Hội đồng khí hậu vừa công bố báo cáo cho thấy, không chỉ còn là những dự báo mà ngay lúc này, biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực tới hệ sinh thái của Australia. Bà Lesley Hughes, một trong những tác giả của báo cáo cho biết, tình trạng biến đổi khí hậu đang gây ra các vụ cháy rừng nhiệt đới, điều chưa từng xảy ra tại bang Queensland của nước này.
Biến đổi khí hậu làm nhiệt độ trái đất tăng gây ra tình trạng sóng nhiệt khiến cho số lượng những con cá đuôi chuông và cáo bay giảm nhanh chóng trong khi môi trường rừng ngập mặt lý tưởng cho các nhiều loài động vật dưới nước cũng dần thu hẹp.
Nước biển dâng cao là do nhiệt độ trên trái đất ngày càng tăng. Nhiệt độ tăng khiến các tảng băng tan nhanh hơn, làm mực nước biển và đại dương trên toàn thế giới tăng theo.
Nằm ở giữa Australia và quần đảo Hawaii (Mỹ) trên Thái Bình Dương, phần lớn lãnh thổ Tuvalu (gồm 9 đảo san hô vòng) cách mực nước biển chưa tới 0,9 m. Nơi cao nhất của nước này chỉ cách mực nước biển 4,5 m. Vì thế mà Tuvalu đang đối mặt với nguy cơ bị nước biển nhấn chìm do tình trạng ấm lên toàn cầu.
Nóng lên toàn cầu buộc động thực vật xứ lạnh di chuyển tới nơi lạnh hơn
Hệ quả của biến đổi khí hậu là nhiệt độ trái đất nóng lên cũng đang đe dọa đến việc duy trì giống nòi của vẹt mào, một trong những loài chim bản địa của Australia cũng như chim cánh cụt Gentoo sống tại Nam Cực và một số vùng phía Nam Australia.
Báo cáo cũng khẳng định rằng, do nhiệt độ nước biển tăng cao khiến cho loài rùa xanh sinh ra nhiều con cái hơn con đực, đe dọa đến sự cân bằng để bảo tồn giống nòi.
Những thay đổi trong điều kiện khí hậu và lượng khí carbon dioxide tăng nhanh chóng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái, nguồn cung cấp nước ngọt, không khí, nhiên liệu, năng lượng sạch, thực phẩm và sức khỏe.
Dưới tác động của nhiệt độ, không khí và băng tan, số lượng các rạn san hô ngày càng có xu hướng giảm. Điều đó cho thấy, cả hệ sinh thái trên cạn và dưới nước đều đang phải hứng chịu những tác động từ lũ lụt, hạn hán, cháy rừng, cũng như hiện tượng axit hóa đại dương.
Trước thực tế này, Hội đồng khí hậu kêu gọi chính quyền Australia cần có hành động mạnh mẽ hơn nhằm đảm bảo hệ sinh thái của nước này có thể thích ứng với điều kiện thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng.
Ngọc Linh (t/h)