Bình Thuận yêu cầu làm rõ dầu vón cục trôi vào bờ biển

Theo Pháp luật TP. HCM|22/12/2018 11:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo đó, Bình Thuận có bờ biển dài 192 km, là khu vực quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của tỉnh và của cả nước nhưng xuất hiện nhiều thách thức, trong đó có hiện tượng dầu vón cục trôi dạt vào bờ biển.

– Ngày 21-12, ông Lê Tuấn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đã có công văn gửi Bộ TN&MT kiến nghị xác định nguyên sự cố gây ra tràn dầu trên vùng biển của tỉnh Bình Thuận, có phương án, giải pháp ngăn chặn phù hợp.

>>> Kìm hãm biến đổi khí hậu bằng mây nhân tạo

>>> Huế: Tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp

Từ năm 2006, hằng năm vào thời điểm chuyển mùa, khoảng tháng 3 đến tháng 5 và tháng 8 đến tháng 10 thường xuất hiện hiện tượng dầu vón cục trôi dạt vào bờ biển Bình Thuận, vệt dầu loang trên mặt nước biển, trên bãi cát dầu vón cục mềm hoặc rắn với nhiều kích thước khác nhau, thường tan ra thấm vào cát khi nắng lên, điển hình là sự cố tràn dầu năm 2012 tại đảo Phú Quý và sự cố tràn dầu năm 2014 tại TP Phan Thiết.

Cụ thể, ngày 17-9-2012, trên bờ biển Phú Quý phát hiện một số lượng lớn hắc ín (dầu hắc) trôi dạt vào bờ biển. Dầu trôi dạt chủ yếu vào bờ biển trên địa bàn hai xã Ngũ Phụng và xã Tam Thanh kéo dài trên 6 km bờ biển.

Cơ quan Thường trực Ban chỉ huy Ứng phó sự cố tràn dầu tỉnh cùng cán bộ của Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Nam ra đảo, phối hợp với UBND huyện Phú Quý và các cơ quan liên quan huy động lực lượng tổ chức ứng phó, thu gom kịp thời, hạn chế đến mức tối đa ảnh hưởng đến dân sinh và hệ sinh thái biển quanh đảo.

Đến ngày 24-9-2012, tình hình đã cơ bản được kiểm soát. Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận đã có công văn gửi Tổng cục Biển và Hải đảo hướng dẫn phương án xử lý chất thải nhiễm dầu đã được thu gom (khoảng bảy tấn bao gồm cả cát, rác nhiễm dầu), nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến mức thấp nhất môi trường và phù hợp với điều kiện của tỉnh.

Ngoài ra, công văn còn đề nghị Công ty Liên doanh Điều hành Cửu Long quan tâm hỗ trợ trong việc vận chuyển và xử lý chất thải lẫn dầu từ sự cố tràn dầu Phú Quý ở phương án tối ưu nhất theo khả năng của công ty. Tuy nhiên, đến nay tỉnh vẫn chưa nhận được phản hồi từ các cơ quan, đơn vị trên nên việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn.

Đến ngày 27-4-2014, dầu vón cục lại trôi dạt vào bờ biển TP Phan Thiết và lân cận. Khu vực có dầu vón cục tấp vào bờ trải dài từ Khu du lịch Suối Nhum đến bờ biển Đồi Dương; khu vực Long Sơn – Suối Nước (khoảng 300 m đường bờ). Trong khu vực bị dầu trôi dạt này, nhạy cảm nhất là khu vực bãi tắm Đồi Dương, đây là khu vực du lịch cộng đồng, tập trung lượng lớn khách tham quan và tắm biển trong dịp lễ, Tết.

Sau đó, Thường trực Ban chỉ huy Ứng phó sự cố tràn dầu của tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức có liên quan huy động lực lượng tiến hành thu gom dầu và chất thải nhiễm dầu tập kết vào vị trí an toàn.

Cùng với rác thải trôi dạt tấp vào bờ, hiện tượng dầu vón cục gây thiệt hại không nhỏ đối với các ngành kinh tế biển mũi nhọn của tỉnh như du lịch, thủy sản, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân. Mặc dù đã huy động lực lượng ứng phó của tỉnh, của các cơ sở du lịch nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để, nhất là việc phát hiện và ngăn chặn kịp thời ngay từ nơi phát sinh sự cố vượt ngoài khả năng của tỉnh Bình Thuận.

Được biết vào những thời điểm kể trên, nhiều bãi biển ở Bình Thuận xuất hiện vô số viên dầu vón cục to bằng viên bi, có viên to bằng trái banh tennis, bị sóng đánh dạt lên bờ. Khi gặp nắng, loại dầu vón cục tan chảy gây ô nhiễm môi trường cả một vùng biển dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh doanh du lịch.

Theo Pháp luật TP. HCM


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bình Thuận yêu cầu làm rõ dầu vón cục trôi vào bờ biển
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.