Báo động: Rác thải nhựa mỗi năm đủ bao quanh 4 vòng trái đất

Hà My (T/h)|11/08/2019 13:05
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Theo báo cáo của LHQ, mỗi năm lượng rác thải nhựa thải ra đủ để bao quanh trái đất 4 lần, tương đương trọng lượng của dân số toàn cầu.

Mỗi phút thế giới tiêu thụ 1 triệu chai nhựa, 5.000 tỷ túi nilon

Nhựa là một sản phẩm rất phổ biến mà con người sử dụng trong cuộc sống hàng ngày nhưng đây lại là một vấn đề lớn đối với môi trường. Nhưng chất thải nhựa lại là một trong những loại chất thải nguy hiểm nhất vì chúng mất nhiều thời gian để phân hủy. Thông thường đối với nhựa, phải mất tới 1000 năm để phân hủy tại các bãi rác.

Thế nhưng mỗi năm, thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, gần tương đương với trọng lượng của toàn bộ dân số toàn cầu. Loại chất dẻo này chiếm 10% tổng lượng chất thải hiện đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế và sức khỏe con người.

Mỗi phút, toàn thế giới tiêu thụ 1 triệu chai nhựa

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, lượng rác nhựa mỗi năm đủ để bao quanh trái đất 4 lần và phải mất đến hàng nghìn năm mới có thể phân hủy. Trong thời gian chờ từng ấy rác nhựa biến mất thì chúng ta lại tiếp tục thải ra nhiều hơn, đồng nghĩa với việc phải gánh chịu những hậu quả.

Mỗi phút, toàn thế giới tiêu thụ 1 triệu chai nhựa, trong khi mỗi năm có đến 5.000 tỷ túi nhựa dùng một lần được sử dụng. Tổng cộng có một nửa số sản phẩm nhựa là loại chỉ để dùng một lần, từ ống hút, dây câu cá tới tã trẻ em hay túi bọc đồ. Đó là những con số kinh hoàng về ô nhiễm môi trường mà con người đang gây ra.

Gần 1/3 số túi nilon mà con người sử dụng không được thu gom và xử lý. Khoảng 12,7 triệu tấn rác thải nhựa bao gồm túi, chai, bao bì thực phẩm sẽ đi vào đại dương, tàn phá môi trường biển và ảnh hưởng đến đời sống của các sinh vật. Tại Hội nghị Davos, Thụy Sĩ, báo cáo ước tính lượng rác thải nhựa thải xuống biển cho đến năm 2050 sẽ nhiều hơn lượng cá (tính theo trọng lượng).

Vì vậy, nhựa trở thành mối nguy lớn cho môi trường biển bởi số lượng lớn, đặc tính khó phân hủy trong môi trường biển và khả năng di chuyển xa. Nhựa gây hại nghiêm trọng cho các sinh vật biển khi chúng nuốt phải, hoặc bị mắc kẹt. Đồng thời, chất thải nhựa ở đại dương còn tác động đến sức khỏe con người do ăn phải các loài sinh vật nhiễm nhựa trong cơ thể chúng. Ngoài ra, khó xác định được những tác động về kinh tế do chất thải nhựa gây ra trong các hoạt động du lịch, khai thác, nuôi trồng thủy sản, giao thông vận tải trên biển và chi phí vệ sinh môi trường.

Trong 50 năm qua, lượng nhựa được tiêu dùng đã tăng gấp 20 lần và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới. Giới phân tích đánh giá nếu nhịp độ sử dụng sản phẩm nhựa tiếp tục tăng như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050 và như vậy sẽ có hơn 13 tỷ tấn rác thải nhựa được chôn lấp trong các bãi rác hoặc đổ xuống đại dương.

Rác dạt vào bờ trên bãi biển Hạ Long (Ảnh: Báo Dân Sinh)

Rác thải nhựa – hiểm họa của các bãi biển Việt Nam

Nhìn lại Việt Nam, vấn nạn “ô nhiễm trắng” tại các điểm địa du lịch nổi tiếng về sự ô nhiễm môi trường tăng lên ở mức báo động. Có thể kể đến tại Hải Phòng, ở các khu vực biển thuộc Cát Bà mỗi ngày công nhân đều thu gom lượng lớn rác thải trôi nổi khắp mặt vịnh, các bãi tắm; bãi biển Đồ Sơn, những chai nhựa, túi nilon… theo sóng trôi dạt dọc bãi cát vàng, làm mất mỹ quan khu du lịch.

Đây cũng là tình trạng chung của tất cả các bãi biển hiện nay ở Việt Nam. Chính sự thiếu ý thức của con người đã biến những địa điểm du lịch tuyệt đẹp trở thành “điểm đen” về môi trường sống.

Chủ yếu 80% lượng rác thải ra biển xuất phát từ các hoạt động trên đất liền. Theo các chuyên gia, để giải quyết vấn đề rác thải nhựa, Việt Nam cần cải thiện công tác thu gom rác ở các thành thị, quản lý chặt chẽ các bãi rác, đặc biệt chú ý việc xử lý rác ngay từ ban đầu chứ không để rác trôi ra biển vì kinh phí xử lý rác trên biển vô cùng đắt đỏ.

Hà My (T/h)

Bài liên quan
  • Ô nhiễm rác thải nhựa: Hiểm họa đe dọa nhân loại
    Moitruong.net.vn – Sau hơn 100 năm xuất hiện, nhựa phế thải đang trở thành mối nguy hại lớn nhất, với những hậu quả khủng khiếp đối với môi trường, hệ sinh thái biển và hơn hết là sức khỏe con người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Báo động: Rác thải nhựa mỗi năm đủ bao quanh 4 vòng trái đất