguồn nước