Bước tiến trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường

Minh Lâm|30/07/2022 12:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ngày 29/7, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo chuyên đề về công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, trong những năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đã có những bước phát triển, ngày càng hoàn thiện, đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường. Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 với nhiều chính sách, giải pháp đột phá, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững.

Chất lượng môi trường sống tiếp tục được cải thiện, nhất là hoạt động quan trắc, cảnh báo, dự báo về chất lượng môi trường được nâng cao, cung cấp thông tin về môi trường phục vụ tốt cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Tại nhiều địa phương trên cả nước đã xây dựng được các phong trào, mô hình điển hình về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, nhiều mô hình đô thị sinh thái, khu công nghiệp sinh thái, nông thôn mới, sản phẩm sinh thái, thân thiện môi trường đã được triển khai thực hiện.

Năm 2022 là năm bản lề trong việc triển khai các định hướng lớn về môi trường và phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; là năm đầu tiên triển khai các quy định, chính sách mới, đột phá của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đưa ra cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu COP26.

quan-trac.jpg
Chất lượng môi trường sống tiếp tục được cải thiện, nhất là hoạt động quan trắc, cảnh báo, dự báo về chất lượng môi trường được nâng cao

Có 4 chuyên đề chính được tập trung thảo luận tại hội thảo: Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học hướng tới thập kỷ phục hồi hệ sinh thái; Công tác đánh giá tác động môi trường đối với hoạt động đầu tư phát triển; Quản lý chất lượng các thành phần môi trường, nền tảng và mục tiêu của công tác kiểm soát ô nhiễm; Tăng cường, nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.

Các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp nhằm nâng cao công tác bảo vệ môi trường.

GS, TS Đặng Thị Kim Chi, nhà khoa học có nhiều đóng góp cho sự nghiệp môi trường, đã đưa ra sáu đề xuất nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập: Cần phải có thêm những quy định, tiêu chí lượng hóa về đa dạng sinh học; áp dụng công nghệ tốt nhất, phù hợp với nước ta và được cơ quan chức năng thẩm định trong việc đánh giá thiệt hại về tài nguyên; Xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật chuyên ngành được cập nhật liên tục theo thực tế;

Cần thêm những công cụ đánh giá tác động môi trường tổng hợp cho một vùng miền; Những tham vấn cộng đồng về đánh tác động môi trường cần phải được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để người dân đóng góp ý kiến, giám sát;

Trong đánh giá tác động của dự án tới môi trường, phải có những cơ chế ràng buộc hơn nữa giữa chủ đầu tư và tư vấn độc lập.

Phát biểu tại hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài cho biết, kết quả của hội thảo sẽ là tiền đề quan trọng để Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hoàn thiện Báo cáo tổng kết công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2016-2022 và định hướng giai đoạn 2022-2025 để trình bày tại hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ V.

Thời gian tới, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan, bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia trong sự nghiệp bảo vệ môi trường. Qua đó, giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện thành công các mục tiêu quan trọng của Đảng và Chính phủ đề ra trong năm 2022 và các năm tiếp theo đối với công tác bảo vệ môi trường.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bước tiến trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.