Nguyên nhân gây sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây nên. Virus này có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh nhân nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo nên miễn dịch suốt đời với chủng virus đó mà thôi. Chính vì vậy mà những người sống trong vùng lưu hành dịch dengue có thể mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều hơn một lần trong đời.
Virus truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu. Qua vết đốt, virus từ tuyến nước bọt của muỗi sẽ vào máu người rồi gây bệnh sốt xuất huyết.
Tại Việt Nam, bệnh này xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Đặc điểm là sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
Ảnh minh họa
Diễn biến bệnh ở người mang thai cũng tương tự như ở người không mang thai, tuy nhiên ảnh hưởng trên thai là khó lường và nhanh.
Biểu hiện, diễn biến lâm sàng bệnh sốt xuất huyết
Khi mắc sốt xuất huyết thường trải qua 3 giai đoạn.
-Giai đoạn 1:
Người bệnh có biểu hiện sau:
- Sốt cao đột ngột, liên tục.
- Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn.
- Da sung huyết.
- Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.
- Nghiệm pháp thắt dây dương tính.
- Thường có dấu chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.
– Giai đoạn 2:
Thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Có thể có các biểu hiện sau:
– Biểu hiện thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24-48h). Người bệnh có biểu hiện sưng nề mi mắt, gan to, có thể đau.
Nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹp, tụt huyết áp hoặc không do được huyết áp, tiểu ít.
-Biểu hiện xuất huyết:
Xuất huyết dưới da: Nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím.
Xuất huyết ở niêm mạc: Chảy máu mũi, lợi, ra máu. Kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn.
– Một số trường hợp nặng có thể biểu hiện suy tạng như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở một số người bệnh không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ hoặc không sốc.
-Giai đoạn 3: Giai đoạn hồi phục
Người bệnh hết sốt và thể trạng bắt đầu tốt dần lên, có cảm giác thèm ăn, huyết động bắt đầu ổn định và người bệnh đi tiểu nhiều, các xét nghiệm tiểu cầu tăng dần lên và trở về trạng thái bình thường.Trong giai đoạn này, nếu truyền dịch quá mức có thể gây ra phù phổi hoặc suy tim.
Bệnh nhân sốt xuất huyết nên bổ sung gì cho cơ thể?
Quan trọng nhất là bù nước và điện giải
Do đặc điểm của bệnh sốt xuất huyết là sốt cao, mệt mỏi, suy kiệt nên việc ăn uống sẽ kém đi, dẫn đến thể trạng ngày càng tệ hơn nếu không được bổ sung dinh dưỡng phù hợp. Theo đó, sốt xuất huyết ăn gì để tăng tiểu cầu là vấn đề quan trọng vì mức tiểu cầu của người bệnh thường giảm thấp, gây ra các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến khả năng đông máu. Đặc biệt đối với bệnh sốt xuất huyết, đáng quan ngại nhất là tình trạng sốc, thoát huyết tương ra ngoài, khiến cho máu bị cô đặc. Vì vậy, trước khi quan tâm đến việc sốt xuất huyết ăn gì tốt, người bệnh cần chú ý bù đủ nước và điện giải, như uống oresol, nước trái cây.
Hầu hết bệnh nhân sốt xuất huyết đều gặp phải tình trạng sốt cao kèm mất nước, nên việc cung cấp bổ sung để bù cho lượng nước mất đi là vô cùng quan trọng. Người bệnh nên pha dung dịch oresol theo công thức, ngoài ra có thể uống các loại nước trái cây, nước quả ép (ví dụ như nước cam, bưởi, nước chanh, nước dừa) thay vì nước lọc, vì chúng có chứa nhiều khoáng chất và vitamin C, giúp tăng cường sức đề kháng để chống lại bệnh tật, thành mạch bền hơn và cải thiện triệu chứng do sốt xuất huyết.
Sử dụng thức ăn dạng lỏng
Đối với những thức ăn tốt cho người bệnh sốt xuất huyết, nên chú trọng những món ăn lỏng, mềm và dễ nuốt vì thể trạng bệnh nhân thường rất kém, dẫn đến chán ăn, khó ăn, thậm chí không thể ăn uống gì được. Các món nên ưu tiên là cháo, súp, vừa giàu dinh dưỡng vừa dễ ăn và dễ hấp thu, có thể uống thêm sữa để tăng cường dinh dưỡng. Không nên ăn cơm hoặc các loại thức ăn cứng đòi hỏi phải nhai nhiều, khó nuốt
Đặc biệt, với trẻ em mắc bệnh sốt xuất huyết , sữa là nguồn dinh dưỡng chủ yếu và quan trọng nhất. Nếu trẻ vẫn còn bú mẹ thì nên tiếp tục cho con bú. Khi cho bệnh nhi ăn uống, nên chia nhỏ bữa ăn và cả nước uống, không nên cho ăn cho uống dồn dập. Tuy nhiên, cần đảm bảo khẩu phần ăn và đầy đủ dinh dưỡng hàng ngày cho bé. Phụ huynh nên tích cực bổ sung các thực phẩm giàu chất đạm như trứng, thịt, sữa, thực phẩm giàu vitamin A, giàu kẽm như thịt nạc bò, gà,…
Tránh thức ăn nhiều dầu mỡ
Sốt xuất huyết hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh, cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, bên cạnh việc chăm sóc y tế thì chế độ dinh dưỡng ăn uống đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Nếu gặp phải những vấn đề về tiêu hóa, khiến cho sức đề kháng càng thêm suy giảm thì triệu chứng sốt xuất huyết sẽ nặng hơn, nguy cơ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Để tránh gặp phải những vấn đề về tiêu hóa, bệnh nhân sốt xuất huyết cần kiêng những loại thức ăn nhiều dầu mỡ béo, các món ăn chế biến xào rán, có gia vị chua cay, vì chúng thường gây ra tình trạng khó tiêu, chướng bụng. Mặc dù đa phần bệnh nhân sẽ cảm thấy rất chán ăn, nhưng vẫn phải cố gắng bổ sung cân đối và đầy đủ dinh dưỡng, ưu tiên những thực phẩm cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất để cải thiện khả năng đề kháng của cơ thể.
Hoàng Anh