Bảo vệ cây me di sản tại Bảo tàng Quang Trung, tỉnh Bình Định

Vũ Thành|30/09/2023 15:34
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Năm 2011, cây me cổ thụ tại Bảo tàng Quang Trung được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Dù được chăm sóc kỹ lưỡng, nhưng do đã nhiều năm tuổi, một số cành cây có biểu hiện suy giảm sinh trưởng.

Cây me di sản là cây di sản duy nhất của tỉnh Bình Ðịnh nằm trong khuôn viên Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt (Bảo tàng Quang Trung) tương truyền có tuổi đời gần 300 năm, được xem là biểu tượng cho sự trường tồn của phong trào Tây Sơn và Tây Sơn Tam Kiệt trong lòng người dân Bình Định.

cay-me-di-san.png
Cây me di sản tại Bảo tàng Quang Trung, tỉnh Bình Định trường tồn qua bao biến động thời cuộc

Ông Châu Kinh Tú, Giám đốc Bảo tàng Quang Trung chia sẻ: “Chúng tôi phân công nhân viên thường xuyên chăm sóc cây me theo quy trình áp dụng lâu nay, như tưới nước giữ ẩm hằng ngày, bón phân humic pha loãng để bổ sung dinh dưỡng cho cây, vệ sinh rong rêu, nấm mốc, dùng thuốc trừ sâu đục thân… Tuy nhiên, một số cành cây có biểu hiện thoái hóa, có nguy cơ chết cành, nên đơn vị báo cáo Sở VH&TT đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo để tiếp tục có giải pháp hiệu quả bảo vệ, chăm sóc cây me”.

Giữa tháng 6/2023, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở NN&PTNT, Công ty Công viên, cây xanh và Chiếu sáng đô thị Quy Nhơn phối hợp Sở VH&TT khẩn trương khảo sát đề xuất giải pháp chăm sóc, bảo vệ cây me. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đoàn công tác gồm đại diện các đơn vị: Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), Công ty Công viên, cây xanh và Chiếu sáng đô thị Quy Nhơn phối hợp Phòng Kế hoạch - Tài chính, Bảo tàng Quang Trung (Sở VH&TT) tiến hành kiểm tra tình hình sinh trưởng của cây me.

Theo kết quả kiểm tra, mức độ sinh trưởng của cây me so với tuổi đời cây như hiện tại là bình thường. Các cành ở phía Đông, Bắc và Tây phát triển tốt; còn các cành phía Tây Nam phát triển kém, có triệu chứng thoái hóa dần, nhưng hiện vẫn cho hoa. Ông Lê Đức Sáu, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm, cho biết: “Qua khảo sát, đoàn công tác đề nghị Bảo tàng Quang Trung tiếp tục thực hiện giải pháp chăm sóc, bảo vệ cây me theo quy trình hiện tại; đồng thời cắt bỏ bớt hoa, trái để tránh làm cây mất sức. Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng đã tham mưu Sở NN&PTNT báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo Sở VH&TT liên hệ các Sở VH&TT, Sở VH-TT&DL các tỉnh bạn có cây di sản, cây cổ thụ để chia sẻ kinh nghiệm cho Bảo tàng Quang Trung chăm sóc cây me”.

Công ty CP Công viên, cây xanh và Chiếu sáng đô thị Quy Nhơn cũng đã mời chuyên gia cây xanh của Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam về tư vấn các giải pháp chăm sóc cây me. Ông Trần Thiện Hà - Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam, cho biết: Giữa tháng 8.2023, chúng tôi đến Bảo tàng Quang Trung để kiểm tra cây me và nhận thấy cây có khả năng bị chết một bên rễ, nhưng muốn chẩn bệnh thật chính xác phải đào đất để kiểm tra bộ rễ của cây. Trước mắt, chúng tôi đề nghị Bảo tàng Quang Trung bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng phù hợp với độ tuổi cây me, bởi cây lâu năm sẽ khác với cây đang sinh trưởng mạnh, chất dinh dưỡng quá thừa cũng có hại không kém so với cây thiếu chất. Cuối năm nay, chúng tôi sẽ đưa các chuyên gia thuộc các lĩnh vực có liên quan là thành viên của Hiệp hội về Bình Định kiểm tra tổng quát sức khỏe cây me để đưa ra giải pháp cụ thể, chăm sóc cây me tốt hơn.

Hiện tại, để bảo vệ cây me, Bảo tàng Quang Trung tiếp tục thực hiện quy trình đang áp dụng và các giải pháp theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp tỉnh, cũng như Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam. Ông Châu Kinh Tú, Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, cho biết: “Chúng tôi sẽ có giải pháp chống đỡ cây me trong mùa mưa bão để tránh ngã đổ. Về lâu dài, đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn để triển khai thêm các biện pháp chăm dưỡng cây theo khoa học để cây me di sản tiếp tục được bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ cây me di sản tại Bảo tàng Quang Trung, tỉnh Bình Định