Bão Noru đổ bộ đất liền Đà Nẵng - Quảng Nam: Hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái, cây đổ la liệt

Ngọc Minh|28/09/2022 08:24
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Lúc 3h30, tâm bão số 4 đổ bộ vào đất liền Đà Nẵng - Quảng Nam. Cường độ bão khi đổ bộ mạnh cấp 11-12, giật cấp 14.

do-1.jpg
Đường phố Đà Nẵng sau khi bão tràn vào.

Lúc 4h45, ông Mai Văn Khiêm, giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết tâm bão đang 'ôm trọn' đất liền Đà Nẵng - Quảng Nam.

Cường độ bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 14. "Tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định có mưa to, đặc biệt là Đà Nẵng, Quảng Nam, bắc Quảng Ngãi, Kon Tum" - ông Khiêm nói thêm.

Theo đại diện đài khí tượng thủy văn Quảng Nam, Trạm khảo sát Tam Thanh, Tam Kỳ, lúc 3h40 ngày 28-9 đã đo được gió giật 39.7m/s (cấp 13).

Ông Nguyễn Văn Hưởng - trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - cho biết, tâm bão đi vào đất liền Đà Nẵng - Quảng Nam.

"Chúng tôi muốn nhấn mạnh lại về sự xuất hiện gió mạnh và gió giật sau bão. Sẽ có sự đổi hưởng 180 độ, còn cường độ thì vẫn rất mạnh, trọng tâm vẫn là các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam với cường độ có thể vẫn còn mạnh cấp 11-12, giật cấp 13-14. Ở khu vực từ Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam có mưa từ 50-100mm, có nơi trên 150mm" - ông Hưởng cho biết.

Những thiệt hại ban đầu


Sáng 28/9, Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4 (siêu bão Noru) đóng tại Đà Nẵng đã có báo cáo nhanh về tình hình sau khi bão đổ bộ.

Cụ thể, các địa phương nằm trong vùng tâm bão từ Bình Định đến Quảng Trị đã có báo cáo thiệt hại ban đầu.

Quảng Trị là địa phương bị thiệt hại nặng nhất do bão số 4. Cụ thể, trận lốc xoáy xảy ra vào 15h30 ngày 27/9 tại thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh) đã khiến nhiều quán ven biển và 120 nhà bị tốc mái, sập tường trong đó 2 ngôi nhà sập hoàn toàn. Trận lốc xoáy cũng khiến 4 người dân bị thương đã được đi cấp cứu tại cơ sở y tế.

do-2.jpg
Đường phố Tam Kỳ sau bão.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, bão Noru đổ bộ dẫn đến mưa to đến rất to, gió giật cấp 7-9. Chưa có báo cáo thiệt hại, sự cố và yêu cầu cứu hộ, cứu nạn.

Tại Đà Nẵng hiện đã có 2 nhà dân bị tốc mái, 172 trạm biến áp mất điện, ngã đổ 75 cây xanh và một số biển hiệu. Đặc biệt, 60 người dân cố tình ở lại thuyền tại âu thuyền Thọ Quang hiện chưa có thông tin mới.

Tại tỉnh Quảng Nam đã có 3.997 trạm biến áp bị mất điện. Một số địa phương trong tỉnh đã ghi nhận thiệt hại về tốc mái nhà, cây đổ… nhưng chưa thống kê được số lượng cụ thể.

Một số tuyến đường ở thành phố Tam Kỳ cũng bị ngập nước nặng. Nhiều nhà dân bị rơi mái tôn xuống đất, người dân ra đường lượm lặt lại.

Quảng Nam sáng nay đã có công văn cho phép người dân và các phương tiện tham gia lưu thông được hoạt động bình thường từ 6h ngày 28/9.

Tỉnh yêu cầu công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải và các địa phương bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người dân và phương tiện đi qua các vị trí bị ngập sâu, nước chảy siết, có nguy cơ sạt lở đất, hướng dẫn phân luồng điều tiết giao thông, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

toc.jpg
Mái nhà lợp ngói của một hộ dân xã Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam bị gió bão thổi bay một phần ngói làm lộ ra bên trong.

Ở tỉnh Quảng Ngãi, mưa to, gió lớn vẫn đang diễn ra. Bão đổ bộ tại Lý Sơn có gió giật cấp 12, Ba Tơ có gió cấp 11, TP Quảng Ngãi gió cấp 6, giật cấp 7. Thiệt hại một số nhà dân bị tốc mái nhưng chưa thống kê được số lượng cụ thể và gãy đổ một số cây xanh tại huyện Lý Sơn, mất điện tại một số huyện.

Tại tỉnh Bình Định hiện có mưa nhỏ, gió khoảng cấp 5 nhưng đã có nhiều nhà dân tốc mái, cây đổ và có người bị thương. Tỉnh này cũng đã xảy ra tình trạng mất điện tại một số khu vực; ngoài ra chưa có báo cáo thiệt hại, sự cố và yêu cầu cứu hộ, cứu nạn.

Bão số 4 suy yếu, hoàn lưu gây mưa lớn


Ông Mai Văn Khiêm, giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết lúc 6h sáng nay, bão số 4 (bão Noru) đã suy yếu, hiện đang ở trên khu vực phía tây tỉnh Quảng Nam.

Dự báo trong 3 giờ tới, bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây, tiếp tục suy yếu thành ấp thấp nhiệt đới và sau đó là vùng áp thấp.

Cảnh báo thêm về mức độ nguy hiểm sau bão, ông Mai Văn Khiêm nói đêm qua bão số 4 gây mưa rất to đến rất to tại các tỉnh Trung Trung Bộ và bắc Tây Nguyên với lượng mưa phổ biển 200-300mm, có nơi trên 400mm.

"Dự báo hôm nay trong hôm nay và ngày mai ở khu vực này tiếp tục có mưa to nên nguy cơ lớn nhất lúc này là lũ quét, sạt lở đất. Đặc biệt là các khu vực miền núi phía Tây của Kon Tum, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị có nguy cơ rất cao" - ông Khiêm cảnh báo và cho biết vùng trũng thấp, hạ du các sông cần đề phòng lũ gây ngập lụt.

Tại Đà Nẵng, ghi nhận vào 6h40 sáng 28-9, gió vẫn rất mạnh. Nhiều tuyến đường cây xanh ngã đổ đè lên dây điện và ô tô đậu hai bên đường.

Nhiều mái tôn bay tung toé bên vỉa hè và trên đường phố.

Bất chấp nguy hiểm khi bão Noru vẫn còn gió giật, ngay từ sớm nhiều người dân đã ra đường để dọn dẹp.

Đã xuất hiện các xe xử lý sự cố đi thăm dò các tuyến đường nội thành để tiến hành báo cáo, khắc phục thiệt hại.

Tại Thăng Bình, Quảng Nam, trời dần sáng đã làm lộ ra những thiệt hại đầu tiên của bão. Sau khi quét qua với sức gió lớn rạng sáng, nhiều nhà dân đã bị bay mái tôn.

Không chỉ vậy, một số nhà lợp ngoái cũng bị gió bão thổi bay mái ngói lỗ chỗ. Nhiều cây bị gãy cành và gió tút sạch lá trơ lại khung xương. Hiện tại sức gió đã yếu đi nhiều so với cường độ đỉnh điểm lúc 2-3h sáng nhưng thỉnh thoảng vẫn còn gió giật mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bão Noru đổ bộ đất liền Đà Nẵng - Quảng Nam: Hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái, cây đổ la liệt