Nắng nóng, xâm nhập mặn khiến cho gần 30 000 hộ dân tại Cà Mau bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Nhiều nơi, người dân sử dụng nước phèn, nước mặn sinh hoạt, đổi nước đóng chai để uống với giá cao hoặc mua nước từ 150.000 đến 250.000 đồng/m3.
Hạn mặn khiến gần 30 000 hộ dân ở Cà Mau thiếu nước ngọt
Theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, dự báo dòng chảy tháng 3 từ thượng lưu sông Mekong về ĐBSCL có khả năng vẫn ở mức rất thấp. Do đó, xâm nhập mặn tháng 3 ở ĐBSCL có khả năng rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt, nhất là ở khu vực cửa sông Cửu Long từ ngày 7 đến ngày 15/3.
Chiều sâu lớn nhất mà mặn 4g/lít có thể xâm nhập trên sông Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây) từ 100 đến 110 km. Phạm vi ảnh hưởng của mặn 4g/l trên sông Cửa Tiểu, Cửa Đại khoảng 60km; trên sông Hàm Luông khoảng 78km; sông Cổ Chiên khoảng 70km; sông Hậu khoảng 70km. Trên sông Cái Lớn, dự báo phạm vi ảnh hưởng khoảng 62 đến 65km.So với cùng kỳ tháng 3/2016, phạm vi ảnh hưởng của mặn 4g/l trên các sông ở ĐBSCL đều được dự báo là sẽ sâu hơn.
Tuy nhiên, trước đợt mặn này, thời gian từ ngày 2 đến ngày 6/3, khu vực cách biển từ trong vòng 50 km, nguồn nước ngọt có khả năng xuất hiện, nhất là khi triều thấp. Vì vậy, các địa phương cần tăng cường quan trắc và tập trung tối đa phương tiện để lấy nước ngọt trong thời gian này.
Trong số các tỉnh vùng ĐBSCL, Cà Mau đang chịu xâm nhập mặn nặng nề nhất. Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ NNPTNT do Thứ trưởng Hà Công Tuấn dẫn đầu mới đây, lãnh đạo UBND huyện Trần Văn Thời cho biết chưa tìm ra được giải pháp nào để ngăn chặn, cũng như khắc phục sự cố sụt lún. Giải pháp mang tính đề xuất đưa một lượng nước mặn vào nhất định nhằm tạo giảm áp lòng kinh, ngăn chặn sụt lún đường có thể mang lại hiệu quả bước đầu nhưng lại khó khăn khi phải rửa mặn. Lãnh đạo tỉnh cũng không đồng ý với phương án này. Như vậy, giải pháp chống mặn, sạt lở ở đây vẫn chưa có.
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, để khắc phục sẽ khôi phục lại Âu thuyền Tắc Thủ, khi hoàn thành công trình cống Cái Lớn (Kiên Giang), khi đó sẽ dẫn nước ngọttừ đây thông qua tuyến sông Chắc Băng về Cà Mau. Với vùng ngọt Trần Văn Thời, khi cần thiết sẽ tiếp nước ngọt cho toàn vùng này thông qua hệ thống công trình, hoặc bơm cưỡng bức, nước ngọt sông Hậu sẽ sớm về với Cà Mau.
Thùy Trang