Bình Định: Tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường

Gia Hân|28/02/2023 09:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ngày 27/2, tại Bình Định, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ và triển khai công tác thanh tra, kiểm tra ngành tài nguyên và môi trường năm 2023.

Hội nghị là hoạt động thường xuyên, định kỳ được tổ chức hàng năm với mục đích đánh giá, rút kinh nghiệm, thông qua các kết quả đã đạt được, các mặt còn tồn tại, hạn chế trong công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nhất là thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai; đồng thời tăng cường hơn nữa sự phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về TN&MT giữa các Bộ với các địa phương; là dịp để cán bộ, đơn vị làm công tác thanh tra, kiểm tra TN&MT của Bộ và địa phương được giao lưu, học hỏi, tăng cường, thúc đẩy mối quan hệ phối hợp trong công tác.

tap-huan-ve-tai-nguyen-moi-truong.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa (đứng hàng đầu, thứ 05 từ phải qua) và ông Nguyễn Tuấn Thanh (thứ 6 từ phải qua) cùng lãnh đạo các đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, trong các năm vừa qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, tuy nhiên công tác thanh tra, kiểm tra của ngành TN&MT đã có nhiều cố gắng, đạt được những kết quả nhất định. Kế hoạch thanh tra của toàn Ngành được xây dựng, ban hành đã tuân thủ theo quy định của Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn, bám sát định hướng của Thanh tra Chính phủ và yêu cầu công tác quản lý của ngành; nội dung thanh tra đã có trọng tâm, trọng điểm, đã tập trung vào một số vấn đề nổi cộm về TN&MT.

Bên cạnh đó, thanh tra ngành đã chú trọng vào công tác thanh tra kết hợp nhiều lĩnh vực, qua đó đã giảm bớt tình trạng chồng chéo về đối tượng, tiết kiệm nguồn nhân lực thực hiện và đảm bảo hiệu quả trong công tác thanh tra, kiểm tra; công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất được quan tâm, tỷ lệ tăng dần trong tổng các cuộc thanh tra, kiểm tra hàng năm.

Kết quả, từ năm 2020 đến 2022, toàn Ngành đã triển khai 4.727 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 12.826 tổ chức, cá nhân; trong đó thanh tra, kiểm tra đột xuất 1.315 cuộc, chiếm gần 30% số cuộc. Qua thanh tra đã xử phạt vi phạm hành chính 2.606 tổ chức, cá nhân với số tiền 341 tỷ 634 triệu đồng, kiến nghị truy thu nộp ngân sách nhà nước 52 tỷ 895 triệu đồng; kiến nghị thu hồi 4.897 ha đất và thu hồi 10 giấy phép khai thác khoáng sản. Trong giai đoạn này, toàn Ngành đã tổ chức tiếp 10.582 lượt công dân, tiếp nhận và xử lý được 42.782 lượt đơn, tham mưu giải quyết được hơn 80% số vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác thanh tra, kiểm tra của Ngành còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Kế hoạch thanh tra của một số địa phương chưa chọn "đúng", “trúng” các vấn đề bức xúc, nội dung chưa có trọng tâm, trọng điểm; tỷ lệ các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất tăng nhưng vẫn còn thấp so với yêu cầu; việc triển khai kế hoạch còn chậm so với kế hoạch được phê duyệt; kết luận thanh tra ban hành còn chậm, chưa đảm bảo thời gian theo quy định; việc kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra còn hạn chế, tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản qua đôn đốc, xử lý sau thanh tra còn thấp. Việc phát hiện những tồn tại, bất cập và kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật và chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TN&MT qua công tác thanh tra đã có chuyển biến nhưng chưa kịp thời và hiệu quả chưa cao. Còn nhiều hành vi vi phạm pháp luật về TN&MT chưa được kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về TN&MT đã có nhiều cố gắng, nhưng kết quả vẫn chưa cao, vẫn còn nhiều vụ việc khiếu kiện về đất đai tồn đọng, kéo dài, chưa giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Để công tác thanh tra, kiểm tra về TN&MT tạo bước đột phá, trở thành công cụ sắc bén, hữu hiệu, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TN&MT, cũng như việc triển khai thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra năm 2023 theo đúng Kế hoạch thanh tra của Bộ và định hướng của Thanh tra Chính phủ, Thứ trưởng đề nghị, các đại biểu tập trung trao đổi một số khó khăn, vướng mắc thường gặp trong công tác quản lý nhà nước về TN&MT qua công tác thanh tra, kiểm tra và các giải pháp để hạn chế các khó khăn, vướng mắc đó, như: lĩnh vực đất đai, khoáng sản sản, tài nguyên nước,…

Đồng thời, trao đổi, thống nhất về nguyên tắc chung áp dụng Bộ Luật hình sự, nhận biết các dấu hiệu của tội phạm trong lĩnh vực TN&MT; một số nội dung cần lưu ý trong việc thực hiện các kết luận thanh tra và việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra; trao đổi kinh nghiệm giữa Bộ với các địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường; công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tranh chấp đất đai qua một số vụ việc giải quyết chưa đúng quy định pháp luật.

Hội nghị tập huấn được diễn ra trong 03 ngày (từ 27/2 -1/3), các đại biểu đã nghe các tham luận về một số tồn tại thường gặp trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, khoáng sản, môi trường, nước … kinh nghiệp tiếp công dân, đồng thời trao đổi, giải đáp các vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và các vướng mắc về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường