Bình Thuận: Thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Ngọc Linh (t/h)|11/04/2019 04:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

– Bình Thuận tận dụng nhiều nguồn vốn đầu tư để đóng thuyền công suất lớn, phục vụ khai thác xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần, chế biến hải sản trên biển. Nhờ đó, đội tàu công suất lớn của tỉnh Bình Thuận đang ngày càng hoàn thiện và phát triển mạnh.

>>> Đồng bằng sông Cửu Long: Xuất hiện hơn 300 điểm sạt lở

>>> Thừa Thiên Huế: Áp dụng trồng giống keo thân thiện môi trường

Bình Thuận Là tỉnh duyên hải cực Nam Trung Bộ, Bình Thuận có diện tích tự nhiên 7.812km2 với bờ biển dài 192km, vùng lãnh hải rộng 52.000km2, dọc khu vực ven biển, trên biển và hải đảo có nguồn tài nguyên phong phú, nhiều cảnh quan đẹp…

Theo đó, các loại tàu công suất lớn, trong đó có các tàu vay vốn từ Nghị định 67 của Chính phủ được thiết kế hiện đại, có hầm bảo quản bằng công nghệ PU (hầm chứa cách nhiệt bằng vật liệu xốp polyurethane), có thể kéo dài thời gian ra khơi.

Hiện nay, ngư dân Bình Thuận không chỉ đầu tư hầm bảo quản bằng công nghệ PU, mà còn áp dụng nhiều kỹ thuật, công nghệ mới khác như: Máy dò ngang cho phép mở rộng phạm vi dò từ 300 đến hơn 1.000 m, máy thông tin tầm xa, máy thu lưới dẫn động bằng thủy lực, radar hàng hải, hệ thống tời thủy lực để thu lưới, thu câu… nên đem lại hiệu quả kinh tế cho ngư dân đánh bắt xa bờ.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã có 114 chiếc đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ, trong đó có 18 tàu cá vỏ thép, 8 tàu cá vỏ composite, 88 tàu cá vỏ gỗ và 6 chiếc nâng cấp đã hoàn thành, đi vào hoạt động có hiệu quả. Hầu hết những tàu trên trị giá hàng chục tỷ đồng đều được thiết kế với công nghệ bảo quản sản phẩm, trang thiết bị hàng hải hiện đại nhất, đáp ứng nhu cầu đánh bắt xa bờ và nâng cao hiệu quả kinh tế cho ngư dân.

Những năm qua, ngư dân tỉnh Bình Thuận tận dụng nhiều nguồn vốn đầu tư để đóng tàu thuyền công suất lớn, phục vụ khai thác xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần, chế biến hải sản trên biển. Nhờ đó, đội tàu công suất lớn của tỉnh Bình Thuận đang ngày càng hoàn thiện và phát triển mạnh.

Bên cạnh việc khuyến khích ngư dân đầu tư đóng mới tàu công suất lớn, tỉnh Bình Thuận cũng khuyến khích phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần. Đây là những tàu thu mua chế biến hải sản trên biển, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân bám biển dài ngày, tiết kiệm chi phí vận chuyển, nâng cao giá trị khai thác thủy sản.

Hiện toàn tỉnh Bình Thuận đã có hơn 100 chiếc tàu làm dịch vụ hậu cần trên biển. Đây là những con tàu được trang bị hệ thống máy móc hiện đại với công suất mỗi chiếc từ 450-700CV, phục vụ việc thu mua, sơ chế hải sản và cung cấp nguyên liệu cần thiết cho ngư dân. Nhờ đó, sản lượng khai thác hải sản hàng năm đều tăng trưởng cao.

Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, thời gian qua, các tàu cá đóng mới, nâng cấp công suất lớn và đặc biệt là việc thực hiện đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ ở Bình Thuận đều bảo đảm chất lượng và bước đầu phát huy hiệu quả.

Quá trình tổ chức thực hiện đóng mới từ khâu thiết kế kỹ thuật, phê duyệt thiết kế, giám sát, kiểm tra an toàn kỹ thuật và việc giám sát thực hiện hợp đồng đóng tàu của chủ tàu trong suốt quá trình thi công đã được tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy trình kỹ thuật. Số lượng tàu cá đóng mới được đầu tư đồng bộ, hiện đại, khuyến khích được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển thủy sản, góp phần quan trọng vào việc tái cơ cấu ngành khai thác thủy sản và tổ chức lại sản xuất trên biển.

Mặc dù kinh tế biển của tỉnh Bình Thuận đã đạt được những kết quả bước đầu không nhỏ, nhưng nhìn chung, quy mô kinh tế biển còn nhỏ bé và đang ở trình độ thấp chưa tương xứng với tiềm năng kinh tế biển của tỉnh. Tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển vào Tổng sản phẩm nội địa của địa phương (RGDP) còn thấp.

Công nghiệp chế biến thủy sản còn yếu. Kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu như ít cảng cá, quy mô đầu tư cũng như các dịch vụ kèm theo cảng kém. Các chương trình hỗ trợ ngư dân cải tạo tàu thuyền, nâng cao công suất để vươn xa vẫn còn hạn chế. Chất lượng nguồn lao động biển còn thấp. Đời sống của một bộ phận cư dân vùng biển còn nhiều khó khăn, nhất là vùng bãi ngang. Tình trạng xâm thực biển xảy ra nhiều nơi, làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân.

Những hạn chế này chủ yếu là do nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của kinh tế biển chưa đầy đủ; công tác điều tra tài nguyên biển, nhất là dự báo ngư trường, nguồn lợi thủy sản chưa tốt.

Công tác quy hoạch phát triển các ngành kinh tế biển còn bất cập, mâu thuẫn, chưa gắn kết trong phát triển; thu hút đầu tư phát triển kinh tế biển còn hạn chế. Trên thực tế, biến đổi khí hậu đã trực tiếp tác động, làm thời tiết diễn biến thất thường, nước biển xâm thực gây xói lở nhiều khu vực dọc ven biển trong đất liền và xung quanh đảo Phú Quý, làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân.

Bên cạnh đó, tỉnh Bình Thuận cũng triển khai nhân rộng các mô hình như: Tổ tàu thuyền đoàn kết, nghiệp đoàn tàu cá,… để liên kết giúp nhau đánh bắt, khai thác hải sản xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển. Ngoài ra, Bình Thuận còn có chủ trương kết hợp khai thác với đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, tăng cường các biện pháp bảo vệ ngư trường, tái tạo nguồn lợi thủy sản…

Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa của Trung ương và địa phương đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Bà con ngư dân tích cực ủng hộ, vươn khơi bám biển, nâng cao đời sống và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Ngọc Linh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Thuận: Thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo