Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre, tình trạng nước mặn có khả năng xâm nhập vào các sông trên địa bàn tỉnh từ nửa cuối tháng 12/2024; ranh mặn sâu nhất mùa khô năm 2024 - 2025 có khả năng tương đương mùa khô 2022 - 2023; độ mặn 4‰ xâm nhập cách cửa sông khoảng 44 - 58km, độ mặn 1‰ xâm nhập cách cửa sông khoảng 53 - 72km.
Cùng với đó, tình hình triều cường đang lên dần và dự kiến đạt đỉnh trong tháng 11/2024, tại một số trạm xấp xỉ mức đỉnh triều lịch sử. Ngoài ra, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, sóng to, gió mạnh, mưa dông trên biển, dông lốc, sét trên đất liền cũng có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.
Để phòng chống thiên tai nhằm hướng đến xây dựng cuộc sống an toàn, bền vững cho người dân, tỉnh Bến Tre đã và đang đề ra nhiều giải pháp chủ động phòng tránh, ứng phó.
Theo đó, những tháng cuối năm 2024, ngoài việc kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp theo quy định; các ngành, địa phương tiếp tục rà soát, cập nhật các kế hoạch, phương án đảm bảo chủ động ứng phó khi có thiên tai xảy ra, trọng tâm là chủ động ứng phó với hạn mặn và tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển phức tạp như hiện nay.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre cho biết, tình hình xâm nhập mặn mùa khô 2024 - 2025 được dự báo không ở mức gay gắt. Tuy nhiên, tình hình xâm nhập mặn trong thời gian tới còn phụ thuộc vào sự biến động nguồn nước thượng nguồn sông Mê Công, nhu cầu sử dụng nước, tình hình hoạt động của gió mùa Đông Bắc, nên việc xâm nhập mặn vẫn còn biến động trong thời gian tới.
Do đó, các ngành, địa phương trong tỉnh cần chủ động triển khai thực hiện công tác quan trắc, theo dõi diễn biến, tình hình xâm nhập mặn mùa khô để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền diễn biến xâm nhập mặn, các biện pháp phòng chống trên các phương tiện thông tin đại chúng, đảm bảo truyền tải nhanh, đầy đủ đến người dân để chủ động phòng tránh và ứng phó.
Song song đó, đẩy mạnh phát động thực hiện phong trào thi đua “Đồng khởi mới trong trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt, chăn nuôi và sản xuất”. Trong đó, chủ động trang bị các dụng cụ chứa nước, trữ nước, dụng cụ đo mặn; áp dụng các mô hình hay, cách làm hiệu quả như đắp các đập tạm, xây dựng cống tạm, đào ao trãi bạt, trữ nước trong mương vườn, túi chứa nước... để phục vụ ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt.
Bên cạnh đó, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với từng vùng sinh thái theo hướng thích ứng với hạn mặn, đáp ứng nhu cầu thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng.
Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nguồn nước, đặc biệt trên các sông chính, khu vực trữ ngọt, nguồn cấp nước. Kiểm soát các hoạt động có nguy cơ cao gây ô nhiễm, giảm chất lượng nước nhất là tại các điểm có lưu lượng xả thải cao như các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, các cơ sở sản xuất; xử lý nghiêm các hoạt động gây ô nhiễm để bảo vệ nguồn nước.
Với giải pháp công trình, tỉnh Bến Tre sẵn sàng phương án thực hiện các công trình tạm để phục vụ công tác ngăn mặn, trữ ngọt tại các địa phương, tạo nguồn cấp nước cho các nhà máy nước. Thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành, khai thác tối đa hiệu quả của các công trình phục vụ phòng chống, ứng phó hạn mặn.
Chú trọng công tác nạo vét hệ thống kênh mương nội đồng, khơi thông dòng chảy, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi, đê điều. Xây dựng lịch vận hành các công trình cống, trạm bơm, đập tạm đảm bảo linh hoạt, hiệu quả và ưu tạo nguồn, cấp nước cho các nhà máy nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh.
Đồng thời, đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng mạng lưới cung cấp nước sạch tại các nhà máy nước, đặc biệt là mạng lưới cấp nước trên khu vực các cồn, khu vực nông thôn. Sẵn sàng phương án đấu nối, hòa mạng, bổ cấp nguồn nước giữa các nhà máy nước bao gồm các nhà máy nước tư nhân để đảm bảo cung cấp đủ lượng nước ngọt hoặc nước có độ mặn thấp nhất phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân. Ưu tiên phương án tạo nguồn cấp nước cho các nhà máy nước phục vụ cấp nước đô thị, các khu, cụm công nghiệp.
Riêng đối với triều cường, sạt lở bờ sông, bờ biển, tỉnh Bến Tre sẽ tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến triều cường, mực nước trên các sông, kênh rạch, tình hình mưa lũ, gió mạnh trên biển, để có phương án phòng tránh.
Chỉ đạo lực lượng xung kích của địa phương phối hợp với các đơn vị quản lý đê điều, công trình thủy lợi tăng cường kiểm tra, gia cố, khắc phục ngay những hư hỏng (nếu có); kịp thời tổ chức gia cố, tôn cao ở những nơi còn thấp, tràn nước, các khu vực trọng yếu như: đê bao cồn, vườn cây ăn trái, đê bao tại các khu vực nuôi thủy sản, các công trình đầu mối, các tuyến bờ bao.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư đang sinh sống ven biển, ven sông, kênh rạch, đặc biệt là khu vực các cồn: Thành Long, Phú Đa, Tam Hiệp..., các điểm sạt lở tại các địa phương ven biển, sạt lở bờ sông Giao Hòa… để có kế hoạch sơ tán, di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
Tổ chức, vận hành các công trình thuỷ lợi phù hợp với diễn biến, tình hình thiên tai, triều cường và sẵn sàng phương án xử lý, khắc phục ngay khi có sự cố công trình; có phương án đảm bảo an toàn đối với các công trình trong giai đoạn thi công, nhất là đối với các công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, các cống đập.
Triều cường cao sẽ gây ngập tại những vùng trũng, thấp ven biển, cửa sông, khu vực ngoài đê bao, làm gia tăng nguy cơ sạt lở, vỡ đê và xâm nhập mặn, nhất là trong trường hợp kết hợp với nước dâng và sóng lớn do bão, áp thấp nhiệt đới và gió mùa có cường độ mạnh ảnh hưởng tới khu vực.
Các tình huống thời tiết thiên tai bất thường như: triều cường, ngập mặn, sạt lở đất... không chỉ khiến cuộc sống của người dân đảo lộn, mà còn làm tăng nguy cơ lây lan các bệnh dịch và khả năng để lại những hậu quả hết sức nặng nề. Đặc biệt, khi môi trường ẩm thấp kéo dài và nguồn nước không đảm bảo vệ sinh sẽ là nguồn lây bệnh rất lớn.