Bắc Kạn sáng tạo các mô hình tự quản bảo vệ môi trường

Lưu Trang|11/03/2024 13:34
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Từ việc nắm bắt thế mạnh đến phát huy vai trò của các tôn giáo trên địa bàn mà nhiều năm qua công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu ở Bắc Kạn đã có chuyển biến tích cực. Nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường cũng từ đó được nâng cao.

Những năm qua, MTTQ tỉnh Bắc Kạn đã tập trung xây dựng các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư. Qua thực tiễn, những mô hình này đã góp phần nâng cao nhận thức và huy động được sự tham gia tích cực của người dân trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT).

11-bcan.jpg
Người dân xã Khang Ninh, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn tham gia vệ sinh môi trường quanh khu dân cư

Năm 2016, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã ký kết Chương trình phối hợp “Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu”. Trên cơ sở Chương trình phối hợp, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp với ngành Tài nguyên và Môi trường cùng cấp và các tổ chức tôn giáo trên địa bàn triển khai, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của mỗi người dân, từng gia đình, cộng đồng dân cư, các tổ chức tôn giáo, các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh nắm vững và thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý và BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đến nay nhiều mô hình hiệu quả đã được xây dựng, duy trì và nhân rộng như mô hình “Cộng đồng dân cư và tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu” tại thôn Công Tum, xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới và tại Đền Mẫu, phường Phùng Chí Kiên, TP Bắc Kạn, mô hình “Đồng bào tôn giáo BVMT” tại thôn Khuổi Hao, xã Cao Thượng và thôn Nặm Dài, xã Nam Mẫu (huyện Ba Bể).

Tại các địa phương, MTTQ thường xuyên phối hợp với các tổ chức tôn giáo vận động tín đồ, người dân thực hiện tốt công tác BVMT, tuyên truyền tới các hộ gia đình chủ động phân loại rác, không thả rông gia súc, tổ chức thu gom, xử lý chất thải, nước thải trong sinh hoạt, chăn nuôi, thay đổi các thói quen sinh hoạt ảnh hưởng đến môi trường. Hàng tháng người dân trong các khu dân cư đều cùng nhau vệ sinh làm sạch đường làng ngõ xóm để góp phần giữ gìn cảnh quan môi trường sống.

Bên cạnh mô hình “Cộng đồng dân cư và tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu”, nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả như mô hình “Khu dân cư hài hòa xóa đói giảm nghèo và BVMT”, “Khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp”, khu dân cư “3 không”, “Khu dân cư xây dựng nông thôn mới” cũng được Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Kạn triển khai xây dựng, nhân rộng tại nhiều địa phương để góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Bà Đỗ Thị Minh Hoa - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Kạn cho biết, qua triển khai thực hiện, các mô hình tự quản đã mang lại những hiệu ứng tích cực, góp phần làm thay đổi hành vi, nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân trong công tác BVMT. Hơn 10 năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Kạn đã triển khai và xây dựng được gần 20 khu dân cư làm điểm mô hình xây dựng khu dân cư BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, MTTQ các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên triển khai xây dựng được trên 130 mô hình tự quản BVMT, mô hình điểm thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn ở cộng đồng dân cư.

Từ những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Kạn tiếp tục chỉ đạo MTTQ các huyện, thành, thị duy trì và nhân rộng các mô hình hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trương. Thông qua việc xây dựng các mô hình tự quản, Mặt trận tiếp tục gắn kết, huy động sự tham gia đóng góp của người dân vào quá trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh của địa phương.

Bài liên quan
  • [VIDEO] Gìn giữ môi trường ở chốn thiêng
    Theo ước tính, mỗi năm người Việt đốt gần 60.000 tấn vàng mã, tương ứng với đó là gần 5.800 tỷ đồng hóa thành tro bụi. Điều này không chỉ lãng phí mà còn gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn trong phòng cháy chữa cháy. Đáng nói, phong tục đốt vàng mã cũng không có trong văn hóa Phật giáo, bởi vậy mà nhiều nhà chùa đã nói không với việc đốt vàng mã.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bắc Kạn sáng tạo các mô hình tự quản bảo vệ môi trường
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.