Nâng cao chất lượng nước sạch các đô thị
Đến nay, cả nước có gần 100 doanh nghiệp cấp nước, quản lý trên 500 hệ thống cấp nước lớn, nhỏ tại các đô thị toàn quốc với tổng công suất cấp nước đạt 7 triệu m³/ngày, đêm tăng trên 800.000 m³/ngày, đêm so với năm 2011; tỷ lệ dân cư thành thị được cung cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 80%, tăng 4% so với năm 2011; tỷ lệ thất thoát, thất thu bình quân khoảng 25,5% giảm 4,5% so với năm 2010 (30%); mức sử dụng nước sinh hoạt bình quân đạt 105 lít/người/ngày, đêm.
Để đảm bảo chất lượng nước, Bộ Xây dựng đã đưa việc thực hiện cấp nước an toàn vào quy định pháp luật và hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện tại các đô thị toàn quốc. Với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sự phối hợp của các Bộ ngành liên quan, việc thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn tại các địa phương đã đạt được những thành công bước đầu. Đối với nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung có quy mô lớn tại đô thị, các đơn vị cấp nước đã quản lý, giám sát chặt chẽ chất lượng nước cấp và cơ bản đảm bảo yêu cầu quy định.
Tuy nhiên, việc cấp nước vẫn còn gặp những khó khăn, thách thức do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, cộng với sự gia tăng dân số, nên việc đầu tư phát triển cấp nước chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu, phạm vi bao phủ dịch vụ cấp nước còn thấp “(chỉ có khoảng 80% dân số thành thị được cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung), chất lượng dịch vụ cấp nước cũng chưa ổn định.
Tuy nhiên, nguồn nước đã và đang bị suy thoái cả về chất lượng và trữ lượng. Nguồn nước mặt bị ô nhiễm do chất thải, nước thải sinh hoạt và sản xuất; ngoài ra còn chịu tác động biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn đặc biệt trong mùa khô, nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền hàng chục km, khu vực chịu ảnh hưởng mạnh là vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng duyên hải miền Trung. Nguồn nước ngầm khai thác quá mức cho phép dẫn đễn ô nhiễm nguồn nước một số nơi.
Chất lượng nước của một số trạm cấp nước quy mô nhỏ tại khu đô thị mới, khu chung cư hay tại giếng khoan khai thác quy mô nhỏ lẻ còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu quy định như: Chỉ số clo dư thấp, ô nhiễm asen, amoni, chỉ tiêu vi sinh và một số chỉ tiêu khác. Mạng lưới đường ống cấp nước đô thị trải qua nhiều giai đoạn đầu tư đã cũ, rò rỉ, gây tỷ lệ thất thoát nước cao, thậm chí có thể có sự xâm nhập của chất thải.
Chất lượng nước cấp của các nhà máy nước tuân thủ theo QCVN 01:2009/BYT với tổng số 109 chỉ tiêu phải xét nghiệm. Ngoài TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh/thành phố khác chưa có phòng thí nghiệm và đủ các trang thiết bị để xét nghiệm 109 chỉ tiêu. Hơn nữa, việc tuân thủ đầy đủ Quy chuẩn này đòi hỏi một nguồn kinh phí lớn để đầu tư trang thiết bị và có thể gây biến động về giá nước do tăng chi phí xét nghiệm.
Giá nước sạch tại các đô thị được ban hành theo hướng tiệm cận, với nguyên tắc tính đúng, tính đủ, nhưng nhìn chung còn thấp so với yêu cầu đặt ra. Giá bán nước sạch chưa bao gồm đầy đủ các chi phí đầu tư đảm bảo cấp nước an toàn, giảm thất thoát nước, khấu hao một số hạng mục đầu tư công trình; lợi nhuận doanh nghiệp thấp; việc điều chỉnh giá nước chưa phù hợp với sự biến động giá của thị trường. Nhìn chung, giá tiêu thụ nước sạch chưa thực sự khuyến khích được doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư phát triển cấp nước.
Hoàn thiện cơ chế chính sách. Rà soát, đánh giá việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến lĩnh vực cấp nước. Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quản lý cấp nước tại các khu đô thị mới, khu chung cư; trách nhiệm của đơn vị cấp nước bán buôn và bán lẻ; hợp tác công tư lĩnh vực cấp nước; trách nhiệm và xử lý vi phạm của các bên liên quan trong hợp đồng dịch vụ cấp nước. Nghiên cứu xây dựng Luật Cấp, thoát nước nhằm nâng cao tính pháp lý lĩnh vực cấp nước và đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch cho nhu cầu thiết yếu của con người và sự phát triển kinh tế - xã hội.
Các chương trình, chính sách giúp người dân nông thôn tiếp cận nguồn nước sạch
Những năm qua, Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã góp phần thay đổi diện mạo các làng quê. Việc cung cấp các dịch vụ cơ bản có nhiều thay đổi. Ðặc biệt, tiêu chí về nước sạch và vệ sinh môi trường đã nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm sức khỏe nhân dân. Tính đến năm 2020, khoảng 88,5% người dân nông thôn được tiếp cận tới nguồn nước hợp vệ sinh, so với năm 2000, tỷ lệ này mới đạt 32%.
Ðể nâng cao hơn nữa chất lượng sống của người dân vùng nông thôn, giải quyết triệt để những bệnh lý thông thường do sử dụng nguồn nước chưa đạt chuẩn, ngày 8/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 318/QÐ-TTg về Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, trong đó nhấn mạnh và nâng chỉ tiêu tỷ lệ người dân nông thôn được dùng nước sạch đạt quy chuẩn. Theo đó, khu vực Bắc Trung Bộ, tỷ lệ dân được dùng nước sạch ở các xã vùng III tối thiểu là 35% (trong đó 15% cung cấp bởi hệ thống cấp nước tập trung), các xã không thuộc vùng III tương ứng là 45% và 20%...
Trước đó, ngày 24/11/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1978/QÐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, đề ra mục tiêu đến năm 2030, 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn; đến năm 2045, 100% số dân được dùng nước sạch đạt quy chuẩn, bền vững.
Tuy nhiên, với bộ tiêu chí mới, nhiều vùng nông thôn (kể cả các xã đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới) sẽ không đạt; những xã đang phấn đấu về đích nông thôn mới lại càng khó khăn để đạt chuẩn.
Thí điểm cây ATM cung cấp nước uống trực tiếp cho cụm dân cư, trường học: Nhân rộng áp dụng mô hình thu, xử lý và trữ nước an toàn hộ gia đình; thí điểm áp dụng kiốt, cây ATM cung cấp nước uống trực tiếp cho cụm dân cư, trường học trong trường hợp khẩn cấp do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh.
Khai mở nguồn nước sạch cho đồng bào dân tộc thiểu số
Giải quyết nước sinh hoạt cho vùng núi đá nói chung và vùng hải đảo xa xôi là vấn đề mà Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm trong suốt thời gian qua. Từ nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn qua 3 giai đoạn, từ năm 1998 đến năm 2015, Chương trình MTQG Xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, Chương trình 134, Chương trình 135, Chương trình 30a… và sự đóng góp của các tổ chức quốc tế, lĩnh vực nước sạch nông thôn đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể.
Một trong những dấu ấn của công cuộc khai phá nguồn nước phải kể đến việc Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình điều tra cơ bản tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước. Hiện nay, Chương trình này đã được triển khai trên địa bàn 41 tỉnh, với 325 vùng được điều tra đánh giá. Trong đó, khu vực Bắc Bộ có 147 vùng được đánh giá tại 15 tỉnh; khu vực Bắc Trung Bộ có 32 vùng được điều tra, đánh giá tại 5 tỉnh; Nam Trung Bộ có 48 vùng được điều tra, đánh giá ở 7 tỉnh; 4 tỉnh khu vực miền Tây có 55 vùng được đánh giá, trong đó, đã có những điều tra liên quan đến các vùng hải đảo để phục vụ nước cho quân đội cũng như những người dân sinh sống ở đây.
Ngoài ra, thiết lập hệ thống kiểm soát, quan trắc, dự báo, cảnh báo chất lượng, trữ lượng nguồn nước; Thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu theo dõi, giám sát, đánh giá chất lượng nước và hoạt động cấp nước an toàn từ Trung ương đến địa phương.
Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ về xử lý nước, nâng cao chất lượng nước; Khuyến khích ứng dụng các công nghệ cấp, xử lý nước thân thiện với môi trường như sử dụng năng lượng mặt trời, gió đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; Thúc đẩy chuyển giao công nghệ xử lý nước hộ gia đình, xây dựng mô hình thu, xử lý, trữ nước an toàn hộ gia đình sử dụng vật liệu địa phương, phù hợp đặc điểm vùng miền...
Nâng cao năng lực, khả năng chống chịu với môi trường, ứng phó thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu của các hệ thống công trình cấp nước đảm bảo vận hành hiệu quả, bền vững.
Ngoài ra, chú trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp chính quyền, đoàn thể, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư trong lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn.
Sửa khung giá nước sạch, đảm bảo quyền lợi người dân
Mức giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt thấp. Tại nhiều địa phương, mức giá này thường ít được điều chỉnh. Thậm chí, có những địa phương như Hà Nội không điều chỉnh giá nước trong gần 10 năm qua.
Tại tọa đàm "Dịch vụ cung cấp nước sạch tại Việt Nam: Thị trường và các vấn đề chính sách", ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng IPS cho biết, hiện giá nước sạch được điều tiết bởi Nhà nước. Cụ thể, Bộ Tài chính quy định khung giá, phương thức tính giá, lợi nhuận định mức trên cả nước, UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt giá nước sạch tại địa phương mình nhưng không vượt quá khung giá do Bộ Tài chính quy định.
Như vậy, giá nước ở các địa phương có sự khác nhau do các yếu tố cấu thành giá bán nước sạch như chi phí vật tư, nhân công, sản xuất chung, quản lý doanh nghiệp... không giống nhau.
Trên thực tế, hiện nay, phần lớn doanh nghiệp trong ngành nước cho rằng, mức giá bán lẻ nước, đặc biệt là nước sinh hoạt thấp, thêm vào đó, tại nhiều địa phương, mức giá này thường ít được điều chỉnh. Thậm chí, có những địa phương như Hà Nội không điều chỉnh giá nước trong gần 10 năm qua.
“Đang có một nghịch lý, nếu không điều chỉnh giá nước, doanh nghiệp không đủ chi phí, nhưng nếu giá quá cao thì người dân không tiếp cận được nguồn nước sạch”, ông Nguyễn Quang Đồng đặt vấn đề và cho rằng, hiện nay vai trò điều tiết, quản lý nhà nước cũng bị phân mảnh, việc quá nhiều đầu mối khiến việc lập dự toán đầu tư mới của các doanh nghiệp trong ngành cũng gặp khó khăn.
Ông Đồng cho rằng, trong tiến trình hướng đến mục tiêu mọi người đều bình đẳng trong tiếp cận nước sạch, Việt Nam đã tiến hành xã hội hóa, kêu gọi tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công thiết yếu này cho xã hội.
Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, dù chủ thể thực hiện cung cấp dịch vụ công là Nhà nước, tư nhân hay các thiết kế xã hội dân sự, thì trách nhiệm đảm bảo cung cấp thực hiện dịch vụ là của Nhà nước và 3 nguyên tắc phải tuân thủ để thiết kế thị trường này là: Tính liên tục; quyền tiếp cận bình đẳng của mọi người dân và giá cả phù hợp.
Điều này có nghĩa nếu chưa có nước sạch thì Nhà nước phải đảm bảo cho người dân có nước với giá cả phải chăng và không để xảy ra tình trạng mất nước trong quá trình sử dụng dịch vụ.
Tuy nhiên, soi chiếu với các nguyên tắc trên, cả về khả năng tiếp cận lẫn tính bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ nước sạch đều chưa đạt được mục tiêu mong muốn. “Điều đó một phần do tiến trình xã hội hóa, xây dựng thị trường dịch vụ công nước sạch còn nhiều bất cập chồng chéo, chưa thực sự hợp lý, hiệu quả”, Ông Dũng nói.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, hiện người dân thành thị sử dụng nước sạch lên đến khoảng 92%, người dân nông thôn có nước hợp vệ sinh vào khoảng 80%, còn đối với nguồn nước sạch con số này chỉ đạt khoảng 51%.
Như vậy, nguy cơ người dân “lỡ hẹn” với mục tiêu năm 2025 về tiếp cận nước sạch là hiện hữu, nhất là vấn đề nước sạch nông thôn. Ngoài ra, các vấn đề sử dụng nước lãng phí hay nguy cơ ô nhiễm trầm trọng; cơ chế giá cũng đang có nhiều bất cập trong khi chưa xây dựng được lộ trình tăng giá nước; khoa học công nghệ đầu tư của ngành nước cũng đang lạc hậu so với thế giới đặt ra những thách thức cho ngành này.
Ông Nguyễn Quang Đồng nhận định, tiến trình xã hội hóa dịch vụ công nước sạch đã không đi kèm với việc xây dựng một cấu trúc thị trường cung cấp dịch vụ nước sạch hợp lý. Ông cho biết doanh nghiệp tư nhân gặp rủi ro cao khi tham gia thị trường, ví dụ như giá, khối lượng nước được mua dưới công suất.
Doanh nghiệp nhà nước cũng khó khăn khi giá nước thấp, không đủ khả năng mở rộng diện tích cấp nước. Tình trạng "tranh tối, tranh sáng" khiến thị trường khó phát triển, tạo ra rủi ro các nhóm trục lợi chính sách cạnh tranh không lành mạnh.
Từ đó, ông Đồng đặt ra những vấn đề lớn về chính sách cần giải quyết bao gồm: Nhà nước chịu trách nhiệm chính trong cung cấp dịch vụ nước sạch như thế nào? Cấu trúc thị trường phân định tư nhân tham gia khâu nào? Cơ chế thu hút hợp tác công tư cho đầu tư từ tư nhân đối với mạng lưới cấp nước/thoát nước thải sinh hoạt là gì? Ngoài ra là các vấn đề về cơ chế giá và lợi nhuận cho ngành, vấn đề quy hoạch và điều phối liên vùng, cơ quan điều tiết thị trường.
Bên cạnh đó, ông Đồng khuyến nghị cần có đánh giá toàn diện và thiết kế một hệ thống chính sách tổng thể để hoàn chỉnh thị trường kinh doanh nước sạch. Tiến trình này nên gắn liền với việc xây dựng Luật về cấp nước và xử lý nước mà Chính phủ đã yêu cầu và Bộ Xây dựng đang triển khai.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng thị trường dịch vụ nước sạch còn nhiều vấn đề chưa hoàn chỉnh, từ khâu tổ chức đến khâu điều tiết, vận hành thị trường.
Ông Cung đề xuất nên có một luật riêng cho thị trường nước, điều chỉnh không chỉ vấn đề cấp nước mà cả vấn đề xử lý nước sinh hoạt. "Tương tự như ngành điện có Luật Điện lực, cần có một văn bản ở cấp độ luật để tạo lập khuôn khổ thống nhất, minh bạch cho thị trường nước sạch", TS. Nguyễn Đình Cung khuyến nghị.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân nêu quan điểm, để tư nhân tham gia hiệu quả thị trường này, các khuôn khổ, quy định cho thị trường cần được hoàn thiện thêm. Một văn bản luật như khuyến nghị của ông Nguyễn Đình Cung là cần thiết và Chính phủ nên sớm đề xuất để Quốc hội xem xét.