Cả nước có gần 60.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết trong 7 tháng đầu năm

T.Tâm (TH)|26/07/2017 07:15
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Cả nước có gần 60.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết trong 7 tháng đầu năm

(Moitruong.net.vn) – Theo ông Trần Đắc Phu, Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong 7 tháng đầu năm 2017, cả nước ghi nhận gần 60.000 trường hợp mắc, trong đó có 50.497 trường hợp nhập viện, 17 ca tử vong. So với cùng kỳ 2016, số trường hợp nhập viện tăng 9,7%.

sốt xuất huyết gia tăngCả nước có gần 60.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết trong 7 tháng đầu năm

Ông Trần Đắc Phu cũng nhận định, nguyên nhân của sự gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết thời gian qua là do mùa hè đến sớm, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn những năm trước, dẫn đến véc tơ truyền bệnh phát triển mạnh.

Bên cạnh đó là thói quen tích trữ nước của người dân chưa có thay đổi; tốc độ đô thị hóa nhanh, môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ lăng quăng của muỗi truyền bệnh.

Hơn nữa, sự chủ động, phối hợp của người dân và ban, ngành đoàn thể trong công tác phòng chống sốt xuất huyết tại một số địa phương chưa cao; việc triển khai biện pháp phun hóa chất và diệt lăng quăng ở khu vực thành thị gặp nhiều khó khăn, không triệt để; nhiều địa phương gặp khó khăn về kinh phí.

Sốt xuất huyết lan truyền khắp cả nước nhưng chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền Nam (64,4%) và miền Trung (19,9%). Khu vực miền Bắc có tỷ lệ thấp hơn (12,4%), tuy nhiên gần đây có gia tăng số trường hợp mắc ở Hà Nội (số mắc tuyệt đối ở Hà Nội đứng thứ 3 cả nước, số mắc trên 100.000 dân đứng thứ 19).

“Bệnh sốt xuất huyết lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti. Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối”, ông Phu cho biết.

Cục Trưởng Trần Đắc Phu cho biết thêm, muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết thường trú đậu ở các góc, xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản chủ yếu ở dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây… các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa…, không đẻ ở ao tù, cống rãnh có nước hôi thối. Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình vượt trên 20ºC.

Chính vì vậy, biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết quan trọng nhất là diệt loăng quăng, lật úp các dụng cụ chứa nước, tăng cường chủ động tuyên truyền đến từng hộ, từng người dân để hạn chế dịch bệnh lây lan; đồng thời tăng cường công tác truyền thông về dự phòng tới người dân về phòng chống bệnh sốt xuất huyết “không có loăng quăng bọ gậy, không có sốt xuất huyết”; Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch; Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

T.Tâm (TH)

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cả nước có gần 60.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết trong 7 tháng đầu năm