Bangladesh - quốc gia 170 triệu dân với hàng trăm con sông trải dài - đã chứng kiến tình trạng lũ lụt diễn ra thường xuyên hơn trong những thập kỷ gần đây. Lũ lụt đã khiến đường phố biến thành sông, gây hư hại cầu đường và đập thủy điện. Người dân phải lội qua dòng nước sâu đến đầu gối.
Trước đó, vào ngày 9/7, Giới chức Bangladesh cho biết lũ lụt đã khiến hàng chục nghìn người ở nước này phải sơ tán, nhiều nhà cửa bị cuốn trôi và trường học phải đóng cửa.
Trước tình hình khẩn cấp, Chính phủ đã cho mở hàng trăm cơ sở trú ẩn cho người dân phải sơ tán do nước lũ dâng cao và gửi lương thực, hàng cứu trợ đến các huyện bị ảnh hưởng nặng nề ở khu vực phía Bắc nước này.
Hiện có khoảng 40.000 người hiện đang trú ẩn tại các cơ sở tạm trú của Chính phủ nước này. Hơn 600 đội y tế đã được thành lập để điều trị cho những người bị ảnh hưởng do lũ lụt.
Kamrul Hasan - Thư ký Bộ Quản lý thiên tai Bangladesh - nói: "Hơn 2 triệu người, 17 trong số 64 quận của đất nước đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt".
Cơ quan khí tượng Bangladesh dự báo mưa lớn sẽ tiếp tục trút xuống khu vực miền Trung và miền Nam nước này, nhưng mực nước sông Brahmaputra có thể sẽ rút trong vài ngày tới. Ông Rezwanul Rahman - người đứng đầu Cơ quan quản lý thiên tai của Bangladesh - cho biết cơ quan này đã thực hiện các biện pháp để ứng phó với tình hình.
Cho đến nay, lũ lụt ở Bangladesh đã khiến 8 người tử vong trong tuần qua, hơn 2 triệu người bị ảnh hưởng sau khi mưa lớn khiến các con sông lớn vỡ bờ.
Biến đổi khí hậu đã khiến lượng mưa thất thường hơn và làm tan chảy các dòng sông băng ở thượng nguồn dãy Himalaya.
Mùa gió hè từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm mang lại cho các nước khu vực Nam Á 70 - 80% lượng mưa nhưng đồng thời gây ra lũ lụt và các vụ lở đất nguy hiểm đến người dân và cơ sở hạ tầng.
Lượng mưa khó dự báo và thay đổi đáng kể. Các nhà khoa học cho biết biến đổi khí hậu đang khiến gió mùa trở nên mạnh hơn và thất thường hơn.