Bình Định: Mua bán, phá dỡ trái phép thiết bị tàu biển triệu đô, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

Thái Bình|19/12/2017 16:04
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Chỉ dựa vào một hợp đồng vô hiệu mà các đối tượng đã tự ý tháo dỡ thiết bị, máy móc từ con Con tàu Fei Yue 9 (tàu nước ngoài) có tải trọng 4.000 tấn đang mắc cạn tại Ghềnh Ráng, Tp.Quy Nhơn . Đặc biệt, các đối tượng này còn tự ý hút dầu từ cong tàu lên bờ bằng thiết bị thô sơ, không có phương án ứng phó với sự cố tràn dầu. Việc tháo dỡ thiết bị, máy móc và hút dầu trái phép từ con tàu Fei Yue 9 lại được sự đồng thuận của lực lượng Biên phòng cửa khẩu cảng Quy Nhơn.

Vdeo Clip thể hiện một nhóm người đang tháo dỡ thiết bị, hút dầu từ tàu Fei Yue trái phép

Ai “bảo kê” cho tháo dỡ, hút dầu trên tàu Fei Yue trái phép? 

Tàu Fei Yue 9 là một trong 9 con tàu gặp nạn trong cơn bão số 12 Damrey (con voi) gây ra, dạt vào bờ và mắc cạn tại khu vực Phường Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định vào ngày 04/11/2017.

Việc các tàu biển gặp sự cố mắc cạn là điều hết sức bình thường sau những cơn bão. Tuy nhiên, việc ứng cứu các tàu gặp nạn lại là một vấn đề rất lớn, nếu phương án ứng cứu không tuân thủ các điều kiện của pháp luật thì hậu quả sẽ khôn lường. Việc ứng cứu các tàu gặp nạn của các doanh nghiệp trong nước đã khó như vậy, còn đối với các tàu có quốc tịch nước ngoài còn khó khăn gấp nhiều lần. Trong Video Clip mà bạn đọc gửi cho toà soạn Moitruong.net.vn thể hiện có một vài người xin lên tàu để khảo sát, nhưng lại bị một cán bộ biên phòng ra ngăn cản. Ngược lại trên tàu lại thấy một nhóm người đang tiến hành tháo dỡ thiết bị, hút dầu trên tàu nhưng không thấy biện pháp an toàn nào được sử dụng. Những người xin lên tàu nhận được câu trả lời từ một cán bộ mặc đồng phục Bộ đội Biên phòng là vì họ có hợp đồng và được cơ quan chức năng cho phép.

Hình ảnh nhóm người đang ngang nhiên tháo dỡ thiết bị trên tàu Fei Yue

Qua tìm hiểu của PV Moitruong.net.vn, Fei Yue 9 là tàu của nước ngoài thuộc công ty Foresight Marine Ltd có trụ sở tại Hong Kong, Trung Quốc.

Để làm rõ hơn sự việc, PV Moitruong.net.vn đã có buổi làm việc với Thượng tá Trương Duy Hải – Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Quy Nhơn. Ông khẳng định Tàu Fei Yue 9 chưa hề có phương án tháo dỡ, cứu hộ, hoàn toàn dựa vào một bản hợp đồng kinh tế, biện pháp an toàn và phương án xử lý sự cố môi trường là hoàn toàn không có.

Cũng đồng quan điểm với ông Hải, Thượng tá Huỳnh Kim Chắt – Chính chị viên Đồn biên phòng cửa khẩu Quy Nhơn, xác nhận người mặc quần áo Bộ đội biên phòng trong đoạn clip phá dỡ tàu Fei Yue 9 là Trung úy Nguyễn Hoàng Thi. Ông cho biết thêm, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Bình Định chỉ đạo việc bảo vệ tài sản giữ gìn an ninh trật tự tại nơi tàu Fei Yue gặp nạn cho đơn vị. Đồng thời “hợp đồng vô hiệu” lại được ông Chắt lấy làm cớ biện minh cho hoạt động của nhóm người trên tàu Fei Yue 9.

Người mặc quân phục bộ đội biên phòng trong ảnh được cho là Trung úy Nguyễn Hoàng Thi, công tác tại Đồn biên phòng cửa khẩu Quy Nhơn

Vậy hợp đồng trên có nội dung ra sao? Tại sao đơn vị Đồn biên phòng cửa khẩu Quy Nhơn lại dùng nó làm cớ để cho nhóm người thực hiện hoạt động trái phép trên tàu Fei Yue 9? Theo hồ sơ PV Moitruong.net.vn thu thập được, thực chất đây là hợp đồng kinh tế được ký kết ngày 11/11/2017, giữa bên mua là Cty TNHH TM DV DX Hùng Anh tại địa chỉ số 09 Lưu Hữu Phước, TP. Quy Nhơn, người đại diên là Võ Thiên Sinh chức vụ giám đốc với bên bán là M.V Fei Yue 9 (Foresight Marine Ltd) địa chỉ tại Sanghai, China với người đại diện là Mr Yang Jie và không ghi chức vụ. Theo đó, M.V Fei Yue 9 bán cho bên mua các bộ phận phụ tùng máy móc đã qua sử dụng với trị giá 3000 USD.

Liệu có “đá bóng” trách nhiệm?

Ngày 13/12, PV Moitruong.net.vncó cuộc trao đổi với ông Huỳnh Tấn Thi – Phó Chi cục trưởng Chi cục hải quan cửa khẩu Quy Nhơn. Nhưng trái với quan điểm của Đồn biên phòng cửa khẩu Quy nhơn và Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn, ông cho biết: hiện nay, bên hải quan chưa nhận được hồ sơ làm các thủ tục về xuất, nhập khẩu và thuế, phí theo quy định của pháp luật về các giao dịch hàng hóa hay quyền sở hữu của con tàu Fei Yue 9.

Sau cơn bão số 12, Tàu Fei Yue nămg chênh vênh trên vách đá

Tiếp đó phóng viên có trao đổi với ông Liễu Minh Hà – Phó giám đốc Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn, ông cho biết: Hiện nay, Cảng vụ chưa nhận được phương án phá dỡ tàu Fei Yue 9 và phương án hút dầu, vì việc hút dầu này phải được Cảng vụ giám sát. Tuy nhiên khi được cho xem clip hút dầu thì ông Nguyễn Văn Liêm trưởng phòng An toàn hàng hải, Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn thừa nhận cũng không nắm được việc hút dầu của con tàu này.

Ngay sau đó, ông Nguyễn Văn Liêm cũng cung cấp cho phóng viên một thông báo của Công ty CP đại lý hàng hải Việt Nam, chi nhánh đại lý hàng hải Quy Nhơn ngày 08/12/2017 về việc tàu Fei Yue 9 đã đươc chuyển quyền sở hữu cho Cty Vĩnh Huy. Theo thông báo này, Cty TNHH Vĩnh Huy có trụ sở tại 194-196 Võ Liệu, Ghềnh Ráng, Quy Nhơn, Bình Định tiếp nhận tàu từ 12:00 giờ ngày 07/12/2017. Đồng thời chi nhánh đại lý hàng hải Quy Nhơn đã thu xếp cho thuyền trưởng và máy trưởng hồi hương về Trung Quốc tối cùng ngày. Chỉ bằng thông báo này Chi nhánh đại lý hàng hải Quy Nhơn đã chấm dứt công tác đối với tàu Fei Yue 9 sau khi 2 thuyền viên và mọi vấn đề liên quan đến tàu Fei Yue 9 sẽ do Công ty Vĩnh Huy phụ trách.

Nhận định của một chuyên gia ngành xuất nhập khẩu cho rằng: Hợp đồng kinh tế bán một số thiết bị trên tàu Fei Yue 9 là vô hiệu, việc chuyển quyền sở hữu cho công ty TNHH Vĩnh Huy cũng vậy. Bên cạnh đó, việc chưa làm các thủ tục về xuất nhập khẩu theo Điều 28 của Nghị định 05/2017, Điều 6 Nghị định 114/2014 nên hành vi cho người tháo dỡ, di chuyển vào đất liền Việt Nam là trái phép.

Tòa soạn Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về trách nhiệm của những người có liên quan trong các bài báo tiếp theo.

Thái Bình

“Việc xử lý tài sản chìm đắm thuộc sở hữu của tổ chức cá nhân nước ngoài được thực hiện như sau: Điều 28, Nghị định 05/2017 quy định về việc xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam

  1. Tài sản chìm đắm là tàu thuyền sau khi trục vớt nếu được bán cho tổ chức cá nhân Việt Nam thì phải thực hiện các thủ tục về xuất, nhập khẩu và thuế, lệ phí theo quy định cảu pháp luật.
  2. Tài sản chìm đắm là hàng hóa hoặc các vật thể khác, sau khi được trục vớt nếu được bán tại Việt Nam thì phải thực hiện các thủ tục như đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định.
  3. Tài sản chìm đắm là tàu thuyền công vụ nước ngoài hoặc tàu chiến nước ngoài sau khi trục vớt thì được xử lý thông qua cơ quan ngoại giao.

Điều 6, Nghị định 114/2014 quy định về đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, pháp dỡ tàu biển đã qua sử dụng:

Quy định về việc phá dỡ tàu biển Việt Nam, tàu biển nước ngoài bị chìm đắm tại Việt Nam:

  1. Tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam nếu thực hiện phá dỡ tại Việt Nam phải thực hiên theo quy định tại Điều 17,18,19 của Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
  2. Trường hợp tàu biển mang cờ quốc tịch nước ngoài bị tai nạn, hư hỏng hoặc bị chìm đắm nếu có nhu cầu pháp dỡ tại Việt Nam thì phải thực hiện việc nhập khẩu, pháp dỡ tàu biển theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Mua bán, phá dỡ trái phép thiết bị tàu biển triệu đô, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường