Tại xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng đã xảy ra cháy cục bộ một số lô cao su của các hộ tiểu điền do các hộ chủ quan ít đến thăm vườn trong những ngày nghỉ Tết. Các xã Thống Nhất, thị trấn Đức Phong và làng 10 của huyện Bù Đăng cũng đã xảy ra cháy các lô cao su.
Để chủ động phòng chống cháy rừng cao su, một số hộ ở xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh đã “sáng chế” ra loại máy quạt thổi lá cao su. Bà con dùng máy cắt cỏ rồi tự chế cánh quạt lớn gắn vào máy để thổi lá cao su rụng tạo đường băng chống cháy lan, vừa hiệu quả vừa tiết kiệm công sức.
Người dân ở ấp 3, xã Lộc Hưng dùng máy thổi lá khô phòng chống cháy lô cao su., Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Văn Sự, ở ấp 3 xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh cho biết sử dụng chiếc máy này gom được lá cao su khô rụng khắp vườn và kiểm soát được vườn cây hơn 2,5 ha của gia đình. Theo ông Sự, vào mùa Xuân, cây cao su thay lá mới. Phần lớn cây cao su trong vườn rụng lá đồng loạt khi gặp trời hanh khô kéo dài. Nếu chủ quan, để lá khô rụng đầy gốc cây và ở mức tạo thảm khô dày trong vườn khi gặp cháy rất khó cứu vườn cây. “Kinh nghiệm là sau khi cây rụng lá khô nhiều nên dùng máy quạt thổi lá ra khỏi vườn cây, thu gom lá khô lại để phòng chống cháy” – ông Sự chia sẻ.
Địa bàn tỉnh Bình Phước có 5 doanh nghiệp trồng cao su lớn đang căng sức phòng cháy chữa cháy trong cao điểm mùa khô. Với kinh nghiệm nhiều năm qua, để thực hiện tốt công tác phòng chống, ngăn chặn cháy, Công ty Trách nhiệm hữu hạn – Một thành viên cao su Phú Riềng chủ động lên kế hoạch phòng chống cháy rừng. Hiện các lô cao su của Công ty đang trong giai đoạn thay lá với mức rụng 95%. Những lớp lá rụng xuống được công nhân thổi ra khỏi gốc nhưng giữ lại trong lô để tạo mùn và độ ẩm, chống xói mòn, suy thoái đất…
Hồng Nhung (T/h)