Ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay, nó đe dọa đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và nhiều hệ lụy khác mà con người phải gánh chịu. Giáo dục cho học sinh ý thức bảo vệ môi trường là một giải pháp bảo vệ môi trường cho tương lai. Hoạt động giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp là một trong những nội dung quan trọng trong công tác giáo dục tại các nhà trường từ cấp học mầm non đến đại học. Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Lê trọng Hùng – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
PGS.TS. Lê Trọng Hùng – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
MT&CS: Bảo vệ môi trường là một vấn đề sống còn của đất nước, của nhân loại. Nhiều năm qua, bảo vệ môi trường nói chung và giáo dục và đào tạo về bảo vệ môi trường nói riêng được Đảng, Nhà nước rất quan tâm và đã có nhiều chủ trương, biện pháp giải quyết các vấn đề môi trường, đặc biệt là công tác giáo dục nâng cao nhận thức về môi trường cho các học sinh, sinh viên. Ông đánh giá như thế nào về chất lượng giáo dục môi trường trong học đường thời gian vừa qua?
PGS.TS. Lê Trọng Hùng: Giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp là một trong những nội dung quan trọng trong công tác giáo dục tại các nhà trường từ cấp học mầm non đến đại học. Hoạt động giáo dục bảo vệ môi trường đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đối với các em học sinh, sinh viên đồng thời tạo hiệu ứng cho toàn cộng đồng, hướng đến các mục tiêu phát triển môi trường bền vững.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Chỉ thị 02/2005/CT-BGDĐT ngày 31 tháng 01 năm 2005 về việc “Tăng cường công tác giáo dục bảo vệ môi trường”; Chỉ thị số 40/2008/CT-BGDĐT ngày 22/07/2008 về việc phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các trường phổ thông giai đoạn 2008-2013. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong cả nước tổ chức triển khai các nhiệm vụ về giáo dục bảo vệ môi trường, đưa nội dung giáo dục môi trường vào trường học. Từ đó, hướng dẫn xây dựng chương trình, tài liệu giảng dạy, học tập và tài liệu tham khảo về Giáo dục bảo vệ môi trường (GDBVMT) của các cấp học, trình độ đào tạo làm cơ sở cho việc thực hiện thống nhất mục tiêu, nội dung và phương pháp GDBVMT trong các cơ sở giáo dục, đào tạo; tổ chức tập huấn cho giáo viên cốt cán các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông về các phương pháp tích hợp/lồng ghép nội dung giáo dục môi trường vào các môn liên quan trực tiếp đến môi trường như sinh học, địa lý, giáo dục công dân.., qua đó đã xây dựng được mạng lưới đội ngũ giáo viên cốt cán triển khai nhiệm vụ tập huấn, tuyên truyền về giáo dục bảo vệ môi trường tại cơ sở. Đội ngũ giáo viên cốt cán này đã phát huy hiệu quả vai trò của mình trong việc triển khai nhiệm vụ GDBVMT tại địa phương.
Cùng với đó là việc xây dựng được hệ thống các trường xanh sạch đẹp góp phần mở rộng các trường chuẩn quốc gia, đồng thời gắn với các hoạt động thông tin, tuyên truyền đa dạng và phong phú, từng bước nâng cao nhận thức giáo dục về BVMT trong hệ thống giáo dục quốc dân nói riêng và cho cả cộng đồng nói chung, như: tổ chức các sự kiện môi trường: Ngày môi trường thế giới 5/6, Hưởng ứng Ngày trái đất, Ngày đa dạng sinh học…hoặc tổ chức các cuộc thi viết, thi vẽ, nhiếp ảnh và các tư liệu về môi trường và BVMT ở quy mô quốc gia như: cuộc thi “Hành tinh xanh”; “Cuộc sống xanh”; “Hành động vì môi trường”; “Nước dùng cho hôm nay, giữ sạch cho ngày mai”…tổ chức các cuộc thi triển lãm tranh, ảnh về môi trường, sáng tác tranh cổ động tuyên truyền về bảo vệ môi trường của giáo viên và sinh viên của các trường nghệ thuật và sư phạm.
Với sự chỉ đạo mạnh mẽ của Bộ, ngành, các giải pháp tích cực, cụ thể, thời gian qua các hoạt động giáo dục trong nhà trường, ý thức về bảo vệ môi trường của đội ngũ cán bộ, học sinh và sinh viên được nâng lên rõ rệt. Nhiều mô hình tốt về bảo vệ môi trường được xây dựng, nhiều nhà trường trở thành trường xanh-sạch-đẹp. Có thể khẳng định giáo dục bảo vệ môi trường trong trường học đã đạt nhiều thành công, góp phần không nhỏ cho sự nghiệp bảo vệ môi trường của toàn dân.
MT&CS: Theo tìm hiểu, các trường ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, việc tiếp cận với những kiến thức về môi trường trong học đường của các em chưa được đảm bảo, vì vậy nhận thức về môi trường của học sinh nơi đây còn rất hạn chế. Bộ GD&ĐT có những chính sách quan tâm như thế nào đối với các trường vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo?
PGS.TS. Lê Trọng Hùng: Được sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, nhiều chính sách về giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn đã được ban hành, tạo điều kiện để giáo dục phát triển, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương. Theo đó, mặc dù kinh phí rất hạn hẹp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai xây dựng mô hình nhà trường “xanh – sạch – đẹp” phù hợp với các vùng, miền, ưu tiên kinh phí cấp xây dựng các mô hình điển hình về giáo dục bảo vệ môi trường tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa như Nghệ An, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Tây Ninh, Hà Giang và Hà Tĩnh; Xây dựng chương trình, giáo trình, bài giảng về giáo dục BVMT cho các cấp học và trình độ đào tạo, trong đó chú trọng xây dựng tài liệu và tập huấn cho giáo viên, biên soạn tài liệu tích hợp và hoạt động ngoài giờ lên lớp cho các trường THPT Dân tộc nội trú cấp tỉnh; đào tạo, tập huấn bồi dưỡng chuyên môn về GDMT cho đội ngũ giáo viên và giảng viên của các cơ sở giáo dục, ưu tiên các thầy cô giáo từ vùng sâu, vùng xa như tập huấn về tích hợp, lồng ghép giáo dục bảo vệ môi trường vào các môn học, ưu tiên cấp cho các tỉnh miền núi và hải đảo từ 2-3 đợt tập huấn/ sở/ trong vòng 5 năm, tập huấn bồi dưỡng nâng cao nhận thức về môi trường cho đội ngũ cán bộ quản lý làm công tác môi trường (thí điểm tại các tỉnh miền núi, vùng khó khăn), tập huấn hướng dẫn bồi dưỡng giáo viên tiểu học cấp trung ương về tích hợp và tổ chức các hoạt động giáo dục bảo vệ môi trường biển, hải đảo cho các sở GD&ĐT của các tỉnh ven biển…
MT&CS: Được biết, công tác giáo dục bảo vệ môi trường trong thời gian qua chưa làm cho học sinh, sinh viên hiểu biết sâu sắc, đầy đủ về chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, cũng như các kiến thức về môi trường để tự giác thực hiện. Việc giáo dục bảo vệ môi trường chưa được triển khai một cách thống nhất và rộng khắp trong cả nước. Xin ông cho biết, Bộ đã có những biện pháp nào để giải quyết tình trạng trên?
PGS.TS. Lê Trọng Hùng: Giáo dục về bảo vệ môi trường là một quá trình lâu dài, đòi hỏi nhiều công sức, tâm huyết của nhà trường và tập thể đội ngũ cán bộ và giáo viên. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ quản lý trong nhà trường phải thấy được trách nhiệm đối với việc bảo vệ môi trường, có những biện pháp giáo dục học sinh thường xuyên, tổ chức các hoạt động mang tính giáo dục cao và có sức thu hút học sinh, sinh viên tham gia một cách tự nguyện, thích thú.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang triển khai một số giải pháp cụ thể:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên và học sinh về các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục bảo vệ môi trường bảo vệ môi trường, gắn việc giáo dục môi trường với việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện và học sinh tích cực”, xây dựng cảnh quan nhà trường xanh, sạch, đẹp.
Hai là, đưa giáo dục bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học trong Chỉ thị năm học của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ba là, hoàn thiện hệ thống tài liệu về giáo dục bảo vệ môi trường, tăng cường chia sẻ tài liệu về giáo dục bảo vệ môi trường qua mạng cho giáo viên và học sinh.
Bốn là, chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục tăng cường phối hợp với tổ chức Đoàn – Đội tổ chức nhiều hoạt động cụ thể và sinh động nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động ngoại khóa về giáo dục môi trường; trong đó chú trọng việc nâng cao hiệu quả của các đội tuyên truyền măng non về vệ sinh môi trường, phổ biến các bài hát có nội dung giáo dục môi trường. Khuyến khích động viên các em tham gia thi tìm hiểu về môi trường dưới các hình thức bài viết, tranh vẽ, chụp ảnh, làm băng hình, . . .
Năm là, tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, hình thành cho các em những thói quen tốt, những kỹ năng sống liên quan đến bảo vệ môi trường.
Sáu là, tiếp tục hướng dẫn và tổ chức bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho giáo viên về giáo dục môi trường nhằm nâng cao khả năng tích hợp, lồng ghép giáo dục môi trường trong các giờ học chính khóa, phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương.
Bảy là, gắn việc giáo dục bảo vệ môi trường với công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật trong nhà trường.
Tám là, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung về giáo dục môi trường nêu trên, coi đó như một hoạt động chuyên môn của ngành. Song song với việc phê bình, xử lý các hiện tượng buông lỏng hoặc xem nhẹ công tác giáo dục môi trường, cần chú trọng việc nêu gương và nhân rộng điển hình những tập thể, cá nhân có những sáng kiến hay, cách làm tốt, hiệu quả trong công tác giáo dục bảo vệ môi trường.
Hồng Hạnh – Thu Thủy (Thực hiện)