Bảo vệ không gian xanh đô thị - Bài 1: Thực trạng thiếu không gian xanh ở các đô thị lớn

Giang Anh|19/07/2022 07:30

Không gian xanh (KGX) đô thị là phần diện tích được phủ xanh bởi thực vật trên mặt đất tại các đô thị và nó được xem như là một nhân tố quan trọng trong phát triển bền vững đô thị.

xanh-1.jpg
Đô thị Việt Nam đang thiếu màu xanh.

Gia tăng bê-tông hóa

Không gian xanh (KGX), hay cây xanh đô thị đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống con người. Trong quy hoạch, KGX là một chức năng rất quan trọng và được coi như lá phổi của đô thị. Tuy nhiên, việc gia tăng nhanh diện tích mặt không thấm của đất đô thị, đồng thời giảm mạnh tỷ lệ KGX của thành phố gây ra nhiều tác động xấu đến chất lượng môi trường sống. Sự mở rộng và gia tăng mật độ bề mặt không thấm kéo theo các hậu quả như tăng nhiệt độ không khí của thành phố do hiện tượng bức xạ nhiệt của bê tông; gia tăng chất thải và vấn đề chôn lấp xử lý chất thải ở các khu nhà đô thị tập trung cao; gia tăng ngập lụt; suy giảm chất lượng và khối lượng nguồn nước ngầm do mất bề mặt thấm nước tự nhiên.

Hiện nay, các đô thị đang bị uy hiếp bởi hình ảnh đô thị màu xám, nó khiến cho trái đất nóng lên, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng và con người đang mất dần không gian để sống và thở. Thế giới càng văn minh thì con người càng khao khát hướng tới sự chuẩn mực của một đô thị xanh hoàn hảo, tức là hướng tới sự thiết lập mối quan hệ bền vững về sự thân thiện giữa con người và thiên nhiên. Để phát triển đô thị xanh ở Việt Nam, GS. Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam đề xuất có bảy tiêu chí, trong đó tiêu chí “Không gian xanh” được đưa lên vị trí đầu tiên.

Do tốc độ đô thị hóa với sự xuất hiện ngày càng nhiều các khu đô thị, tòa nhà cao tầng, sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện giao thông cá nhân trong khi những mảng xanh của cây cối, hồ nước còn ít ỏi dẫn đến hiện tượng “đảo nhiệt đô thị” tại khu vực trung tâm Hà Nội ngày càng rõ nét. Đi dọc một số tuyến phố tập trung nhiều tòa nhà cao tầng như Lê Văn Lương, Hoàng Đạo Thúy, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển… đều dễ nhận thấy sự ngột ngạt, bỏng rát của hơi nóng phả ra từ mặt đường và những khối nhà bê tông cao tầng san sát nhau.

Tại những khu vực này, ngoài những hàng cây xanh được Thành phố Hà Nội trồng hai bên vỉa hè, rất hiếm thấy khuôn viên cây xanh giữa các tòa nhà. Trong khi đó, cây xanh, thảm cỏ, bề mặt thấm nước và mặt nước có vai trò rất lớn để giảm hiệu ứng “đảo nhiệt đô thị”.

Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, thời gian qua, xã hội chạy theo phát triển kinh tế, chạy theo giá trị bất động sản, nhà cao tầng xuất hiện nhiều và chủ đầu tư chỉ chú ý đến bán bất động sản. Trong khi đó, môi trường sống không được quan tâm nhiều. Trong nguyên tắc phát triển đô thị, chỉ cho xây dựng 40%, còn 60% là cây xanh, hồ điều hoà, mặt nước… để bảo đảm môi trường sinh học cho người dân khu vực. Tuy nhiên, các nhà đầu tư xây nhà trước để có tiền, còn không gian công cộng làm sau, bởi lợi nhuận bất động sản vô cùng lớn.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cùng quan điểm và cho rằng, trong những năm gần đây, khi nhu cầu của người dân đô thị có xu hướng tiêu dùng ổn định và xanh hóa đời sống thì nhiều dự án đã chú trọng đầu tư vào cảnh quan, dành phần lớn quỹ đất để phát triển các không gian xanh, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường.

le.jpg
Rừng cao ốc đã "băm nát" quy hoạch đường Lê Văn Lương, Hà Nội.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, ngay trong lòng Thủ đô Hà Nội, khi hàng loạt khu chung cư, nhà ở cao tầng mọc lên thì diện tích đất dành cho cây xanh hầu như chỉ tồn tại trên bản vẽ. Thực tế, các chủ đầu tư chỉ chú trọng tận dụng diện tích đất để xây dựng các hạng mục công trình mà ít quan tâm tới hạ tầng nói chung. Nhiều dự án thường tận dụng hạ tầng cây xanh có sẵn để hợp thức hóa thực trạng thiếu cây xanh tại dự án của mình.

Do tốc độ đô thị hóa khá nhanh, nhiều thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh hình thành nhiều khu đô thị mới, tòa nhà cao tầng thi nhau mọc lên. Sự gia tăng nhanh chóng các phương tiện giao thông cá nhân buộc hệ thống giao thông được nới rộng. Trong khi đó, không gian xanh chưa được chú trọng đầu tư phát triển dẫn đến cuộc sống của người dân đô thị ngày càng bức bối, ngột ngạt.

Ông Nguyễn Trọng Gia - ngụ đường Hoàng Văn Thụ, phường 15, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh - cho biết con đường ông đang ở 20 năm trước có 20 cây xanh. Song, giờ đây đứng ngay ngã tư Phú Nhuận, phóng tầm mắt các hướng không hề thấy bóng mát, cây xanh nào trên vỉa hè.

"Trưa nắng, đứng trên sân thượng nhìn xuống mặt đường chỉ thấy hiện tượng ảo ảnh có vũng nước từ xa. Nếu ra đường không đeo khẩu trang thì cảm giác rất khó thở" - ông Gia phàn nàn.

Tình trạng thiếu cây xanh ở vỉa hè những năm qua ngày càng gia tăng. Do nhu cầu mở rộng mặt đường và đầu tư hạ tầng khiến nhiều hàng cây phải chặt bỏ. Thống kê tại TP Hồ Chí Minh cho thấy hơn 70 tuyến đường không có bóng cây xanh.

Theo báo cáo từ Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, quy hoạch công viên cây xanh toàn thành phố là gần 11.500ha nhưng hiện nay, số lượng thực tế chỉ hơn 510ha. Mỗi năm, nhiều khu dân cư được xây dựng mới nhưng diện tích công viên cây xanh chỉ tăng hơn 1,5ha. Nhu cầu cần thiết so với thực tế vẫn còn khoảng cách khá xa.

"Những năm qua, nhiều khu quy hoạch đất dành cho công viên đã bị người dân chiếm dụng xây nhà ở hoặc chi phí đền bù chưa được thỏa thuận. Nhiều nơi do nhu cầu cấp thiết nên điều chỉnh làm đất thương mại, khu dân cư…", Sở Xây dựng nêu thực trạng.

Ngoài ra, tình trạng nhiều công viên bị "bóp" diện tích để phục vụ mục đích kinh tế khiến mảng xanh vốn đã ít lại giảm bớt hơn. Nhiều quận - huyện có diện tích lớn, dân cư đông nhưng đến nay vẫn chưa có công viên đàng hoàng, như quận 9 (cũ), quận 12, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh...

TP Đà Nẵng hiện được xem là đô thị thiếu trầm trọng mảng xanh. Cả khu vực trung tâm thành phố chỉ có 2 công viên, nhiều tuyến đường không có bóng dáng cây xanh.

Vào mùa nắng nóng, người dân lưu thông trên nhiều tuyến đường khu vực trung tâm TP Đà Nẵng không khỏi khó chịu vì đường phố thiếu cây xanh. Các tuyến đường Hùng Vương, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh… chỉ toàn bê-tông mà rất ít cây xanh. Đường Trần Cao Vân trước có nhiều cây nhưng gần đây do mở rộng đường, cây xanh cũng không còn nữa.

Khu vực trung tâm TP Đà Nẵng hiện chỉ có 2 khu công viên trồng nhiều cây xanh là Công viên 29 Tháng 3 (quận Thanh Khê) khoảng 10 ha và Công viên Thanh Niên (quận Hải Châu) khoảng 6-7 ha. Một số khu dân cư, khu đô thị thì có các khoảng sân nhỏ song diện tích không đáng kể.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, năm 2010, diện tích cây xanh đô thị của TP chỉ đạt hơn 5 m2/người. Năm 2015, con số này là 7,32 m2/người. Năm 2019, Đà Nẵng có hơn 1,134 triệu dân nhưng chỉ số cây xanh chỉ ở mức 7,51 m2/người. Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì đất cây xanh sử dụng công cộng cấp đô thị là 8,9 m2/người.

Diện tích cây xanh tồn tại trên bản vẽ


TP Hà Nội mở rộng diện tích lên đến hơn 3.345 km2, dân số gần 7 triệu người, là một trong 17 thành phố lớn nhất trên thế giới. Khu vực phát triển tính từ Vành đai 2 trở ra là những khu đô thị mới, đường phố mới rộng vài chục mét với hàng trăm tòa nhà cao hàng chục tầng. Thế nhưng, chính những nơi được coi là phát triển hiện đại này lại rất thiếu cây xanh, mặt nước, công viên, không gian công cộng…

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho biết ngay trong lòng thủ đô Hà Nội, khi hàng loạt khu chung cư, nhà ở cao tầng mọc lên thì diện tích đất dành cho cây xanh hầu như chỉ có trên bản vẽ.

xanh-3.jpg
Cây xanh đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái đô thị.

Hiện nay, tỉ lệ cây xanh tính theo đầu người ở nội đô Hà Nội chưa đến 2 m2. Theo Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉ lệ cây xanh trung bình cũng mới đạt 10-15 m2/người (tiêu chuẩn mà Liên Hiệp Quốc đề ra là 39 m2/người).

Tại hội thảo khoa học do Hiệp hội Cây xanh - Công viên Việt Nam tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia đã cảnh báo sự thiếu hụt diện tích cây xanh ở nhiều đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM... đã và đang gây hậu quả ngày càng xấu đối với sức khỏe con người và môi trường sống. Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ xây dựng cao, hiệu ứng nhà kính, hiệu ứng bê-tông và biến đổi khí hậu đang diễn ra rất phức tạp.

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM, nhìn nhận: Nếu tính tỉ lệ diện tích công viên so với đầu người là thiếu hụt nghiêm trọng. Khi thiếu cây xanh thì không khí sẽ không còn bảo đảm trong lành, đời sống người dân kém chất lượng. Vì vậy, gia tăng diện tích công viên là điều cấp thiết.

Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng cho biết: "Trong nguyên tắc phát triển đô thị, chỉ xây dựng 40%, còn 60% là cây xanh, hồ điều hòa, mặt nước… để bảo đảm môi trường sinh học cho người dân khu vực".

Theo ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, trong điều chỉnh quy hoạch mới, TP sẽ tổ chức một hệ thống không gian xanh và mặt nước; định hướng, phân loại, kết nối thông qua một mạng lưới hành lang tuyến tính để tạo thành một cấu trúc xanh liên tục trên khắp TP, kết nối các ngọn núi phía Tây và bờ biển phía Đông Đà Nẵng.

Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư TP Hà Nội, thủ đô Hà Nội đang đứng trước một giai đoạn phát triển về chất chứ không phải theo số lượng. Bởi vậy, không có lý do gì chúng ta không quan tâm nhiều hơn đến phát triển không gian công cộng, để chứng minh rằng chúng ta dù không phải thành phố giàu nhất nhưng là thành phố vì con người nhiều nhất.

Để tăng không gian xanh đô thị, PGS-TS Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia, khuyến nghị đối với công viên, mặt nước, cây xanh sẵn có, cần phát huy tối đa, nâng cao khả năng phục vụ, lồng ghép các mục tiêu vào.

Bên cạnh đó, sử dụng quỹ đất chuyển đổi từ những khu đất không sử dụng nữa, đặc biệt là nhà máy đã được di dời. Chúng ta cần ưu tiên cho cây xanh, mặt nước và không gian công cộng để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân về mặt thể chất cũng như tinh thần.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ không gian xanh đô thị - Bài 1: Thực trạng thiếu không gian xanh ở các đô thị lớn