Bình Định: Bãi tắm bị xóa sổ do bờ biển sạt lở

Doãn Công|09/05/2017 01:58
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Bà Trần Thị Cúc (61 tuổi, thôn An Quang Đông), cho biết: “Tôi sống ở đây hơn 40 năm, nhưng chưa thấy năm nào thấy tình trạng biển xâm thực, gây sạt lở nghiêm trọng như hiện nay. Trước đây, tình tình trạng xâm thực cũng có nhưng sau đó biển cũng tự bồi đắp lại. Tuy nhiên, khoảng 3 năm nay biển xâm thực tới đâu thì gây sạt lở tới đó nhưng không bồi đắp lại như cũ. Cuối năm 2016, chỉ trong vòng chỉ 1 tuần, sóng biển “nuốt” cả 100 mét bờ biển, gây sạt lở đất. Mới cách đây chừng nửa tháng, biển xâm thực đã đánh sập, gây đổ hàng loạt cây dương phòng hộ ven biển”.

(Moitruong.net.vn) – Người dân thôn An Quang Đông, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, Bình Định đang rất lo lắng về tình trạng biển xâm thực, những hàng phi lao bị cuốn trôi và bãi tắm tự hào của người dân nơi đây đang có nguy cơ bị biến mất. 

>>Vĩnh Phúc: Dừng chủ trương xây nghĩa trang ở rừng phòng hộ

4-1494499807191

Do bị sạt lở nên các hàng quán tại bãi biển cũng phải nghỉ hoạt động

Còn anh Trần Thanh Châu (39 tuổi, chủ quán giải khát ven biển) cho hay: “Thời gian qua, bờ biển Đề Gi đã bị sạt lở gần cả 100 m, nhiều gốc phi lao của rừng phòng hộ ven biển đã bị sóng đánh đổ ngã. Trước đây, bãi biển thoai thoải, trải dài, cát mịn nên thu hút du khách và nhân dân địa phương đến đây tắm biển. Bây giờ, bãi biển bị xâm thực, cát không bồi lại nữa nên người tắm cũng ít. Cứ đà này, chẳng bao lâu bãi tắm đẹp này sẽ bị “xóa sổ” mất”.

Theo ông Trần Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát (Bình Định), trước đây tình hình biển xâm thực ở khu vực phía nam cảng Đề Gi (thôn An Quang Đông, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát), diễn ra từ tháng 9 – 11 và tự bồi lấp từ tháng 4 – 8 hàng năm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, sóng biển lớn gây xâm thực vào khu vực phía nam cảng cá Đề Gi, gây sạt lở đất, mất an toàn cho các hộ dân sinh sống gần khu vực này và gây thiệt hại rừng phòng hộ ven biển.

“Trong 2 ngày, 10 và 11/4, do sóng biển lớn đã làm sạt lở một đoạn bờ biển dài gần 400 m, xâm thực vào đất liền 40 m. Trong đó, diện tích rừng phòng hộ ven biển bị xâm thực gần 1.300 m2, một số cây phi lao (dương) đường kính 0,2 m, chiều cao 8-10 m bị ngã đổ”- ông Hương cho hay.

2-1494499807187

Biển xâm thực tác động rất lớn tới 20 ha rừng phòng hộ

Theo tìm hiểu, từ năm 2014, Công ty Kiến Hoàng được UBND tỉnh Bình Định cho phép thực hiện dự án nạo vét thông luồng cửa biển Đề Gi và tận thu nguồn cát nạo vét với khối lượng khoảng 1 triệu khối cát nhiễm mặn để xuất khẩu nhằm bù đắp chi phí thi công. Theo thiết kế, vùng cho phép nạo vét tận thu cát là khu vực luồng và phía Nam cửa biển. Thế nhưng, Công ty Kiến Hoàng không chỉ nạo vét trong khu vực cho phép mà còn khai thác cát cả khu vực bên ngoài khu vực cho phép. Thậm chí, theo người dân địa phương, công ty còn đưa cả thiết bị lên bờ phía bên kia cửa biển để hút cát cả ngày lẫn đêm. Được biết, thời gian qua, Công ty Kiến Hoàng đã xuất khẩu hàng trăm ngàn mét khối cát nhiễm mặn sau khi khai thác được từ cửa biển Đề Gi với giá khai báo thông quan chỉ từ 0,8 đến 1,2 USD/m3, tức khoảng 20.000-25.000 đồng/m3. Trong khi đó, giá loại cát này tại thị trường TP Quy Nhơn khoảng 100.000 đồng/m3.

Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Thành Tiến – Chủ tịch UBND xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) cho biết: “Nguyên nhân sạt lở bờ biển do việc tận thu cát miễn mặn, chưa thể khẳng định. Tình trạng biển xâm thực diễn ra từ đầu tháng 1/2017, đến nay có khoảng 1,5 ha diện tích bờ biển bị sạt lở, đe dọa đến rừng phòng hộ phi lao ven biển. Hiện tại, UBND tỉnh Bình Định đã cử đoàn công tác về tại địa phương để tìm hiểu nguyên nhân sạt lở và hướng khắc phục để người dân yên tâm. Chúng tôi vẫn đang chờ kết quả”.

Doãn Công


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bình Định: Bãi tắm bị xóa sổ do bờ biển sạt lở
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.