Đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia xử lý chất thải rắn

Gia Hân|25/07/2022 07:30

Ngày 23/7, tại Đà Nẵng, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phối hợp với Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy doanh nghiệp và hộ gia đình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt”.

Hội thảo nhằm đề xuất các giải pháp về cơ chế chính sách thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp và hộ gia đình trong thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho khu vực miền Trung nói riêng và cả nước nói chung. Đây cũng là một trong những nội dung thuộc nhiện vụ “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy doanh nghiệp và hộ gia đình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt” do Bộ Tài nguyên và Môi trường giao cho Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam thực hiện.

xu-ly-chat-thai-ran-2.jpg
Quang cảnh hội thảo

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam Trần Hiếu Nhuệ nhận định, xử lý chất thải trong sinh hoạt và sản xuất là vấn đề cấp bách ở nước ta hiện nay, đặc biệt ở khu vực nông thôn, nơi có hơn 70% dân số đang sinh sống và hạ tầng xử lý chất thải còn rất thô sơ, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Ước tính lượng chất thải rắn sinh hoạt trên cả nước phát sinh trung bình khoảng 25,5 triệu tấn/năm. Trong đó, khu vực đô thị phát sinh khoảng 38 nghìn tấn/ngày, khu vực nông thôn phát sinh khoảng 32 nghìn tấn/ngày. Ước tính lượng chất thải rắn sinh hoạt ở các đô thị phát sinh trên toàn quốc tăng trung bình 10-16 % mỗi năm.

Tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý năm 2016 đạt 85,5%. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn mới đạt khoảng 40-55%. Cả nước có khoảng 35 nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung tại các đô thị được đầu tư xây dựng và đi vào vận hành. Tổng công suất xử lý theo thiết kế khoảng 7.500 tấn/ngày. Số lượng lò đốt chất thải rắn sinh hoạt khoảng 50 lò, đa số là các lò đốt cỡ nhỏ, công suất xử lý dưới 500kg/giờ. Ngoài ra, cả nước có khoảng 660 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt với tổng diện tích khoảng 4.900ha, trong đó chỉ có 203 bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Nhiều xã, đặc biệt các xã miền núi, chưa có các bãi rác tập trung, chủ yếu hình thành bãi rác tự phát. Hiện nay, các bãi chôn lấp đã quá tải, phát sinh ô nhiễm nặng nề, gây bức xúc trong nhân dân. Một số nơi dân chúng đã ngăn chặn hoạt động vận chuyển rác vào bãi chôn lấp, gây ùn ứ rác ở các thành phố trong nhiều ngày.

xu-ly-chat-thai-ran-1.jpg
Trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt đường Lê Thanh Nghị đi vào hoạt động từ tháng 4/2022

Tại Đà Nẵng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố Đặng Quang Vinh cho biết, công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt khu vực nội thành chủ yếu được thực hiện theo 4 phương thức: thu gom bằng thùng rác đặt cố định trên đường phố (20,2%); thu gom bằng thùng rác đặt theo giờ (18,1%); thu gom bằng xe ba gác (52,6%); thu gom trực tiếp bằng xe cuốn ép (9,1%). Rác thải thu gom được vận chuyển đến điểm tập kết hoặc trạm trung chuyển, sau đó vận chuyển đến bãi rác, thực hiện chôn lấp hợp vệ sinh. UBND thành phố đang kêu gọi đầu tư để đổi mới công nghệ xử lý rác thải; theo đó sử dụng công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng, với 2 nhà máy xử lý rác thải công suất 650 tấn/ngày đêm và 1.000 tấn/ngày đêm theo hình thức PPP.

Theo GS.TS. NGND Trần Hiếu Nhuệ, rào cản đối với sự tham gia của doanh nghiệp và hộ gia đình vào công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt một phần do các quy định pháp luật chưa được hướng dẫn rõ ràng, cụ thể để khuyến khích khối tư nhân tham gia sâu rộng hơn nữa. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư phát triển của Nhà nước cho bảo vệ môi trường mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu đầu tư, cùng những bất cập trong phân bổ nguồn vốn này giữa Trung ương và địa phương; nguồn thu chính là phí vệ sinh và ngân sách Nhà nước bù đắp nên việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều hạn chế.

“Các nhà đầu tư chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực này do lợi nhuận thấp, rủi ro cao, trong khi đó các quy định cụ thể trong chính sách chưa đủ hấp dẫn đầu tư tư nhân và chưa đồng bộ, đầy đủ. Bên cạnh đó, tính hấp dẫn của các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị chưa cao do thường đòi hỏi vốn lớn, thời gian thực hiện dài, thu hồi vốn khó khăn, tính toán thu hồi phức tạp; các yếu tố cơ bản cho các hoạt động thị trường như cung/người bán, cầu/người mua, hàng hóa/dịch vụ, giá cả, quy định pháp lý, các dịch vụ hỗ trợ thị trường… còn rất hạn chế, chưa thật sự rõ ràng”, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam Trần Hiếu Nhuệ đánh giá.

Đồng tình với ý kiến của GS.TS. NGND Trần Hiếu Nhuệ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố Đặng Quang Vinh cho rằng, khó khăn hiện nay là các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ về vốn đầu tư, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm sau xử lý đối với các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã có; tuy nhiên, việc hướng dẫn triển khai còn thiếu và chưa cụ thể, kịp thời nên khó thực thi trong thực tiễn, số dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt được vay vốn từ các nguồn vốn ưu đãi là rất ít.

“Các cơ chế cụ thể về ưu đãi cho các hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải, tận thu năng lượng từ quá trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt và kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn còn thiếu và chưa đồng bộ. Có sự chồng chéo trong các quy định về thủ tục đầu tư xây dựng dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt; thiếu quy định về các cơ chế kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đối với rác thải nhựa, mặc dù đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để quản lý, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có các giải pháp hiệu quả trong việc kiểm soát, hạn chế, thu gom, tái chế và tái sử dụng”, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố phát biểu.

Bên cạnh đó, theo ông Đặng Quang Vinh, Chính phủ đã thống nhất giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn theo Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 3-2-2019 tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2019. Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố bắt đầu tiếp nhận quản lý nhà nước về chất thải rắn, trong đó có chất thải rắn xây dựng; tuy nhiên, hiện nay, cơ chế, chính sách quản lý chất thải rắn xây dựng vẫn chưa có.

Để thúc đẩy doanh nghiệp và hộ gia đình tham gia vào công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam Trần Hiếu Nhuệ cho rằng, trước hết, cần thay đổi nhận thức, tư duy về chất thải rắn. Theo đó, chất thải rắn sinh hoạt là nguồn tài nguyên tương lai có thể mang lại lợi ích kinh tế lớn; nhà nước tạo điều kiện pháp lý rõ ràng, tôn trọng nguyên tắc thị trường minh bạch cho phép doanh nghiệp và hộ gia đình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt có thể thu được lợi ích kinh tế.

Đồng thời, đảm bảo mức lợi nhuận hợp lý và minh bạch trong các quy định chính sách cụ thể về khuyến khích xã hội hóa theo nguyên lý “các bên cùng thắng” (win - win), theo đó mức lợi nhuận đủ hấp dẫn đầu tư tư nhân và đạt được mục tiêu quản lý một cách hiệu quả. “Ngoài ra, cần dành một khoản ngân sách cho đầu tư “mồi” đủ hấp dẫn đầu tư tư nhân cùng tham gia, mà hiện còn rất mờ nhạt, thậm chí vắng bóng trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị ở nhiều địa phương”, GS.TS. NGND Trần Hiếu Nhuệ đề xuất.

Trong công tác quản lý nhà nước, theo Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cần tăng cường vai trò của các cấp chính quyền địa phương qua việc kiện toàn cơ cấu tổ chức và nâng cao năng lực thực hiện các quy định của pháp luật về Quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản liên quan; rà soát, bổ sung, hoàn thiện chi tiết các quy định pháp luật liên quan đến quy hoạch điểm thu gom, tập kết chất thải rắn sinh hoạt và khu vực xử lý phù hợp, và chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng để thực thi các quy định đó.

xu-ly-chat-thai-ran.png
Điểm tập kết chất thải thân thiện môi trường thực hiện thí điểm tại Đà Nẵng

Cùng với đó, cần cụ thể hóa các quy định pháp luật nhằm khuyến khích, thúc đẩy đa dạng hóa thành phần kinh tế tham gia thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, khuyến khích hộ gia đình đồng thuận hỗ trợ, phối hợp với tổ chức, doanh nghiệp thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đúng pháp luật. Tăng cường đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật và công nghệ đáp ứng tốt cho thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của pháp luật. Tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức, phổ biến pháp luật về khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

GS.TS. NGND Trần Hiếu Nhuệ cũng đề xuất tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp tư nhân về khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt; thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt, ví dụ giữa các doanh nghiệp xử lý với các doanh nghiệp thu gom, vận chuyển; giữa các doanh nghiệp Nhà nước với các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI; phát triển các dự án PPP.

Bàn về giải pháp xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt và sản xuất ở nông thôn, GS. TS. Bùi Văn Ga nhận định, để xử lý căn bản vấn đề này, cần nghiên cứu làm chủ công nghệ phù hợp để áp dụng trong những điều kiện khác nhau về qui mô phát sinh và thành phần chất thải. Theo đó, GS. TS. Bùi Văn Ga đề xuất mô hình Mô-đun sản xuất điện năng hòa lưới công suất nhỏ, linh hoạt, chạy bằng biogas và syngas sản xuất từ chất thải rắn sinh hoạt và sản xuất ở nông thôn

“Mô hình Mô-đun điện rác cục bộ tạo thuận lợi cho việc xử lý rác thải ở nông thôn, khắc phục khó khăn của công đoạn vận chuyển đến nơi xử lý rác tập trung. Mặt khác, mô hình này còn tạo điều kiện kết nối với hệ thống điện mặt trời thành hệ thống năng lượng tái tạo hybrid giúp cho hệ thống cung cấp điện năng liên tục, khắc phục tính gián đoạn khi sử dụng một mình năng lượng mặt trời”, GS. TS. Bùi Văn Ga cho biết.

Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai hiệu quả mô hình phân loại rác thải rắn sinh hoạt với sự tham gia của các cấp Hội phụ nữ, bà Đỗ Thị Phương Dung, đại diện Ban tuyên giáo chính sách pháp luật Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố cho biết, các hoạt động bảo vệ môi trường của Hội đều hướng về cơ sở, tập trung cho phụ nữ ở khu vực khó khăn, giúp cho chị em có được những thông tin, những kiến thức cơ bản nhất “dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện” để từ đó có ý thức hơn trong bảo vệ, giữ gìn, thực hiện nếp ăn ở vệ sinh và dân dần đi đến thay đổi nếp sống có lợi cho bản thân, cho cộng đồng, thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố luôn lồng ghép việc thực hiện công tác bảo vệ moi trường với các chương trình khác như chương trình chăm sóc sức khỏe; giảm nghèo… để nâng cao hiệu quả việc thực hiện mô hình trong các cấp Hội; đồng thời, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ Hội nòng cốt ở cơ sở để có những tuyên truyền viên có kiến thức, có kỹ năng trong công tác truyền thông, vận động phụ nữ và cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường.

Theo bà Đỗ Thị Phương Dung, để mô hình phân loại rác thải tại cộng đồng được bền vững, cần có nguồn kinh phí hỗ trợ cho những người thực hiện trực tiếp công tác vận động, thu gom, hướng dẫn thu gom, phân loại rác thải tại khu dân cư cũng như có cơ chế cho khu dân cư hoạt động. Đồng thời, trang bị các phương tiện thu gom như xe đẩy, thùng thu gom để các Hội đoàn thể tại địa phương tổ chức thu gom được thuận tiện hơn nhằm giảm bớt áp lực cho đội ngũ trong quá trình vận chuyển thu gom rá; chú trọng đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ thực hiện công tác thu gom tại khu dân cư, đồng thời xây dựng bộ tài liệu dễ hiểu nhất dành cho các hội đoàn thể tại khu dân cư để làm tốt công tác tuyên truyền.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia xử lý chất thải rắn