Bắc Ninh: Cần tập trung kiểm soát các điểm nóng về dịch để bảo vệ được sản xuất

Viên Minh|03/06/2021 03:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ngày 2/6, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cùng Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Khẩn trương vào cuộc, từng bước khống chế, đẩy lùi dịch

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cho biết, Bắc Ninh có 12 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động. Vai trò của KCN có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh. Khó khăn trong phòng chống dịch tại KCN của Bắc Ninh là có nhiều doanh nghiệp sản xuất điện tử, không gian hẹp, kín. “Đây là những yếu tố để dịch bệnh dễ bùng phát và lan rộng nếu không có các giải pháp kịp thời”, bà Giang nói.

Tại Bắc Ninh hiện có150 điểm dịch. Với sự hỗ trợ của Bộ Y tế và các địa phương trong cả nước, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của Bắc Ninh đánh giá, tình hình dịch cơ bản trong tầm kiểm soát. Số ca mắc COVID-19 trong những ngày qua là do tỉnh chủ động lấy mẫu xét nghiệm diện rộng các huyện, xã, thôn, khu phố có nguy cơ cao và tử các điểm dịch. Những ca lây nhiễm mới cơ bản là các trường hợp F1 đã được cách ly tập trung.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp với tỉnh Bắc Ninh về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn

Tuy nhiên, tỉnh Bắc Ninh không chủ quan vì nguy cơ dịch bùng phát vẫn còn rất cao, do các điểm dịch nằm rải rác trong cộng đồng và tại doanh nghiệp. Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh nhận xét về tình hình dịch của địa phương: Trên địa bàn có nhiều điểm dịch quy mô rộng ở nhiều thôn, xóm trên địa bàn. Có những điểm dịch 10 người và có những điểm dịch lên đến 99 người mắc.

Thực hiện chiến lược tiêm vaccine của Bộ trưởng Y tế, đến thời điểm này Bắc Ninh đã tiêm được cho hơn 35.000 công nhân và đang tiếp tục đẩy mạnh sớm hoàn thành số lượng vaccine được Bộ Y tế phân bổ đúng tiến độ.

Từ ngày 2/6, 504 doanh nghiệp trong các KCN của tỉnh Bắc Ninh đã trở lại sản xuất. Để chuẩn bị cho doanh nghiệp hoạt động lại, từ những ngày trước đó, Đoàn công tác của Bộ Y tế tại Bắc Ninh đã làm việc liên tục với các sở, ban, ngành của địa phương và trực tiếp đào tạo cho cán bộ của Ban Quản lý các KCN về kiểm tra, hướng dẫn doanh nghiệp, người lao động an toàn trước khi đi làm trở lại.

Cách làm mới sáng tạo của tỉnh Bắc Ninh để doanh nghiệp hoạt động trở lại là công nhân đi làm và ở lại ngay trong cơ sở. Các doanh nghiệp đã chủ động bố trí nơi ăn, nghỉ cho công nhân tại các nhà xưởng, khu đất trống để người lao động có sức khỏe, yên tâm làm việc.

Bà Nguyễn Hương Giang cho biết, doanh nghiệp trong KCN tổ chức lại sản xuất, phương án phân luồng người lao động trong các phân xưởng sản xuất, đưa đón công nhân, khu nhà ăn và khu ký túc xá theo nguyên tắc là những công nhân cùng phân xưởng thì bố trí cùng phòng, khu ký túc xá, để giảm tối đa việc lây lan khi có ca lây nhiễm.

Nhận xét về cách làm này của tỉnh Bắc Ninh, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành biểu dương và đề nghị Bắc Ninh sớm đúc rút kinh nghiệm để các địa phương khác cùng học tập.

‘Dịch Covid-19 ở Bắc Ninh đang dần chuyển về khu công nghiệp’

Nhận định về tình hình dịch của Bắc Ninh hiện nay, Thứ trưởng Bộ Y tế nói: “Bắc Ninh vẫn là tỉnh nguy cơ cao, nhưng không vì thế chúng ta hoang mang. Số ca mắc COVID-19 đã có ở 8 huyện. Một bộ phận người dân vẫn chủ quan, lơ là trong chống dịch”.

“Qua theo dõi, các ca mắc Covid-19 của tỉnh Bắc Ninh đã xuất hiện ở cả cộng đồng và doanh nghiệp. Tỷ lệ ca mắc trong cộng đồng hiện là 76,5%. Trong khi đó, liên quan doanh nghiệp, tỷ lệ là 23,5%. So sánh với các tỷ lệ trước đó, chúng ta thấy con số đang dần chuyển về doanh nghiệp”, ông Tuyên nhấn mạnh.

Công nhân tại KCN ở Bắc Ninh được thu xếp ở tại trong doanh nghiệp để đảm bảo an toàn phòng chống dịch

Do đó, Thứ trưởng đề nghị tỉnh phải kết hợp chặt chẽ các phương pháp phòng, chống dịch Covid-19 ở cả cộng đồng và doanh nghiệp. Nếu để dịch xâm nhập sâu vào doanh nghiệp hay các khu công nghiệp, tình hình sẽ trở nên rất phức tạp.

Ông Đỗ Xuân Tuyên cho rằng Bắc Ninh là địa phương có nguy cơ cao nếu xét trên Quy định đánh giá mức độ nguy cơ Bộ Y tế vừa ban hành.

Nguyên nhân là Bắc Ninh có tổng cộng 16 khu công nghiệp và 26 cụm công nghiệp với gần 3.000 doanh nghiệp trên địa bàn. Tổng số lao động tại tỉnh là khoảng 400.000 người, trong đó, 75% là người từ tỉnh ngoài. Vấn đề về giao thương, chuyển dịch lao động là rất đáng quan tâm.

Bên cạnh đó, lao động tại Bắc Ninh có một lượng lớn là người dân tộc thiểu số. Ý thức về phòng dịch của nhóm này thường rất hạn chế. “Ngoài ra, việc giáp ranh với Bắc Giang, ý thức người dân còn chủ quan cũng là vấn đề không nhỏ”, Thứ trưởng Bộ Y tế giải thích.

Về năng lực điều trị, Bắc Ninh hiện có 5 bệnh viện dã chiến, tiếp nhận được tổng cộng khoảng 1.500 bệnh nhân. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh – nơi được bố trí điều trị bệnh nhân diễn biến nặng – trước mắt có khoảng 50 giường, mở rộng tối đa có thể lên mức 100-150 giường.

“Tuy nhiên, kịch bản tỉnh đề ra là khoảng 3.000 ca mắc. Bắc Ninh hiện có 732 bệnh nhân sau khi trừ số ca khỏi. Con số này chiếm khoảng 50% giường bệnh tỉnh hiện có. Bởi vậy, Bắc Ninh cần nhanh chóng mở rộng thêm các bệnh viện dã chiến, tránh tình trạng lúng túng”, ông Tuyên khuyến cáo.

Thứ trưởng cũng đề xuất giải pháp đầu tiên với tỉnh là thắt chặt 3 mắt xích quan trọng trong phòng, chống dịch Covid-19 là cộng đồng, doanh nghiệp và khu vực ở giữa, kết nối 2 điểm trên.

Thứ 2, Bắc Ninh cần lưu ý bảo vệ chặt một số “thành trì” gồm: cơ quan lãnh đạo đảng và chính quyền các cấp; bệnh viện; khu tập trung đông người như siêu thị, cơ sở tôn giáo; khu cách ly tập trung; nhóm đối tượng cơ nhỡ, ăn xin, vô gia cư…

Thứ 3, tỉnh cần thay đổi chiến lược tuyên truyền thông qua các thông tin về những đối tượng chống đối, đảm bảo tính răn đe, đồng thời lặp lại các nội dung phòng bệnh liên tục để người dân ghi nhớ.

Cuối cùng, sau 4 ngày làm việc, đoàn công tác thường trực của Bộ Y tế đã thống nhất với tỉnh Bắc Ninh về lịch làm việc hàng tuần, đưa ra các khuyến cáo cụ thể. Trong đó, một số điểm đáng chú ý gồm thay đổi cách thức tổ chức xét nghiệm, xác định khu vực trọng điểm.

“Chúng tôi đã thống nhất với tỉnh Bắc Ninh, trong 8 huyện, thành phố có 4 khu vực cần tập trung là Thuận Thành, TP Bắc Ninh, Quế Võ và Yên Phong. Trong 4 địa phương này, Thuận Thành và TP Bắc Ninh lại là 2 điểm cần tập trung hơn nữa. Do đó, chúng tôi cũng đã đề ra các phương án xử lý 2 ổ dịch này, đặt mục tiêu với quyết tâm cao nhất”, Thứ trưởng Tuyên cho biết thêm.

Nhắc nhở tỉnh Bắc Ninh, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị tỉnh tuyệt đối không chủ quan. Nêu cao tinh thần 4 tại chỗ, bằng mọi biện pháp dập được dịch sớm nhất, ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân.

Bắc Ninh đã chủ động triển khai phòng chống dịch rất tốt. Từng bước kiểm soát được dịch bệnh, có cách làm sáng tạo vừa khống chế dịch vừa đảm bảo sản xuất. Tuy nhiên, nguy cơ vẫn còn rất lớn. Đề nghị tỉnh Bắc Ninh bám sát các vấn đề khuyến nghị của Đoàn công tác Bộ Y tế đang hỗ trợ địa phương“, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhiệm vụ của các cấp các ngành tập trung vào chống dịch. Lo đời sống công nhân, bảo đảm an toàn sản xuất. Thần tốc tiếp tục truy vết, khoanh vùng, cách ly. Song song đó là đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm nhanh, trả kết quả sớm. Tỉnh Bắc Ninh cần tiếp tục thực hiện tốt tiêm phòng vaccine và coi là nhiệm vụ quan trọng.

Chính phủ không để địa phương thiếu tiền cho chống dịch. Tuy nhiên, các địa phương cần chủ động cân đối ngân sách, cho rà soát trên cơ sở nguồn lực. Trong thời gian ngắn tới, Bắc Ninh sớm đẩy lùi dịch, càng sớm càng tốt“, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nói.

Viên Minh

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắc Ninh: Cần tập trung kiểm soát các điểm nóng về dịch để bảo vệ được sản xuất