Khu vực hạ lưu sông Mê Kông đang ít mưa, một số nơi có mưa trái mùa nhưng không đáng kể, lượng mưa thấp hơn cùng kỳ năm 2019. Dòng chảy trên sông Mekong tiếp tục xuống đến giữa tháng 3, sau đó có khả năng lên chậm.
Một con rạch tại tỉnh Cà Mau cạn khô đáy, ảnh chụp sáng 26-2 – Ảnh: Đan Thuần
Dòng chảy về đồng bằng sông Cửu Long giảm so với tháng 2. Dự báo tổng lượng dòng chảy trong tháng 3 và tháng 4 sẽ thấp hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 50-60%.
Đến cuối tháng 3 các sông Nam Bộ chịu ảnh hưởng của triều cường, trong đó kỳ triều cường rằm tháng 2 âm lịch (giữa tháng 3 dương lịch) đỉnh triều sẽ ở mức cao.
Ông Nguyễn Kiệt – trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ – cho biết độ mặn vùng hạ lưu sông Cửu Long sẽ giảm nhẹ đến cuối tháng 2, sau đó tăng cao trở lại đến giữa tháng 3.
Độ mặn cao nhất năm có khả năng xuất hiện vào nửa cuối tháng 3 ở khu vực hạ lưu sông Cửu Long (sông Tiền, sông Hậu). Còn trên hệ thống sông Vàm Cỏ sẽ vào cuối tháng 5. Độ mặn năm nay có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm và cao hơn thiên tai năm 2016.
Ranh mặn 4 g/l xâm nhập sâu nhất khoảng 60 – 80km trên hệ thống sông Tiền, sông Hậu và khoảng 100-110km trên hệ thống sông Vàm Cỏ.
Các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long cần chủ động ứng phó với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra trong thời gian tới.
Đặc biệt trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong lưu vực sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn kéo dài hơn và trở nên trầm trọng hơn.
Theo TTO