Phát triển bền vững luôn là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia. Trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước, báo chí truyền thông luôn là giải pháp hữu hiệu trong nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động, lan tỏa thông điệp, ... đồng hành cùng chính phủ thực hiện hiệu quả 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Khi các vấn đề về biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, quản lý chất thải và phát triển đô thị… ngày càng xuất hiện phổ biến trên các phương tiện truyền thông Việt Nam, đã kích động sự lo lắng và bi quan về tương lai của độc giả. Báo chí hiện nay chủ yếu chỉ thông tin vấn đề trong khi xã hội rất cần những giải pháp để phát triển bền vững. Vậy làm thế nào để có thể đưa ra những giải pháp và tập trung sự chú ý của công chúng vào các giải pháp đó?
Báo chí giải pháp là gì?
Tại Hội thảo chuyên đề “Báo chí giải pháp trong phát triển bền vững” do Viện Goethe Hà Nội tổ chức với nội dung tập trung vào góc nhìn mới mẻ của báo chí giải pháp trong việc đưa tin về các câu chuyện phát triển bền vững, nhà báo Nhung Nguyễn - một nhà đào tạo của Mạng lưới Báo chí Giải pháp tại Việt Nam cho biết, báo chí giải pháp là cách đưa tin về các nỗ lực đang được thực hiện để giải quyết các vấn đề xã hội. Trong báo chí giải pháp, các nhà báo đưa tin về các vấn đề và giải pháp đang diễn ra một cách chặt chẽ, dựa vào bằng chứng, mà không ca tụng chúng.
Theo đó, báo chí giải pháp có thể được nhìn nhận là những bài điều tra về giải pháp, được thực hiện với tiêu chuẩn báo chí cao nhất, khi các nhà báo thực hiện đầy đủ các thao tác, nguyên tắc như khi làm báo chí vấn đề, với các câu chuyện, nhân vật, bằng chứng, dữ liệu, nhận định chuyên gia và phản biện đa chiều…
Nhà báo Nhung Nguyễn lý giải: “Nếu báo chí tập trung về vấn đề thường xoay quanh các câu hỏi như ai, cái gì, vì sao, khi nào, ở đâu, bằng cách nào, thì báo chí giải pháp sẽ đặt thêm một câu hỏi khác đó là: Sau đó thì sao? Chuyện gì xảy ra tiếp theo sau những vấn đề đó.”
Các câu chuyện về giải pháp sẽ được củng cố bằng các chứng cứ đáng tin cậy, giải thích cách thức và lý do tại sao các phản ứng hoạt động hiệu quả hoặc không hiệu quả. Mục tiêu của cách tiếp cận báo chí này là mang đến cho độc giả cái nhìn chân thực hơn, đầy đủ hơn về những vấn đề này, giúp thúc đẩy quyền công dân hiệu quả hơn.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu báo chí chỉ đơn thuần phản ánh vấn đề có thể làm giảm cảm giác hiệu quả truyền thông, khiến độc giả rời xa cuộc sống công cộng. Trong một nghiên cứu năm 2008, Associated Press (hãng thông tấn của Hoa Kỳ) đã phát hiện ra rằng, những người trẻ tuổi cảm thấy mệt mỏi với những tin tức mà họ cho là tiêu cực và thiếu sự quyết tâm. Điều này dẫn đến "sự mệt mỏi về tin tức", trong đó mọi người có xu hướng tránh xa các phương tiện truyền thông tin tức hơn là tham gia.
Bên cạnh đó, nhà báo Nhung Nguyễn cũng cho biết, báo chí giải pháp không có vai trò thay thế cho báo chí đưa tin về vấn đề, báo chí đưa tin về vấn đề vẫn là cực kỳ căn cơ và quan trọng nhất.
Cách thức để thực hiện một bài báo giải pháp
Báo chí giải pháp có 4 trụ cột cơ bản. Theo nhà báo Nhung Nguyễn, có thể dựa vào 4 trụ cột này để thực hiện một bài báo về giải pháp. 4 trụ cột bao gồm:
Thứ nhất, câu chuyện giải pháp tập trung vào phản ứng đối với một vấn đề xã hội và phản ứng đó đã hoạt động như thế nào.
Thứ hai, các bài báo giải pháp tốt nhất nên chắt lọc các bài học làm cho câu trả lời phù hợp và có thể tiếp cận được với những người khác.
Thứ ba, báo chí giải pháp tìm kiếm sự biện chứng - dữ liệu hoặc kết quả định tính cho thấy hiệu quả (hoặc thiếu hiệu quả).
Cuối cùng, các câu chuyện về giải pháp cho thấy không có phản ứng nào là hoàn hảo và một số hoạt động tốt cho một cộng đồng nhưng có thể thất bại ở những người khác.
Báo chí giải pháp trong đưa tin về vấn đề phát triển bền vững
Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc đưa tin các dự án dài hạn về phát triển bền vững tại Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin UNESCO, nhà báo Đinh Đức Hoàng cho rằng, trong xu thế hiện nay rất cần một sự thay đổi toàn cầu trong báo chí, cần tập trung vào cách mọi người đang cố gắng giải quyết vấn đề và những gì chúng ta có thể học hỏi từ thành công và thất bại bên cạnh việc chỉ thông tin về vấn đề đó. “Điều quan trọng là nhà báo cần đưa thông tin tận tâm cho khán giả có cái nhìn công tâm và tổng quát nhất về các giải pháp bền vững trong xã hội.” - Nhà báo Đinh Đức Hoàng nhấn mạnh.
Có thể lấy ví dụ khi báo chí truyền thông về biến đổi khí hậu. Báo chí thông thường sẽ tập trung thông tin các chủ đề như: Những biểu hiện của biến đổi khí hậu; tác động của biến đổi khí hậu…Trong đó, báo chí giải pháp sẽ nhấn mạnh cần làm gì và làm như thế nào để ngăn chặn và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu...
Những hạn chế được chỉ ra khi thông tin về vấn đề này thường là việc các tin, bài chỉ sao chép theo “kịch bản BĐKH”. Thông tin về biểu hiện và hậu quả nhiều hơn những phân tích về nguyên nhân, đặc biệt là giải pháp, cách thức đối phó, xử lý, những đánh giá có tính dự báo, ...
Trong các lĩnh vực phát triển bền vững, báo chí giải pháp đã phát huy được vai trò chủ lực trong tuyên truyền cho tăng trưởng xanh. Cụ thể, thời gian qua, báo chí đã phản ánh chính xác, kịp thời và tuyên truyền hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Nội dung tuyên truyền bao gồm cả những giải pháp, cách thức và khuyến nghị để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Hay trong vấn đề giảm thiểu rác thải nhựa, bên cạnh những bài viết thông tin đơn thuần về hiện trạng, nguyên nhân hay hậu quả, còn có những bài viết về các chiến dịch, giải pháp, sáng kiến để giảm thiểu rác thải nhựa ở các cấp độ khác nhau. Tuy nhiên, số lượng các bài viết về giải pháp còn khá hạn chế.
Có thể thấy, việc đưa tin về giải pháp và cách thức mà vấn đề đang được giải quyết sẽ thúc đẩy sự tương tác giữa các độc giả hơn, từ đó nâng cao hiệu quả truyền tải thông điệp.
Nhà báo Nhung Nguyễn cũng nhấn mạnh, báo chí giải pháp sẽ cực kỳ công hiệu nếu nó là mảnh ghép còn thiếu trong việc giải quyết các vấn đề của xã hội. Vì vậy, bên cạnh việc thông tin vấn đề, nhà báo cần chú trọng vào việc đề xuất các giải pháp. Đồng thời, trong báo chí giải pháp, bối cảnh chính là “bạn thân” của nhà báo. Tuy nhiên, nhà báo cần chú ý không nói quá, quảng cáo, tránh những từ ngữ cường điệu, ca tụng và đặc biệt là từ “giải pháp”. Thông điệp chính mà báo chí giải pháp cần đưa ra chỉ là: “Vấn đề này giải quyết được”.