Bảo vệ không gian xanh đô thị - Bài 2: Nỗi lo hiện hữu trong “rừng bê tông”

Minh Ngọc|20/07/2022 13:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Với tốc độ đô thị hóa khá nhanh, nhiều khu đô thị mới, tòa nhà cao tầng thi nhau mọc lên. Trong khi đó, không gian xanh chưa được chú trọng đầu tư phát triển đã và đang khiến cuộc sống của người dân đô thị ngày càng bức bối, ngột ngạt.

do-thi-hoa.jpg
Mảng xanh nhiều nơi nhường chỗ cho các công trình xây dựng, công trình giao thông.

Ô nhiễm không khí nhìn từ vấn đề quy hoạch

Vấn đề ô nhiễm không khí trở thành mối quan tâm đặc biệt của dư luận khi Hà Nội có tên trong các bảng xếp hạng về những TP ô nhiễm. Theo số liệu báo cáo của tổ chức Hòa Bình xanh quốc tế (Green Peace), năm 2019 và 2020, không khí Hà Nội có thời điểm đạt đến ngưỡng báo động. Tác nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường của Hà Nội đã được các cơ quan chuyên môn xác định, đó là khí xả thải từ ô tô, xe máy; đun bếp than tổ ong; ô nhiễm ao hồ lâu năm; sản xuất công nghiệp; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa… Tuy nhiên, dưới góc nhìn vĩ mô, nhiều chuyên gia nhìn nhận, lý do lớn nhất và sâu xa nhất chính là từ lĩnh vực quy hoạch.

TS. KTS Nguyễn Tất Thắng - Trưởng phòng Quản lý khoa học Kỹ thuật và Dữ liệu, Viện Kiến trúc quốc gia cho rằng, việc bỏ qua và không tuân thủ các yêu cầu về mật độ xây dựng, mật độ dân số, mật độ cư trú lẫn chức năng sử dụng đất… bị lạm dụng và trở thành hội chứng điều chỉnh quy hoạch dẫn đến việc gia tăng cư dân không kiểm soát, không những gây áp lực mà còn dẫn tới hủy hoại môi trường không khí, hạ tầng kỹ thuật đô thị vốn đã lạc hậu. Với kết cấu trong thị có thôn và ngược lại trong thôn có thị đã dẫn đến việc nhiều hoạt động sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở ven đô, ngoại vi như đốt rơm rạ sau thu hoạch, sản xuất các vật liệu xây dựng như lò gạch thủ công, gia công cơ khí, hóa chất… Khói bụi và các chất độc hại bị thải vào môi trường, đặc biệt vào mùa Hè, tích tụ với nhiệt độ và hiệu ứng nhà kính, càng làm cho sức nóng và đảo nhiệt của đô thị lớn hơn.

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp vừa và nhỏ, nhà máy, bệnh viện.. vẫn còn nằm trong nội đô, hàng ngày, thải ra toàn bộ các chất thải rắn, lỏng, khí… gây độc hại vẫn chưa được di dời ra khỏi nội đô. Hoạt động thi công xây dựng, vận chuyển nguyên vật liệu và phế thải xây dựng diễn ra vừa ồ ạt, vừa manh mún với nhiều biện pháp thi công lạc hậu, không che chắn… đã tạo một khối lượng lớn bụi, khói vào môi trường đô thị.

Việc quá chú trọng vào phát triển nhà ở mà ít quan tâm tới xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng môi trường đô thị cũng là nguyên nhân khiến ô nhiễm không khí gia tăng. Theo KTS Lê Anh Tuấn (Hội Kiến trúc sư Hà Nội), hệ thống đường giao thông, cây xanh, mặt nước, hồ điều hòa, công viên, vườn hoa, không gian công cộng đang khá thiếu trong các thiết kế quy hoạch đô thị; hoặc nếu có thì tầm nhìn dự báo cũng ở giai đoạn ngắn hạn.

Trong khi đó, thực trạng nhiều ao hồ ngoài vùng nội đô bị san lấp để xây dựng các công trình đã ảnh hưởng tới việc điều hòa, làm tăng chất lượng không khí trong đô thị vốn đã bị nén và quá tải. “Việc quy hoạch xây dựng chiến lược phát triển Hà Nội theo đô thị tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm chưa được đề cập thỏa đáng trong chính sách vĩ mô cũng như các đồ án quy hoạch chi tiết để triển khai áp dụng”, KTS Lê Anh Tuấn nêu.

Tăng diện tích cây xanh là cấp thiết

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với nhiều công bố, nghiên cứu về tầm quan trọng của không gian xanh đối với việc sống tốt và sức khỏe cộng đồng đã chỉ ra rằng, các không gian xanh đô thị như công viên, sân thể thao, rừng cây, ven hồ và vườn mang đến cho mọi người không gian để hoạt động thể chất, thư giãn, yên bình và thoát khỏi nhiệt độ nóng bức. Theo đó, những không gian này làm giảm căng thẳng, tăng cường sức khỏe tinh thần và thể chất. Không gian xanh cũng góp phần giúp cho chất lượng không khí được cải thiện, giảm tiếng ồn giao thông.

Hiện nay, hầu hết các công trình xây dựng trong thành phố có quy mô nhỏ, nhiều nhà cao tầng, chỉ tính riêng Hà Nội và TP.HCM đã có hàng trăm dự án các khu đô thị mới và rất nhiều công trình nhà ở, căn hộ cao tầng được xây dựng hoàn thiện, trong đó phần lớn đã đi vào sử dụng. Song, các chủ đầu tư chưa quan tâm đến những biện pháp để tiết kiệm năng lượng, thiết kế mở rộng các không gian xanh tự nhiên, nhân tạo.

do-thi-hoa-1.jpg
Việc quy hoạch cây xanh đô thị cần chiến lược bài bản, hợp lý để phát triển bền vững.

Trong mùa hè nắng nóng, những không gian xanh, khoảng xanh thực sự vô cùng đáng quý, nhất là với những thành phố dân số đông và có tốc độ đô thị hóa nhanh như Hà Nội. Cần có nhiều giải pháp đồng bộ để nhân lên các khoảng xanh trong thành phố, đặc biệt là trên các tuyến đường kiểu mẫu mới được quy hoạch, xây dựng.

Mở rộng phát triển các không gian xanh là hướng đi tất yếu của ngành quy hoạch, kiến trúc - xây dựng Việt Nam trong giai đoạn hiện tại và tương lai bởi nó đáp ứng được các giá trị của kinh tế, văn hóa, công nghệ, các yêu cầu và chất lượng cuộc sống trong hiện tại, quá khứ cũng như tương lai.

Theo báo cáo về hiện trạng cây xanh, trong đó có nhóm cây xanh đô thị tại Việt Nam, của Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tại, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có tỉ lệ cây xanh đô thị trên mỗi người dân ở mức rất thấp so với tiêu chuẩn tối thiểu của quốc tế (10 m2/người).

Theo Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, một cây xanh trưởng thành cao trên 30 m có thể hấp thụ khoảng 22,7 kg khí CO2 trong một năm. Con số này tương đương với lượng khí CO2 do một chiếc xe hơi thải ra môi trường khi chạy được đoạn đường 41,5 km. Trong khi đó, thông qua quá trình quang hợp, trung bình một cây trưởng thành có thể cung cấp lượng oxy cho 4 người sử dụng.

Bên cạnh khí CO2, cây xanh còn có khả năng hấp thụ các chất độc hại từ không khí khác như anhidrit, sunfua, fuo, clo, amoniac… Cơ chế này được hình thành do quá trình quang hợp, cây sản xuất các ion âm (NAI), có khả năng hấp thụ những chất dạng hạt lơ lửng và thanh lọc không khí. Ngoài ra, cây xanh còn có thể hấp thụ, chuyển hóa nhiều chất độc hại trong đất và nguồn nước.

Cùng với đó, cây xanh còn được biết đến như “tấm lá chắn” có khả năng cản bụi cho các đô thị lớn hay khu công nghiệp. Theo thông tin từ Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, một cây xanh có tán lớn và rộng có thể cản được 10-30 kg bụi. Nhờ đó, nồng độ bụi thổi qua một cây xanh có thể giảm đi 20-60%.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bảo vệ không gian xanh đô thị - Bài 2: Nỗi lo hiện hữu trong “rừng bê tông”