Sứ mệnh Báo chí Cách mạng Việt Nam trong dòng chảy thời gian

Quang Minh|21/06/2024 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Báo chí Cách mạng Việt Nam là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn tin cậy của Nhân dân, đồng thời cũng là vũ khí sắc bén chống lại các thế lực thù địch của cách mạng, đấu tranh chống tiêu cực bảo vệ lợi ích của Nhân dân. 99 năm qua, kể từ số báo Thanh niên đầu tiên (21/6/1925), báo chí Việt Nam không ngừng phát triển, nâng cao chất lượng nội dung, phong phú và đa dạng về hình thức... góp phần to lớn trong sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Báo chí cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ

Xuyên suốt lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam 1925-1945, báo chí luôn là cơ quan ngôn luận của tổ chức cách mạng và đấu tranh mạnh mẽ với những xu hướng tư tưởng đối lập: Đấu tranh với các tư tưởng, quan điểm chính trị, chính sách của chủ nghĩa đế quốc Pháp và bọn tay sai; chống chủ nghĩa quốc gia cải lương, những xu hướng thỏa hiệp, đầu hàng; những sai lầm tả khuynh và hữu khuynh trong nội bộ Đảng và trong các tổ chức quần chúng cách mạng...

Và chính qua đó, đã tuyên truyền cho chủ nghĩa Mác-Lênin, truyền bá tư tưởng cộng sản vào Việt Nam, nâng cao nhận thức chính trị của quần chúng. Từ báo Thanh Niên (1925) đến báo Cờ Giải Phóng (1945), trong 20 năm ấy, báo chí cách mạng từ một tờ báo khổ nhỏ, biên tập và in số lượng ít, từ nước ngoài đưa về nước, đến tháng Tám năm 1945, đã có gần 400 tờ báo và tạp chí in ở trong nước với số lượng lớn.

bao-chi-1-.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ phóng viên các cơ quan báo chí trong và ngoài nước tại Thủ đô Hà Nội, tháng 5-1968

Hình thức in ấn của báo chí cách mạng cũng rất phong phú đa dạng, từ in thạch đến in li-tô, ty-pô, các số báo của một tờ cũng không đều nhau, loại giấy to, nhỏ, tốt, xấu không thống nhất, kỹ thuật in còn kém, tờ rõ, tờ bị nhoà, báo ra không định kỳ nhưng nhìn chung báo chí cách mạng giai đoạn này đã góp phần to lớn cho những thành quả của thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Từ tháng 8/1945 trở đi, dưới chế độ dân chủ nhân dân, báo chí cách mạng xuất bản công khai, in ty-pô với số lượng lớn. Báo Cứu Quốc xuất bản hàng ngày là tờ báo lớn nhất cả nước. Lúc này, báo chí xuất hiện hai cơ quan mới: Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam. Cuối năm 1945, Đảng chuyển vào bí mật, báo Cờ Giải Phóng ngừng xuất bản; báo Sự Thật ra đời với danh nghĩa cơ quan của Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương.

Trong năm đầu của chính quyền cách mạng, báo chí phục vụ tích cực cho nhiệm vụ bảo vệ chính quyền non trẻ. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai bùng nổ và lan rộng. Báo chí cách mạng có một bộ phận xuất bản công khai ở các vùng tự do và các căn cứ kháng chiến, một bộ phận xuất bản trong vùng địch chiếm. Những văn kiện của Đảng, bài nói và viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo của Đảng được in trên các báo Trung ương và các báo địa phương. Năm 1951, báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng bắt đầu xuất bản, tạp chí Cộng sản, tạp chí Sinh hoạt nội bộ, báo Quân đội Nhân dân ra đời.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, nước ta tạm thời chia làm 2 miền với 2 nhiệm vụ chiến lược khác nhau nhưng có một nhiệm vụ chung: Đánh đổ đế quốc Mỹ và tay sai, hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc. Báo chí của ta hình thành báo chí tự do ở miền Bắc và báo chí xuất bản bí mật ở vùng địch tạm chiếm ở miền Nam. Trong điều kiện mới, báo chí miền Bắc có những bước tiến vượt bậc. Báo Nhân Dân ra hàng ngày, in với số lượng lớn nhất bằng kỹ thuật tiên tiến.

Trung ương cho ra tạp chí lý luận, lúc đầu là Học tập, sau đổi là tạp chí Cộng sản. Nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học, tuyên truyền, lý luận, tổ chức, kỹ thuật và các tỉnh đều xuất bản báo. Ngày 2/6/1950, Hội Nhà báo Việt Nam được thành lập đã đoàn kết rộng rãi các nhà báo trong nước và tháng 7/1950 gia nhập Tổ chức Quốc tế các nhà báo (OIJ).

99 năm vẻ vang một chặng đường…

99 năm qua (21/6/1925-21/6/2024), dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục khởi sắc, phát triển mạnh mẽ, không ngừng nâng cao chất lượng, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương tiện kỹ thuật, công nghệ làm báo trong thời đại “số hóa”. Nhờ vậy, tính hiệu quả trong tuyên truyền được nâng cao, tác động tích cực đến sự phát triển của đời sống xã hội; khẳng định rõ nét hơn vị trí, vai trò đặc biệt của báo chí cách mạng trong đời sống xã hội.

bao-chi-2-.jpg
Ông Lại Xuân Môn - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương (thứ tư từ trái sang), ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam (thứ ba từ trái sang), ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (thứ 2 từ trái sang), ông Nguyễn Linh Ngọc - Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam (nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thứ ba từ phải sang) chụp hình lưu niệm tại gian trưng bày của Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tại Hội Báo toàn quốc 2024

Đồng hành cùng dân tộc, đất nước 99 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam luôn là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quan trọng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo chí cũng được xem là chủ thể phản ánh đời sống xã hội, khơi nguồn phản ánh những điều tốt đẹp, đồng thời phê phán đấu tranh, chống lại cái xấu.

Báo chí luôn được coi là lực lượng chủ lực xung kích trên mặt trận tư tưởng, tạo sự thống nhất và liên kết trong xã hội nhằm giải quyết các nhiệm vụ xã hội. Trong đó, báo chí và dư luận xã hội có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại, ảnh hưởng chặt chẽ tới nhau.

Trong thời kỳ đổi mới, nước ta đang hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế, cùng với tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì báo chí không chỉ là công cụ tuyên truyền đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, giúp định hướng dư luận mà còn đóng vai trò quan trọng là diễn đàn để người lao động bày tỏ tâm tư, nguyện vọng với các vấn đề của xã hội. Từ đó, báo chí góp phần đưa nước ta phát triển bền vững.

Bên cạnh những thành tựu rất quan trọng nêu trên, hoạt động báo chí vẫn còn những bất cập, hạn chế như Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Hệ thống thông tin đại chúng còn nhiều hạn chế; một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ và có biểu hiện thương mại hóa; quản lý mạng xã hội còn bất cập”. Những hạn chế này ít nhiều đã và đang làm tổn hại đến uy tín, danh dự của người làm báo chân chính, cản trở sự phát triển bền vững của báo chí cách mạng Việt Nam.

Bước vào giai đoạn phát triển mới, báo chí cũng đang đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức: Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, mau lẹ và khó lường. Ở trong nước, kinh tế - xã hội phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước. Đời sống văn hóa xã hội còn những biểu hiện thiếu lành mạnh. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, sự xuống cấp về đạo đức, tha hóa về lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn chậm được ngăn chặn, đẩy lùi. Trên môi trường số và xã hội số, vẫn còn không ít những thông tin tiêu cực, sai sự thật, xấu độc, phản ánh không đúng bản chất hiện thực đất nước ta. Các thế lực phản động, thù địch lợi dụng internet, mạng xã hội để lan truyền các thông tin tiêu cực, xấu độc, xuyên tạc, kích động hòng chống phá về chính trị, tư tưởng, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước...

Quán triệt tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” và thực hiện ý kiến kết luận chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đòi hỏi trước hết cần phải nâng cao chất lượng hoạt động báo chí, trong đó có nhiệm vụ kiến tạo không gian, môi trường văn hóa trong hoạt động báo chí; xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, văn hóa báo chí của người làm báo.

Đến nay, cùng với những thành tựu to lớn, toàn diện của đất nước, báo chí nước ta đã có bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ. Báo chí là cầu nối hữu hiệu giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong việc huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sứ mệnh Báo chí Cách mạng Việt Nam trong dòng chảy thời gian